| Hotline: 0983.970.780

Mờ ám quanh một chiếc máy xúc

Thứ Hai 03/06/2013 , 11:05 (GMT+7)

Vì sao chiếc máy xúc chỉ mua có 242 triệu như ghi trong hoá đơn, công vận chuyển 80 triệu nữa, về đến Tiền Hải lại trở thành 485 triệu?

Năm 2010, vợ chồng Đặng Văn Hoản - Đào Thị Hoà (xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, Thái Bình) vay của ông Trần Mạnh Nhân 100 triệu đồng, thời hạn 10 ngày, đồng thời lấy trước 4 chân phường do ông Nhân làm chủ với số tiền 168,7 triệu đồng, nói là để mua máy xúc.

Cùng năm đó, vợ chồng Hoản - Hoà còn vay của ông Đặng Văn Sáng (ông Sáng, ông Nhân đều cùng thôn với Hoản) 130 triệu và lấy trước mấy chân phường do ông Sáng làm chủ với số tiền 212,7 triệu đồng, cũng với lý do mua máy xúc. Tổng số tiền vợ chồng Hoản - Hoà vay và lấy phường của 2 ông Nhân, Sáng là 611,4 triệu đồng.

Đến hẹn, vợ chồng Hoản không trả nợ cho 2 chủ nợ, cũng không nộp tiền phường khiến 2 ông Nhân, Sáng phải đền. Sau nhiều lần đòi không được, ngày 18/9/2011, ông Nhân, ông Sáng đã giữ chiếc mấy xúc KOMATSU PC 120-3 của vợ chồng Hoản khi máy đang làm việc tại xã Nam Cường, đồng thời có đơn tố cáo vợ chồng Hoản gửi Công an huyện Tiền Hải.

Lúc này ông Ngô Đức Hoà, anh rể của Đặng Văn Hoản đến Công an huyện nhận chiếc máy xúc bị ông Nhân, ông Sáng giữ là của mình chứ không phải của vợ chồng Hoản - Hoà.

Trong nhiều lần Công an huyện lấy lời khai, ông Hoà đều khai tháng 2/2010 ông mua một máy xúc của Cty A Phụng, có địa chỉ tại Xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, với giá 580 triệu đồng, trong khi giấy tờ chiếc máy xúc KOMATSU PC120-3 bị giữ lại mang tên Đào Thị Hoà (vợ Hoản), được mua của Cty TNHHTMDV Tùng Sơn, có địa chỉ tại 248/3F Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, quận 9, TP Hồ Chí Minh, với giá 242 triệu đồng.


Hai ông Trần Mạnh Nhân và Đặng Văn Sáng khiếu nại bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Bình

Ông Hoà cũng không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì chứng minh mình là chủ sở hữu hay đồng sở hữu của chiếc máy xúc KOMATSU PC120-3 bị giữ. Điều kỳ lạ là tuy nhận mình là chủ sở hữu chiếc máy KOMATSU 120-3, nhưng ngay sau khi mua được máy, vợ chồng Hoà - Hoản đã mang giấy tờ máy đi “cắm” cho bà Phạm Thị Mỵ ở xã khác để vay 130 triệu đồng, ông Hoà không biết.

Và khi bị ông Nhân, ông Sáng đòi nợ ráo riết, Đặng Văn Hoản đã đồng ý bán máy cho 2 ông với giá 495 triệu đồng (nhưng lại không đồng ý đối trừ nợ nên việc mua bán không thành), ông Hoà cũng lại... không biết.

Trả lời Công an huyện rằng tại sao mình mua máy nhưng lại cho Đào Thị Hoà đứng tên, ông Hoà cũng lý giải rất quanh co. Nhận thấy đây là tranh chấp dân sự, Công an huyện hướng dẫn ông Nhân, ông Sáng khởi kiện vợ chồng Hoà - Hoản ra TAND huyện Tiền Hải.

Trong quá trình TAND huyện Tiền Hải thụ lý vụ kiện mà nguyên đơn là vợ chồng ông Nhân, vợ chồng ông Sáng, với yêu cầu toà tuyên buộc vợ chồng Hoà - Hoản phải trả cả gốc và lãi số tiền vay của hai ông, hoá giá chiếc máy xúc đang bị giữ để đối trừ nợ, bỗng xuất hiện một tài liệu. Đó là tờ biên bản về việc mua chung máy xúc giữa vợ chồng Hoản - Hoà và vợ chồng ông Ngô Đức Hoà, được lập vào ngày 27/6/2010.

Theo biên bản đó, thì chiếc máy xúc KOMATSU 120-3 mà giấy tờ mang tên Đào Thị Hoà được mua với giá 485 triệu, kể cả công vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh về Tiền Hải, trong đó vợ chồng ông Ngô Đức Hoà góp 315 triệu, vợ chồng Hoà - Hoản góp 170 triệu. Biên bản được UBND xã Tây Lương (quê ông Hoà) huyện Tiền Hải xác nhận. Nghĩa là vợ chồng ông Hoà là đồng sở hữu chiếc máy trên.

Vì sao chiếc máy xúc chỉ mua có 242 triệu như ghi trong hoá đơn, công vận chuyển 80 triệu nữa, về đến Tiền Hải lại trở thành 485 triệu? Và vì sao tháng 6/2010 đã có biên bản về việc góp vốn, mà đến tháng 9/2011 khi máy bị giữ, ông Hoà nhận với Công an huyện mình là chủ sở hữu máy, nhưng lại không xuất trình với công an tờ biên bản này?

Bản án đã khiến ông Nhân, ông Sáng vô cùng bức xúc. Ngay sau phiên toà, 2 ông đã có đơn khiếu nại lên TANDTC và VKSNDTC, với hy vọng tìm được lẽ công bằng.

Phải chăng tờ biên bản mới được thảo ra từ khi TAND huyện Tiền Hải thụ lý vụ kiện? Và phải chăng việc UBND xã Tây Lương xác nhận vào biên bản là có vấn đề không bình thường? Bằng tờ biên bản này, vợ chồng Hoà - Hoản và vợ chồng ông Ngô Đức Hoà đã phản tố, đề nghị toà tuyên buộc ông Nhân, ông Sáng phải trả máy xúc lại cho họ, đồng thời bồi thường cho họ 300 triệu đồng do máy bị giữ không hoạt động được trong 10 tháng.

Tờ biên bản đó đã được hai cấp toà sơ, phúc thẩm chấp nhận. Phiên toà phúc thẩm (lần 2) được mở ngày 29/1/2013, do bà Nguyễn Thị Tuyết, thẩm phán toà dân sự TAND tỉnh Thái Bình làm chủ toạ. Và bản án dân sự phúc thẩm số 06/2013/DS-PT ngày 29/1/2013 của TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên buộc vợ chồng Hoà - Hoản phải trả cho ông Trần Mạnh Nhân tổng số tiền 327,6 triệu cả gốc và lãi, trả cho ông Đặng Văn Sáng tổng số tiền 414,2 triệu cả gốc và lãi.

Nhưng toà cũng tuyên buộc ông Nhân, ông Sáng phải trả chiếc máy xúc cho vợ chồng Hoà - Hoản và vợ chồng ông Ngô Đức Hoà, đồng thời phải bồi thường cho vợ chồng Hoà - Hoản và vợ chồng ông Ngô Đức Hoà tổng số 178,3 triệu đồng thiệt hại do máy xúc ngừng hoạt động vì bị giữ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.