| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 22/04/2013 , 09:35 (GMT+7)

09:35 - 22/04/2013

Minh bạch ở đâu?

Nhiều người đang băn khoăn không hiểu sự minh bạch trong điều hành giá xăng dầu ở đâu sau nhiều quyết định tăng, giảm giá khó hiểu đối với mặt hàng này.

Nhiều người đang băn khoăn không hiểu sự minh bạch trong điều hành giá xăng dầu ở đâu sau nhiều quyết định tăng, giảm giá khó hiểu đối với mặt hàng này.

Chiều ngày 18/4, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước điều chỉnh giảm giá bán lẻ tối thiểu từ 87 - 408 đồng/lít (đối với các mặt hàng xăng, dầu diezen và dầu hỏa) do giá xăng dầu thế giới giảm sâu, tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ trong nước.

Đến 19h cùng ngày, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL)… đã lần lượt chấp hành quyết định kể trên bằng cách điều chỉnh giá xăng bán lẻ từ 410 – 420 đồng, còn 23.640 đồng/lít (giá của Petrolimex).

Tuy nhiên, mức giảm giá này được xem là không phù hợp vì tại thời điểm đó, các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi tới 1.750 đồng/lít (theo báo Đất Việt).


Ảnh minh họa

Trước đó, giá xăng bán lẻ cũng đã giảm nhỏ giọt 500 đồng/lít hôm 8/4 trước sức ép của dư luận khi tăng giá tới 1.450 đồng/lít hôm 28/3 trong bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang giảm mạnh.

Tuy nhiên, tổng cả hai lần giảm giá (920 đồng/lít) mới chỉ tương đương hơn 60% so với một lần tăng giá khiến người dân vừa bức xúc, băn khoăn với cách điều hành thị trường xăng dầu vừa tự đặt câu hỏi về sự minh bạch của thị trường này.

Bức xúc là bởi giá xăng dầu bán lẻ trong nước đang được điều hành theo những cách khác thường, đi ngược với quy luật: Khi giá xăng dầu thế giới vừa tăng thì các doanh nghiệp đầu mối đã sốt sắng đề xuất tăng giá theo ngay lập tức để “phù hợp với tình hình chung” và lên tiếng phân trần rằng người dân cần chia sẻ gánh nặng về chi phí xăng dầu với nhà nước và doanh nghiệp.

Thế nhưng, khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh, các doanh nghiệp đầu mối lãi “khủng”, có lúc lên đến gần 2.000 đồng/lít và đạt lợi nhuận hàng chục ngàn tỷ đồng thì họ lại cố tình lờ tịt nghĩa vụ chia sẻ khó khăn với người dân.

Thay vào đó, họ tìm mọi cách để trì hoãn việc giảm giá bán lẻ trong nước và đưa ra hàng tá lý do như: Để bù lỗ khi giá xăng dầu thế giới cao, tăng tỷ lệ trích hoa hồng cho các đại lý, bù đắp các chi phí phát sinh…

Người dân cũng còn băn khoăn vì không hiểu những người làm công tác điều hành và các doanh nghiệp đầu mối có tính đến những tác động tiêu cực của việc tăng giá mặt hàng này đối với đời sống của người lao động trước mỗi lần đề xuất hay ban hành quyết định điều chỉnh giá hay không.

Thực tế cho thấy, mỗi lần xăng dầu tăng giá, dù chỉ tăng 500 đồng/lít, đều khiến giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, từ lương thực, thực phẩm, tới giao thông vận tải, chi phí sinh hoạt đều vùn vụt tăng theo khiến người dân khốn đốn vì đồng lương eo hẹp vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Tình trạng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần khiến mỗi lần giá xăng dầu tăng là một lần người dân thấy phấp phỏng lo lắng vì sợ rằng ngày mai tiểu thương các chợ bán lẻ, chợ đầu mối, những người cung cấp dịch vụ sẽ ào ào “té nước theo mưa” bằng cách nâng giá mọi hàng hóa, dịch vụ từ nhỏ tới lớn khiến đời sống của họ vốn đã chật vật lại càng khốn khó.

Thế nhưng, khi giá xăng giảm thì giá cả của các mặt hàng lại không giảm theo mà vẫn đứng yên như không có chuyện gì xảy ra khiến người dân thiệt đủ bề.

Còn nhớ, khi  trong cuộc họp báo thành lập Hiệp hội Xăng dầu hồi tháng 3 vừa qua, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex đã hùng hồn tuyên bố “xăng dầu là mặt hàng minh bạch nhất Việt Nam”.

Tuy nhiên, với thực tế những gì đang diễn ra trên thị trường xăng dầu, người dân không những không thể tin đây là mặt hàng minh bạch nhất Việt Nam mà còn cảm thấy ngờ vực vào sự trung thực của các doanh nghiệp đang kinh doanh mặt hàng vốn được xem là siêu lợi nhuận này.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm