| Hotline: 0983.970.780

Mình là đồng đội mà!

Thứ Năm 25/04/2013 , 10:19 (GMT+7)

Bản lĩnh người lính cộng với tấm lòng những người đồng đội năm xưa đã giúp ông chiến thắng vô vàn khó khăn trong cuộc mưu sinh, như chính cái tên của mình.

Năm nay đã 75 tuổi, người đàn ông ấy từng một thời lập bao chiến công hiển hách trong cuộc khánh chiến chống Mỹ. Trở về đời thường, ông lại vật lộn với vô vàn khó khăn trong cuộc mưu sinh. Nhưng, bản lĩnh người lính cộng với tấm lòng những người đồng đội năm xưa đã giúp ông chiến thắng, như chính cái tên của mình.

TÊN ANH LÀ CHIẾN THẮNG

Lần mò mãi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được ngôi nhà nằm cuối con đường đất nhỏ và dài hun hút ở ấp Phước Lập, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, Tây Ninh, bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, sát biên giới Campuchia.

Vừa bước vào sân đã thấy một người đàn ông thân hình vạm vỡ, mái đầu bạc trắng bước ra, đó là Anh hùng LLVT Lê Chiến Thắng. Vồn vã kéo tay chúng tôi ngồi xuống hiên nhà, nơi có bộ tách trà và một rổ đầy xoài, bưởi, ông Thắng cười khà khà một lúc rồi rổn rảng: “Giỏi! giỏi! Tụi bây vô được đây là rất giỏi. Nhiều người lội vô kiếm mà không ra, còn bị té lộn nhào xuống ruộng nữa”.


AHLLVT Lê Chiến Thắng

Lúc này, chúng tôi mới quay nhìn lại “con đường” vừa đi qua, thấy nó nhỏ xíu. Khô ráo đi đã khó, trời mưa mà đi té ruộng là cái chắc. Ông Thắng nói, như để thanh minh cho cái lý do sống trong chốn heo hút này: “Nhiều người hỏi tui ở miết trong bưng không thấy buồn sao? Tui nói: Đây là công sức của vợ chồng tui bao năm nay và là tình cảm, tấm lòng của đồng đội tui, làm sao mà buồn được? Giờ muốn tui kể chuyện xưa hay chuyện bây giờ?”.

Tôi cười, ghẹo ông: “Chuyện nào trước cũng được, trước sau gì cũng nghe hết mà chú”. Rồi, những vinh quang, hào hùng trong chiến tranh và những năm tháng vật lộn với vất vả trong đời thường được ông tái hiện như một cuốn phim dài hấp dẫn chúng tôi đến giây phút cuối.

Quê ở Chợ Lách, Bến Tre, cũng như bao thanh niên khác, vừa kịp “đủ lông đủ cánh”, ông Thắng đã hăm hở lên đường đi bộ đội và sau đó không lâu, anh trở thành chiến sỹ đặc công của Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, đơn vị từng từng khiến Sư đoàn bộ binh thiện chiến số 1 mang tên “Anh Cả Đỏ” của Mỹ phải khiếp sợ. Bản thân ông Thắng đã tham gia hàng trăm trận đánh, lập những chiếm công vang dội, là một trong những chiến sĩ trong lực lượng chủ lực tham gia trận lịch sử năm Mậu Thân 1968.

Trong số những chiến công mà Lê Chiến Thắng lập được, có những trận đánh được xem là “kinh điển” bởi tính sáng tạo, mang dấu ấn cá nhân của ông. Đó là trận đánh năm 1973 (lúc này, ông Thắng đã được điều về tăng cường cho chiến trường miền Tây) dùng mìn tự tạo đánh tan tác một lữ đoàn tăng thiết giáp của địch nhằm giải vây cho đơn vị. Sau chiến công này, Lê Chiến Thắng được tặng Huân chương Chiến công hạng nhất và danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng.

Đầu năm 1975, một trận đánh ác liệt ở Cái Bè, Tiền Giang khiến đại úy Lê Chiến Thắng, lúc này đã là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn đặc công, bị thương nặng nên được đưa trở lại bưng để chăm sóc. Ông thất lạc đơn vị từ đó. Năm 1976, trong lúc gia đình đã nhận được giấy báo tử thì anh bộ đội Lê Chiến Thắng lù lù ôm ba lô trở về trong sự ngạc nhiên lẫn vui mừng của người thân.

Ông lập gia đình, rồi 5 người con lần lượt chào đời. Với vài công đất, lại thường xuyên mất mùa, lũ lụt, kinh tế gia đình bắt đầu gặp khó khăn. Nhưng, bao khó khăn ấy không làm cựu binh Lê Chiến Thắng nhụt chí.


Trong thời bình, Anh hùng Lê Chiến Thắng cũng là một nông dân sản xuất giỏi

“Năm 1997, một trận lũ lớn đã gây sạt lở, kéo hết nhà cửa ruộng vườn của gia đình tui xuống sông. May không ai bị hà bá nuốt, nhưng toàn bộ gia sản tiêu hết, vợ chồng tui trắng tay. Trong lòng vừa buồn vừa hoang mang, nhưng nhìn vợ con ngồi khóc, tui nghĩ: chẳng lẽ thằng đàn ông từng bao năm “vào sinh ra tử”, đối mặt với những khó khăn nguy hiểm gấp vạn lần như mình mà chịu bó tay sao? Nghĩ thế nên tôi đứng lên quả quyết: “Chúng ta sẽ làm lại từ đầu. Rồi mọi chuyện sẽ ổn”, ông Thắng trầm ngâm nhớ lại.

NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI

Năm 2001, khi 4 người con lớn đã yên bề gia thất, ông đưa vợ và cậu con trai út trở lại nơi năm xưa ông từng chiến đấu, vừa thăm lại đồng đội, vừa tìm cách mưu sinh. Gặp lại những đồng đội cũ, ông rưng rưng nước mắt, những vòng tay ấm xiết chặt. Họ cùng nhau ngồi ôn lại chuyện cũ, sau đó, ngồi bàn phương án “tác chiến” vượt khó khăn.

“Trong kháng chiến, anh Thắng không chỉ là một người chỉ huy gan dạ của chúng tôi, mà còn có nhiều sáng kiến hay giúp đơn vị luôn thắng địch, ít thiệt hại. Chúng tôi tự hào có những người đồng đội, đồng chí như anh ấy. Bây giờ, nhìn gia đình anh khó khăn sao đành”, ông Dư Phước Hiệp, một đồng đội cũ của ông Thắng, nay là Phó Chủ tịch Hội CCB xã Phước Vinh nói với chúng tôi.

Ông Thắng xúc động tiếp: “Lúc ấy, tui chỉ có 2 bàn tay trắng, mấy anh trong hội CCB đã xuất số tiền quỹ ít ỏi của Hội rồi vay thêm, thuê 2 công ruộng cho vợ chồng tui làm, còn cất cho một căn chòi ở tạm nữa. Tình người, tình đồng đội quí hơn ngàn vàng!”.

Không phụ ân tình của đồng đội, ông Thắng ra sức lao động, ngoài thời gian canh tác trên mảnh đất thuê, ông lại đi tìm việc làm thuê. Đến năm 2006, vợ chồng ông đã mua được 5 công đất để canh tác. Mảnh vườn ấy chính là nơi chúng tôi đang đứng. Ngoài vườn, những cây xoài tứ quý, bưởi, mít thái, sầu riêng, măng cụt, chanh…do được chăm sóc tốt, cây nào cũng lúc lỉu quả.


Ngôi nhà nghĩa tình do ông Thắng và đồng đội đóng góp xây cho người đồng đội Võ Văn Hùng (trong ảnh: Từ trái qua: Vợ chồng ông Hùng, ông Dư Phước Hiệp và AHLLVT Lê Chiến Thắng)

Chiều muộn, dưới mái hiên ngôi nhà nằm giữa vườn cây trái, có hai cựu chiến binh mái đầu bạc trắng đang tâm tình. Những bàn tay nắm chặt cùng lời xúc động: “Không có anh và các đồng đội cũ, tôi khó mà có được ngày hôm nay, có khi còn vất vưởng đi làm thuê ở đâu đó”. Một cái vỗ vai và tiếng cười xòa đáp lại: “Mình là đồng đội mà. Ngày xưa mình cùng chống ngoại xâm, giờ mình lại chống đói nghèo, cái nào cũng phải thắng giòn vậy mới đáng mặt anh hùng chớ”.

Hạnh phúc chưa dừng lại ở đó, ông Hiệp và các đồng đội lại tiếp tục lặn lội khắp nơi để bổ túc, hoàn tất hồ sơ đề nghị đơn vị cũ và nhà nước ghi công. Cuối cùng, những cố gắng của đồng đội ông đã có kết quả. Ngoài việc được Sư đoàn 9 xây tặng một căn nhà tình nghĩa, năm 2010, ông Thắng còn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.

Khi gia đình ổn định, ông Thắng bắt đầu dành thời gian đáp trả nghĩa tình đồng đội bằng cách hỗ trợ cho những CCB đang gặp khó khăn từ vốn đến kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng cây ăn trái, đóng góp xây tặng nhà đồng đội cho các CCB trong xã. Chỉ tính riêng năm 2012 vừa qua, ông Thắng đã cùng Ban liên lạc Sư đoàn 9 vận động kinh phí xây 50 căn nhà (mỗi căn trị giá 70 triệu đồng) cho đồng đội ở trong, ngoài xã.

Ông Võ Văn Hùng, tham gia kháng chiến chống Mỹ trở về chưa bao lâu thì xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, căn nhà của ông bị giặc Pôn Pốt đốt rụi. Vợ chồng ông phải sống tạm bợ trong túp lều nhỏ với nghề giăng câu trên sông Vàm Cỏ. Ông Thắng cùng Hội CCB Phước Vinh đã đóng góp và vận động thêm để xây cho vợ chồng ông Hùng căn nhà mới trị giá 50 triệu đồng. Lúc chúng tôi đến, căn nhà đã xây gần xong, ông Hùng nắm tay tôi, rưng rưng xúc động: “Nghĩa tình này sâu nặng quá đồng chí ơi. Vợ tui nhiều bệnh lắm, vậy mà từ khi được xây nhà mới, bả khỏe hẳn ra”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.