Chuyện xưa
Đến nay, mặc dù Mỏ Ba vẫn là xóm bản vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh, song đời sống của người dân đã đổi thay một cách ngoạn mục.
Xóm Mỏ Ba cách trung tâm xã Tân Long không xa lắm, nhưng đôi ba năm trước, để đến được Mỏ Ba là cả một sự gian nan, bởi xóm Mỏ Ba nằm trên một trong những ngọn núi cao nhất của tỉnh Thái Nguyên, khuất sau những cánh rừng và những tầng mây. Hiện giờ xóm có xấp xỉ 170 hộ dân, người Mông gần 100 hộ, người Kinh 12 hộ, còn lại là các dân tộc Cao Lan, Dao, Mường, Thái.
Hôm chúng tôi lên Mỏ Ba, trời hửng nắng. Xe chạy trên con đường mới, được khánh thành cuối năm 2018, thuộc Đề án “Phát triển kinh tế, xã hội ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” không chỉ giúp nối gần vùng cao mà còn mở ra cuộc sống mới, tư duy mới, cách làm ăn mới cho đồng bào, đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng cho cộng đồng.
Ông Phạm Tuấn Tú, Bí thư Chi bộ xóm Mỏ Ba tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi. Ngoài những đồ dùng sinh hoạt đắt tiền, ông Tú còn mua cả xe ô tô làm phương tiện đi lại. Từ ngày nhà nước làm đường to, không ít người dân Mỏ Ba đã mua ô tô phục vụ đi lại và chở hàng hoá. Chỉ riêng điều này đã cho thấy sự khởi sắc của xóm.
Là Bí thư Chi bộ xóm đã nhiều năm, ông Tú nắm tình hình xóm rõ như trong lòng bàn tay. Nào vẫn còn hơn trăm hộ nghèo. Nào có những đôi trẻ cưới nhau được bố mẹ cho ra ở riêng, nghèo đến độ không có nổi cái giường. Xóm có đến 10 hộ rất nghèo, ngoài cái xác nhà thì không có đồ đạc tài sản gì nữa, không có ruộng trồng lứa, không có rừng để trông vào. Vẫn còn phải trông chờ vào nhà nước nhiều lắm. Ông Tú cười bảo, các nhà báo về xóm toàn hỏi chuyện nghèo với chuyện đẻ nhiều con nên ông quen kể khổ thế thôi, chứ chuyện vui cũng nhiều lắm.
Đổi thay
Riêng về rừng tính ra cũng không ít hộ có tài sản nhiều tỷ đồng. Như nhà ông Tú có 10ha keo, ông Ngô Sùng, người có đến gần 20 đứa con, cũng có 10ha, cứ 6 - 7 năm lại được khai thác, tiền bán cây không dưới 50 triệu đồng/ha.
Còn về những đổi mới trong làm ăn kinh tế thì hai năm nay tiến bộ rất nhiều, các cháu người Mông nhà nghèo ít đất đai rủ nhau đi làm công ty, thu nhập khá ổn định, gia đình không còn phải lo đến cái ăn, yên tâm đầu tư vào chăn nuôi thêm. Các hộ có đất đai thì ngoài trồng ngô, cấy lúa thì đã chú trọng vào trồng rừng và trồng cây ăn quả. Chăn nuôi trâu bò thì không còn thả rông phó mặc tự tìm cây cỏ để ăn mà đã biết trồng cỏ để chăm sóc, vỗ béo.
Ông Tú cười bảo những năm trước đây bản nghèo tiền nghèo gạo, đến cây cối cũng nghèo, cây ăn quả may chăng chỉ có chuối, thì nay bà con trồng khá nhiều loại như ổi, cam, bưởi, nhãn. Như hộ nhà Đặng Văn Vinh, Dương Văn Báo, trồng tới hơn 400 cây đã bói quả từ năm ngoái, quả rất ngọt thơm. Các hộ chăn nuôi nhiều như nhà Triệu Nho Tình có đàn dê hơn 50 con. Có hộ trồng hoa phong lan bán được hàng trăm triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm nhà Dương Văn Tư, 43 tuổi, dân tộc Dao, là gương làm ăn giỏi nhất xóm. Từ năm 2010, anh Tư đã đi đầu về sản xuất chè an toàn, thoát nghèo và có vốn để phát triển chăn nuôi. Năm 2017 anh Tư đầu tư nuôi 150 con dê chăn thả và nhanh chóng trở thành gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện với thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Năm 2019, anh đầu tư hơn 400 triệu đồng để trồng 2ha ba kích và đinh lăng thay thế đồi chè năng suất thấp.
Giỏi làm chè, giỏi nuôi dê, giỏi trồng hoa phong lan nên gia đình anh Dương Văn Tư rất khá giả. Ngôi nhà sàn rộng rãi nhất xóm cũng là trụ sở HTX Nông nghiệp Mỏ Ba gồm 7 thành viên do anh làm Giám đốc. Hoạt động chính của HTX hiện nay là sản xuất tiêu thụ chè, mỗi năm khoảng 15 tấn búp khô, chiếm gần 20% sản lượng chè của xã Tân Long. HTX đã được đầu tư 4 máy vò và 3 tôn quay để sao sấy chè. Ngoài chế biến, tiêu thụ chè của các hộ thành viên, HTX còn thu mua và chế biến chè của các hộ trong xóm để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm.
Đi một vòng quanh xóm, chúng tôi gặp những đứa trẻ bụ bẫm, lễ phép chào khách lạ, những ngôi nhà gọn gàng ngăn nắp, những chuồng trại sạch sẽ, vệ sinh, đường làng ngõ xóm cũng được bàn tay con người chăm chút quét dọn, người dân có ý thức bỏ rác vào thùng rác đặt nơi quy định. Nhìn cuộc sống đang diễn ra ở Mỏ Ba hôm nay, rất khó hình dung về một xóm bản đói nghèo, lạc hậu của vài năm trước đây.