| Hotline: 0983.970.780

Myanmar thay đổi tạo cơ hội

Mở cửa chào đón Mỹ

Thứ Năm 12/06/2014 , 09:03 (GMT+7)

Trong khi DN Trung Quốc tại Myanmar sốt sắng tìm cách đối phó với hàng loạt khó khăn từ chính phủ cho đến người dân thì các nhà đầu tư Mỹ đã nhận được sự mời chào nhiệt tình./ Cơn thịnh nộ với Bắc Kinh

Kể từ khi thay thế chế độ quân sự tháng 3/2011, chính phủ dân sự Myanmar đã đem lại một làn sóng mới về cải cách kinh tế, chính trị và xã hội. Họ đã thuyết phục được các nước phương Tây khởi động lại viện trợ phát triển và gỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt kéo dài trong 2 thập kỷ.

Thách thức của Mỹ tại Myanmar

Myanmar đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự chuyển đổi dân chủ của mình, kể từ năm 2011. Trong đó bao gồm cả thả người lãnh đạo đảng đối lập Aung San Suu Kyi cùng nhiều tù nhân chính trị khác. Theo tạp chí The Atlantic của Mỹ, đây là những điều kiện thích hợp, làm tiền đề cho một điều tưởng như không thể trong nhiều thập kỷ trước đó: Mỹ và Myanmar xích lại gần nhau.

Các chuyến thăm của Ngoại trưởng Hillary Clinton vào tháng 12/2011 và của Tổng thống Barack Obama vào tháng 11/2012 sau nhiều thập kỷ không có quan hệ chính thức đã cho thấy những thay đổi và tương lai sáng dành cho các nhà đầu tư Mỹ tại thị trường còn nhiều tiềm năng này.

Quan hệ chặt chẽ với Myanmar đem đến cho Washington cơ hội vàng để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và chiến lược tại châu Á. Tuy nhiên, The Atlantic nhận định rằng các bước đi tiếp theo của Mỹ sẽ phải cực kỳ cẩn trọng, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang xem Washington như "kẻ ngáng đường" ở "sân sau" thuở nào.

David Steinberg, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Trung Quốc - Myanmar tại Đại học Georgetown, Mỹ nói: “Những chính sách thực dụng của Bắc Kinh là coi Đông Nam Á nằm trong vùng ảnh hưởng của mình”.

“Đây được xem như sân sau của Trung Quốc và họ muốn gây được ảnh hưởng ở mức độ cao. Họ sẽ quan tâm đến việc Myanmar và Mỹ xích lại gần nhau. Trung Quốc có nhiều vấn đề phải lo lắng”, chuyên gia người Mỹ nói thêm.

Theo Steinberg, những cuộc đối thoại kín sẽ cần thiết để giảm bớt mối lo ngại của Trung Quốc với mối quan hệ Mỹ - Myanmar. Ông cũng cho rằng, dù Myanmar và Mỹ đang có một mối quan hệ tốt đẹp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua, nhưng người Myanmar sẽ đi theo con đường riêng của mình để không quá thân Bắc Kinh, cũng không quá cận Washington.

“Myanmar không muốn trở thành "một phần" của Mỹ cũng như họ không muốn là "một phần" của Trung Quốc”, Steinberg khẳng định.

The Atlantic dẫn lời các chuyên gia cho rằng Myanmar sẽ biết cách làm không mất lòng Trung Quốc khi mở cửa đón các nhà đầu tư phương Tây. Chuyên gia cho rằng về kinh tế có thể Trung Quốc không mất nhiều ở Myanmar trừ trường hợp đập Myitsone, 3,6 tỷ USD nhưng cái họ mất là chính trị và chiến lược.

Mỹ hỗ trợ DN đầu tư vào Myanmar

Ngày 6/6 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker đã có mặt trong buổi lễ khai trương văn phòng ngoại thương đầu tiên của Mỹ tại Myanmar. Văn phòng này sẽ có chức năng hỗ trợ các DN Mỹ đầu tư kinh doanh vào một trong những thị trường đang nổi và tăng trưởng nhanh nhất châu Á này.

Trong cuộc gặp trước đó với Tổng thống Thein Sein và nhiều lãnh đạo khác của Myanmar, Bộ trưởng Thương mại Mỹ khẳng định lại cam kết của Mỹ tăng cường quan hệ kinh tế với Myanmar, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp.

Trang tin tài chính ft.com của Anh đã gọi đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước tiến trong việc làm sống lại mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ với Myanmar. Động thái này được thực hiện sau khi quan hệ ngoại giao 2 nước được phục hồi, các biện pháp trừng phạt, cấm vận hầu hết đã được gỡ bỏ.

Chính quyền của Tổng thống Obama đang cố gắng thúc đẩy khả năng của mình để cạnh tranh với các quốc gia khác trong các thương vụ đầu tư vào thị trường mới nổi này. Với Mỹ, đây không chỉ là cơ hội tăng cường chỉ số xuất khẩu mà còn là cách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bà Pritzker nói trong buổi ra mắt văn phòng ngoại thương tại Myanmar: “Một cách đơn giản. Ngoài lãnh thổ Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ tới. Điều này có tác động sâu sắc đến cách các DN Mỹ tham gia vào thị trường này”.

nh-1-bi-4163312351
Công nhân hãng Coca Cola làm việc tại nhà máy ở Myanmar

Theo các quy định vào năm 2012, tất cả DN Mỹ có vốn đầu tư vào Myanmar trên 500.000 USD phải nộp báo cáo thường xuyên cho Bộ Ngoại giao về bất kỳ khoản chi nào cho chính phủ Myanmar và về cách thức giải quyết vấn đề nhân quyền, tham nhũng và rủi ro môi trường liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ.

Ngày 5/6 vừa qua, Hội đồng Kinh tế Mỹ - ASEAN đã tổ chức một bữa tiệc tại thủ đô Myanmar với sự tham gia của Phó Tổng thống Myanmar U Nyan Tun, Đại sứ Mỹ Derek Mitchell, các quan chức chính phủ và lãnh đạo DN Myanmar.

Một loạt các lĩnh vực như giao thông, điện, thăm dò khí, ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư nước ngoài, giải quyết tranh chấp, hợp tác tiềm năng trong phát triển kinh tế, chống tham nhũng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và xây dựng pháp luật cạnh tranh đã được thảo luận trong bữa tiệc.

Myanmar, vừa dễ vừa khó

Kim ngạch thương mại Mỹ - Myanmar gia tăng đáng kể trong vài năm trở lại đây, từ 9,7 triệu USD năm 2010 lên gần 180 triệu USD năm 2013. Theo số liệu chính thức của Myanmar, tính đến tháng 1/2014, đầu tư của Mỹ vào Myanmar đạt 243,5 triệu USD, đứng thứ 13 trong số các quốc gia đầu tư vào nước này. Năm 2013, kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Myanmar đạt 137,5 triệu USD.

Đầu tháng 6/2014, Gap Inc., hãng thời trang nổi tiếng thế giới đã trở thành DN bán lẻ hàng may mặc đầu tiên của Mỹ khai thác ngành công nghiệp dệt may ở Myanmar sau khi các lệnh trừng phạt được xóa bỏ.

Hơn 1 năm trước, hãng nước giải khát Coca Cola bắt đầu SX nước ngọt ở thị trường Myanmar với tổng đầu tư lên đến 200 triệu USD.

Dù thị trường Myanmar hứa hẹn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài vì còn nhiều mảng miếng chưa khai thác. Tuy nhiên, ở đây cũng có nhiều khó khăn mà để khắc phục được hoàn toàn cần có thêm nhiều thời gian.

Ngoài việc giá cả thuê mặt bằng văn phòng quá cao như đã đề cập trước đây, các nhà phân tích cho rằng các Cty phương Tây sẽ phải đối mặt với các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt về điều kiện lao động, cơ sở hạ tầng còn sơ sài và một vài lệnh trừng phạt còn chưa tháo gỡ hoàn toàn.

Điều này có thể bù trừ vào giá nhân công rẻ, chính vì vậy hãng thời trang Gap nói rằng họ sẵn sàng đầu tư giai đoạn này, như một cách nắm bắt cơ hội ở Myanmar trong giai đoạn chuyển đổi, nhiều cơ hội nhưng cũng lắm rủi ro.

Debbie Mesloh, giám đốc quan hệ quần chúng, người đã đến thăm Myanmar nói: “Đây là thời khắc lịch sử của Myanmar, chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp dệt may sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đẩy mạnh sự thịnh vượng về kinh tế của quốc gia này”.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất