| Hotline: 0983.970.780

Miwon đổ chất thải lên Yên Bái?

Thứ Ba 11/06/2013 , 11:14 (GMT+7)

Với cái tên mỹ miều “Phân hữu cơ MV-L” được “dán” vào những chiếc xe bồn chở nước thải của Cty TNHH Miwon Việt Nam đang được đổ thẳng lên ruộng đồng, đồi núi Yên Bái.

Với cái tên mỹ miều “Phân hữu cơ MV-L” được “dán” vào những chiếc xe bồn chở nước thải của Cty TNHH Miwon Việt Nam đang được đổ thẳng lên ruộng đồng, đồi núi Yên Bái. Nguy hại của chất thải này đối với đất đai, nguồn nước và cây trồng như thế nào các cơ quan chức năng cần phải làm rõ...

Theo phản ánh của người dân, từ năm 2010 đến nay Cty TNHH Miwon Việt Nam, có trụ sở tại phố Sông Thao, phường Thọ Sơn, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thông qua một số đầu mối đã thực hiện việc đổ chất thải lên Yên Bái núp dưới cái tên “Phân hữu cơ MV-L” dạng lỏng mỗi năm hàng trăm tấn.


Chất thải của Cty Miwon Việt Nam đổ ở dốc Đát Quang (Văn Chấn) chuẩn bị tưới cho chè

Sáng 5/6/2013 chúng tôi cùng với đoàn công tác của Sở Tài nguyên-Môi trường Yên Bái bất ngờ thấy giữa lưng chừng dốc Đát Quang (xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) có 6 thùng nhựa màu xanh đặt bên đường, cạnh đó là một bể nước màu đen quây trong tấm vải bạt xanh bốc mùi rỉ đường rất khó chịu.

Hỏi những người dân quanh đó, được biết đây là chất thải của nhà máy Miwon vừa chở lên đổ xuống đó chuẩn bị dùng bơm cao áp tưới cho nương chè phía trên đồi. Càng ngạc nhiên hơn khi chúng tôi được biết đây là “Phân hữu cơ MV-L” của Cty Miwon Việt Nam.

Ngày 9/6/2013, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên-Môi trường Yên Bái đến một số địa phương tìm hiểu việc người dân đã sử dụng phân MV-L như thế nào.

Anh Trần Văn Nghị, thôn 8, xã Hưng Khánh, cho biết: Xã Hưng Khánh nhiều gia đình sử dụng loại phân này để tưới cho chè thông qua ông Vương ở xã Tân Thịnh. Giá mỗi tấn từ 700-750 ngàn đồng, hiện nay giá tăng lên 850 ngàn đồng/tấn, ông Vương chở đến chân đồi rồi dùng bơm cao áp bơm thẳng lên đồi chè. Một tấn phân có thể bón cho một ha hay nửa ha là tùy nhà. Tôi có mua một ít tưới cho rau và lúa thấy tốt, nhưng không biết sau này thế nào nên không dám dùng...


Đồi chè tưới chất thải Miwon đất chai cứng, cỏ không mọc lên nổi

Theo anh Nghị, những gia đình tưới phân này chè xanh tốt, giá lại rẻ hơn so với nhiều loại phân khác, nên người dân sử dụng ngày một nhiều hơn. Khi tưới phân này giun, dế ở các rãnh chè và cỏ đều chết. Do không biết mức độ độc hại của loại phân này đối với đất đai và cây trồng nay mai như thế nào nên anh Nghị chưa dám dùng, vả lại đồi chè nhà anh xa đường nên vận chuyển các thùng phân lên đó rất khó khăn.

Chúng tôi cùng ông Trần Văn Dĩnh - Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn đến gia đình ông Đinh Trọng Vương, trú tại thôn 3, là đầu mối của Cty TNHH Miwon Việt Nam tiếp nhận và cung ứng phân MV-L cho các hộ dân ở huyện Văn Chấn và Trấn Yên. Lúc này ông Vương đang đi tưới phân cho người dân nghe điện thoại của vợ thì vội về tiếp chúng tôi.

Ông Vương cho biết: Chúng tôi đang dùng thử loại phân này, đây là loại phân đã được Bộ Nông nghiệp- PTNT cho phép sử dụng. Mỗi năm Cty Miwon chở lên đây khoảng 10 xe, mỗi xe trên 20 tấn, họ không lấy của chúng tôi đồng nào, tôi bán cho các hộ 300 ngàn đồng/tấn, còn phun lên đồi cộng công phun, xăng dầu, vận chuyển thì giá 750 đồng/tấn. 

Có khoảng 1.000 hộ dân đang sử dụng loại phân này, gồm các xã: Tân Thịnh, Hồng Ca, Đồng Khê, Hưng Khánh...; ngoài tưới cho chè nhiều hộ tưới cho lúa và rau. Người dân thấy tốt thì họ mới sử dụng. So với các loại phân khác, phân này rẻ hơn nhiều. Còn nếu Nhà nước bảo phân này độc hại, không được sử dụng thì tôi dừng ngay, yêu cầu nhà máy hút tất cả số phân chở lên đây về...

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Yên Bái đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đối với phân bón MV-L tại gia đình ông Đinh Trọng Vương.


Những thùng chứa chất thải của Miwon xếp quanh nhà ông Vương

Hậu quả của loại phân bón MV-L một số nơi nông dân đã gánh chịu, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT cần xem xét lại quy trình SX loại phân bón này với các chỉ tiêu đã công bố trước khi cung ứng cho nông dân. Liệu Cty Miwon Việt Nam có lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nông dân để biến đồi núi, ruộng đồng tỉnh Yên Bái trở thành nơi đổ chất thải?

Báo cáo số 17/BC-CCQLCL ngày 16/4/2013 của Chi cục Quản lý chất lượng NLS-TS Yên Bái đã ghi: “Qua kiểm tra tài liệu và hồ sơ của hộ kinh doanh cho thấy: Việc kinh doanh của ông Vương không có hợp đồng kinh tế với đơn vị cung ứng hàng hóa, chưa có đăng ký kinh doanh phân bón với cơ quan thẩm quyền, chưa có kết quả kiểm tra chất lượng phân bón kèm theo lô hàng, chưa có tem, nhãn mác hàng hóa theo quy định, chưa có kết quả khảo nghiệm phân bón trên địa bàn huyện Văn Chấn...”.

Do chưa xác định được hàm lượng kim loại nặng và các vi sinh vật gây hại khi sử dụng loại phân bón MV-L, ngày 28/5/2013, GĐ Dự án Qseap, ông Lại Thế Hùng gửi công văn yêu cầu các Cty và các hộ, nhóm hộ đăng ký SX chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP không sử dụng phân bón lỏng MV-L.

Theo kết quả thử nghiệm phân bón MV-L của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia gửi Đội quản lý chống hàng giả Yên Bái ngày 4/6/2013 thì hàm lượng Nts, K20 hh, hàm lượng hữu cơ đều vượt quá mức mà Miwon Việt Nam đã đăng ký sản phẩm.

Điều đó đồng nghĩa sản phẩm phân bón MV-L mà Cty TNHH Miwon Việt Nam đã đăng ký khác xa với sản phẩm cung cấp cho nông dân. Thực chất phân bón hữu cơ MV-L là chất thải của Cty Miwon Việt Nam, không qua xử lý mà đổ thẳng cho nông dân.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.