| Hotline: 0983.970.780

Miếu tưởng niệm người chết đói: Đói, đói và đói!

Thứ Hai 04/08/2014 , 08:15 (GMT+7)

Nạn đói Ất Dậu bắt đầu từ tháng 10/1944, đỉnh điểm là tháng 2, tháng 3 năm 1945, ước tính đã giết chết khoảng 2 triệu người miền Bắc. Bài viết này như một nén tâm nhang tưởng nhớ họ.

Suốt dặm dài sông Hồng miệt mài ra biển qua cửa Ba Lạt, chỗ chảy qua Hồng Thuận (Giao Thủy, Nam Định) nổi lên một cồn cát. Ở gần cồn có một vụng nước hình cong như cổ vạy trâu.

Những xác chết trôi từ thượng nguồn về đều nổi lên, dạt vào bờ khiến dân làng phải dựng ngôi miếu thờ, tên gọi là Bách Linh. Đây cũng là nơi vùi xác khoảng 500 nạn nhân đói Ất Dậu 1945.

Xóm làng nay trù mật. Nhà cửa rộng thênh thang. Lúa đồng đương thì con gái xanh ngằn ngặt. Cảnh no đủ đó khiến người ta có thể quên đi nơi đây từng là một địa ngục giữa trần gian, la liệt xác người.

Ký ức lại ùa về khiến cho mắt ông lão như có một làn khói phủ. Ông là Phạm Công Báo, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Cát Hải (tên cũ của xã Hồng Thuận) năm 1946.

Ông kể: Năm 1944, Nhật chỉ thị cho lý trưởng Hà Cát ép dân nhổ lúa trồng đay phục vụ cho nhu cầu chiến tranh. Năm 1945, lại xảy ra nạn lúa bạch lạc. Bông lúa cứ trắng đi, phấn không thụ được, lép kẹp. Chỗ còn, chỗ mất nhìn ruộng loi thoi như úp nơm nên người ta gọi là bệnh bạch lạc úp nơm.

Một mẫu ruộng chỗ được vài thùng (mỗi thùng khoảng 10 kg), chỗ không nổi một đấu. Cái đói đã giơ móng vuốt, hiển hiện trong làn da bủng vàng, trong những con mắt trũng sâu, dài dại.

Tháng 2/1945, ông Báo cùng với ông Bùi Trang qua Nam Định lên Yên Bái chỗ nhà bà cô để mong kiếm tí sắn về chống đói. Đang lớ ngớ ở bến xe bỗng hai ông giật mình bởi một tiếng quát lạ. Tiếng quát của một thứ ngôn ngữ khác.

Tò mò quay lại thì thấy có mấy người đói đang thò tay vào lỗ thủng của bao gạo trên chiếc xe kéo do một tên lính áp tải mà bốc trộm. Quát mắng không ăn thua, tên lính xoay đầu súng, hướng lưỡi lê xiên thẳng vào bụng một người. Máu phụt ra. Loang đỏ cả vạt gạo trắng.

Người bị đâm quằn quại trong vũng máu, giãy lên mấy cái rồi nằm im. Đám đông vẫn không chịu dời đi. Mặc cho tên lính thốc những cú đá túi bụi vào đầu, vào mặt, họ bốc từng nắm gạo sống nhuốm máu tươi dưới đất bỏ vào mồm, nhồm nhoàm nhai.

Trưa đó, vào quán ăn ở bến xe Lương Thực, hai ông gọi mỗi người một nắm cơm to bằng cái chén uống nước với giá một đồng chinh. Đang chực bỏ vào mồm bỗng chủ quán hét: “Cẩn thận kẻo bị cướp mất cơm!”.

Chưa kịp định thần, nắm cơm trên tay ông Báo đã biến mất. Kẻ cướp cơm vừa nhảo ra đến cửa thì một người khác đã đuổi theo, túm chặt lấy áo. Kẻ đuổi khỏe hơn kẻ cướp. Yếu thế, kẻ cướp liền bỏ vội nắm cơm vào miệng, phùng mồm, trợn má nhai vài lần rồi nuốt chửng.

15-00-07_dsc_7852

Không chịu buông tha, người kia đè nghiến xuống đất, tay bóp cổ, chân đạp liên tục vào lưng. Kẻ cướp thốc tháo nôn, người kia liền bốc bãi nôn bỏ vào mồm rồi nuốt.

Thôn xóm lúc bấy giờ không một tiếng gà, tiếng lợn, tiếng chó. Súc vật chịu chết trước con người bởi không còn gì để nuôi, bởi giết chúng đi cũng được một bữa no. Ở nhà thì đất của mình nhưng bước chân ra ngõ đã là đất của địa chủ, của nả bần nông nào có đáng gì?

Đầu tiên họ bán tất những gì có thể như nồi đồng, mâm đồng, bát sứ, cối xay. Nhà ông Phạm Tại gọi bán cả căn nhà ba gian hai chái cột kèo bằng gỗ xoan ngâm, mái lợp rạ dầy khít được có năm bơ gạo.

Cầm cự được mấy hôm cuối cùng cả gia đình ông chết không sót lại một ai. Người làng sợ thối kéo bỏ những cái xác vứt xuống sông Đông Bình. Gốc đa đầu đê, từng đàn quạ bậu đen, lông bóng mượt, suốt ngày kêu “quà quạ”.

Ở xóm ông Báo, gia đình có nhiều người chết đói nhất là nhà ông Vũ Ngôn với hai mươi khẩu. Ông Ngôn có bảy người con, đứa lớn đã có vợ, có chồng, đứa nhỏ đầu vẫn còn để chỏm. Thế mà chết sạch, cả dâu, cả rể, cả ông, cả bà trừ người con nuôi là Phạm Dần. Ông này sống sót nhờ đi lang thang ăn cỏ, ăn cây.

Nhà ông Vũ Ngự có năm người chết cả năm gồm hai ông bà cùng ba đứa con nhỏ. Nhà con lớn ông Ngự là Vũ Bào cũng chết hết cả bốn người gồm hai vợ chồng cùng hai đứa con. Nhà con rể ông Ngự là Phạm Lãi có năm người cũng chết cả năm. Cạnh đó, nhà ông Nguyễn Cự bảy người không ai thoát khỏi số kiếp làm ma đói…

Làng Hà Cát khi đó chết chừng ba bốn trăm người. Đa phần là bần nông. Số sống sót là địa chủ, phú nông, trung nông hoặc một ít tá điền cấy rẽ, nộp tô.

Vợ ông Bào là người chết cuối cùng trong gia tộc họ Vũ. Sở dĩ xóm làng còn nhớ rõ bởi cái chết của bà quá ư là đau đớn.

 Khi sức tàn, lực kiệt, bà run rẩy bò ra gò đồng Thập Phiên nằm xuống, quấn quanh người một manh chiếu rách chờ chết. Thế mà không chết được! Thỉnh thoảng bà đội chiếu lên, run rẩy đứng dậy rồi lại đổ vật xuống như một cái cây bị đốn. Người làng trông thấy nhưng chẳng ai buồn lại gần bởi mạng mình còn chưa chắc giữ được, huống hồ mạng người.

Cứ đội chiếu lên, đổ người xuống như vậy đến khi không còn đổ được nữa, ba hôm sau bà mới chịu chết trong tư thế ngồi gục. Từ lúc đói đến lúc chết là một quãng thời gian đau đớn kéo dài 20-30 ngày.

Nhà ông Báo may mắn không ai chết đói nhờ bố ông là cụ đồ biết cách phòng xa. Mỗi bữa ông đem một nhúm thóc ra rang, cho vào cối giã nhỏ rồi giần. Cái nào lọt qua thì lấy, cái ở mắc lại trên giần đem ra cối giã tiếp. Cứ thế đến khi tất cả trấu, gạo đều hóa cám cả, ăn kỳ hết thì thôi.

Bà Trần Thị Thanh cũng là người Hà Cát, năm Ất Dậu mới lên mười. Bà nhớ rõ cảnh mẹ mình lấy lá mít xúc cho mỗi người một dúm cám vào buổi sáng và chia cho mỗi người nửa củ khoai bằng cái ngón chân vào buổi chiều.

15-00-07_thuyet-trinh-nn-doi-1945-su-12-bi-17
Ảnh tư liệu của nạn đói 1945

Nhà có độ mươi cân thóc, bố bà trút hết vào hũ rồi đào một cái hố, chôn ngay ngoài vườn. Sợ trộm bê mất hũ thóc, ông còn ỉa lên trên chỗ đất mới đào để ngụy trang.

Tối đến, mẹ bà len lén ra đào cái hũ lên, lấy vài lạng thóc về rang, giã nhỏ ra để cả nhà cầm hơi. Đói quá, chẳng ai muốn làm gì ngoài nằm nhà. Cạnh nhà có gia đình ông Phạm Mậu chết mất 12 người, gia đình ông Phạm Quyền chết mất 7 người.

Có lẽ sẽ chẳng có ai để ý đến những cái chết này nếu không có tiếng một đứa trẻ cứ khóc khào khào như mèo con. Nương theo tiếng khóc, mẹ bà Thanh sang nhà ông Quyền thấy xác người nằm la liệt.

Bà Quyền đã chết thâm nhưng trên bụng đứa con hai tuổi vẫn còn nhay nhay núm vú quắt queo. Bà bồng đứa trẻ trên tay về bảo chồng: “Cứu một người phúc đẳng hà sa…”. Chồng bà đăm chiêu: “Thế còn bốn đứa con nhà mình?”.

Nhưng rồi buổi sáng đó, ông vẫn bảo vợ chia một lá mít cám cho đứa trẻ. Cái lá mít mỏng manh dắt dít họ qua nạn đói. Xóm bà Thanh có hàng chục ngôi nhà, sau đói chỉ còn nhà bà, nhà ông Phạm Đăng và Phạm Kế Trung có người sống sót.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.