| Hotline: 0983.970.780

Mở cửa cho cây trồng biến đổi gen: Chỉ chờ Bộ Tài nguyên - Môi trường!

Thứ Sáu 19/03/2010 , 10:13 (GMT+7)

Việc chọn tạo và đưa các cây trồng biến đổi gen (BĐG) đã được giao cho các Bộ, ngành khởi động từ 4 năm trước. Tuy nhiên đến giờ, tiến độ ứng dụng cây trồng BĐG vẫn đang... khởi động.

Ông Phạm Văn Toản, Chánh văn phòng Chương trình CNSH ngành NN-PTNT

Từ năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực NN-PTNT đến năm 2020”. Theo đó việc chọn tạo và đưa các cây trồng biến đổi gen (BĐG) có năng suất, chất lượng cao được giao cho các Bộ, ngành khởi động từ 4 năm trước. Tuy nhiên đến giờ, tiến độ ứng dụng cây trồng BĐG vẫn đang... khởi động. 

Trao đổi với NNVN về nguyên do của sự chậm trễ này, ông Phạm Văn Toản, Chánh văn phòng Chương trình CNSH ngành NN-PTNT cho biết, mọi động tác đưa cây BĐG vào nước ta Bộ NN-PTNT đã sẵn sàng. Duy chỉ còn chờ Bộ TN-MT mà thôi. 

Thưa ông, vì sao tiến độ thực hiện đưa cây BĐG lại chậm trễ như vậy? 

Năm 2005, kèm theo Quyết định số 212/2005/QĐ-TTg (QĐ212), Thủ tướng Chính phủ đã có Quy chế quản lí An toàn sinh học (ATSH) đối với các sinh vật BĐG; các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật BĐG. Để cụ thể hóa QĐ212, năm 2006, Chính phủ tiếp tục phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH đến năm 2020”.

Theo đó, Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm triển khai toàn bộ quy trình để đưa cây trồng BĐG thuộc nhóm cây trồng dùng chế biến TĂCN vào ứng dụng (bao gồm tất cả các khâu triển khai nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm, cấp chứng nhận an toàn sinh học lẫn công nhận giống cây BĐG trong nước cũng như ký hợp đồng khảo nghiệm, cấp chứng nhận an toàn sinh học và công nhận giống BĐG của nước ngoài để đưa vào ứng dụng tại nước ta).  

Văn bản ở cấp cao nhất đã có, vậy còn mắc ở khâu nào thưa ông?

Tuy nhiên sau đó, việc triển khai khảo nghiệm giống BĐG của chúng ta diễn ra khá chậm. Đồng thời, phía Bộ Y tế được giao cấp chứng nhận an toàn sinh học cho nhóm cây BĐG phục vụ thực phẩm cũng chưa thống nhất quan điểm. Đúng lúc đó thì năm 2008, Luật Đa dạng sinh học đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2009. Theo đó, Bộ TN-MT sẽ nắm quyền cấp giấy Chứng nhận an toàn sinh học cho tất cả nhóm cây chứ không giao cho Bộ NN-PTNT nữa. Vì vậy nên việc triển khai đưa cây trồng làm TĂCN của Bộ NN-PTNT (theo QĐ212) bị “mắc kẹt” do không thống nhất với Luật Đa dạng sinh học.

Khó hơn nữa, từ đó tới nay, Bộ TN-MT vẫn chưa hoàn thành xong Nghị định hướng dẫn thi hành luật Đa dạng sinh học (trong đó có việc quản lí an toàn sinh học đối với cây trồng BĐG). Thế nên việc triển khai ở Bộ NN-PTNT đến nay vẫn đang phải...chờ Bộ TN-MT. 

Vậy từ năm 2006 đến nay Bộ NN-PTNT chưa triển khai được gì?

Triển khai nhiều chứ! Vì lãnh đạo Bộ NN-PTNT rất coi trọng và luôn chủ trương nhanh chóng đưa cây trồng BĐG vào nước ta. Trong lúc bị “mắc kẹt” vì phải chờ Nghị định mà Bộ TN-MT được Chính phủ giao xây dựng, năm 2009 Bộ NN-PTNT đã đề nghị Chính phủ cho phép được khảo nghiệm, đánh giá an toàn sinh học đối với cây trồng BĐG cho 3 loại cây ngô, bông, đậu tương.

Sau khi được Chính phủ đồng ý, tháng 10/2009, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Thông tư hướng dẫn khảo nghiệm cây trồng BĐG. Đồng thời thành lập Hội đồng An toàn sinh học ngành NN-PTNT cũng như ban hành Danh mục các loại cây trồng được phép khảo nghiệm... 

Ông có thể nêu những kết quả cụ thể?

Viện Di truyền được giao phối hợp với Viện Nghiên cứu ngô thực hiện 1 đề tài nghiên cứu ngô BĐG. Hiện tại, họ đã tạo ra được một số giống ngô có cấy gen kháng sâu bệnh và thuốc trừ cỏ. Tuy nhiên quy mô vẫn mới dừng lại ở trong phòng thí nghiệm và vẫn còn phải nghiên cứu đánh giá dài dài. Tương tự Viện Lúa ĐBSCL, TCty Bông cũng đang phối hợp với Trung Quốc nghiên cứu chọn tạo được các giống đậu tương, giống BĐG bông kháng bệnh và thuốc trừ cỏ đang tiến hành đưa ra trồng trình diễn... 

Vậy các giống BĐG trên hiện có phát triển tốt không? 

Tất cả hiện đang còn phải chờ theo dõi đánh giá qua việc nghiên cứu và khảo nghiệm. Đánh giá ban đầu cho thấy biểu hiện cây BĐG của chúng ta làm ra cũng có thể hiện kháng sâu và thuốc trừ cỏ. Tuy nhiên chưa thể nói rõ rệt hoàn toàn như giống của nước ngoài, vì nước ngoài họ làm ra được một giống BĐG mất hàng chục năm cơ mà, còn ta chỉ mới bắt đầu thí nghiệm trong nhà kính thôi. Nhưng tôi tin là chúng ta cũng có thể làm được cây trồng BĐG. 

Ông nói nước ngoài 10 năm mới tạo được giống BĐG, vậy chờ bao giờ chúng ta mới làm xong? 

Bộ NN-PTNT chủ trương không chờ đợi và phải đi trước một bước. Vì vậy mới đây Bộ NN-PTNT đã xúc tiến nhanh bằng cách làm việc với các Cty cung ứng giống của nước ngoài để ký HĐ chuyển gen và khảo nghiệm giống tại nước ta. Hiện tại, Bộ đã chỉ định 4 đơn vị được phép chuyển giao gen và cùng Bộ NN-PTNT khảo nghiệm đánh giá. Sau đó sẽ chuyển Bộ TN-MT cấp chứng nhận an toàn sinh học để công nhận giống mới đưa vào SX.

Hiện tại, chúng tôi đã nhận được 2 bộ hồ sơ của 2 DN gồm Cty Monsanto của Thái Lan Cty TNHH Sygenta của Việt Nam đăng ký khảo nghiệm 2 loại giống ngô BĐG. Thứ 2 tuần tới, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức họp để xem xét cho phép 2 đơn vị này triển khai khảo nghiệm. Kết quả xem xét thế nào thứ 2 tới sẽ biết.  

Nói tóm lại đến bao giờ ngoài đồng ruộng Việt Nam sẽ có cây trồng biến đổi gen? 

Nếu được cấp phép, các đơn vị này hứa tháng 4/2010 sẽ trồng khảo nghiệm được. Có thể nói tới thời điểm này, Bộ NN-PTNT đã sẵn sàng cho cây BĐG vào Việt Nam. Chỉ còn chờ Bộ TN-MT hoàn tất Nghị định mới có thể mở toang cho việc nhập giống cây trồng BĐG vào nước ta. 

Có ý kiến lo ngại: Các nước EU, Mỹ sẽ phản đối kịch liệt và “trả đũa” việc chúng ta mở cửa cho cây trồng BĐG vào?   

Tôi không loại trừ khả năng các loại nguyên liệu TĂCN chúng ta nhập về từ Mỹ hay nhiều nước khác là sản phẩm của cây BĐG, bởi chúng ta không có cơ chế quản lí sản phẩm BĐG nhập vào nước ta mà chỉ có các DN XNK hai bên biết điều đó. Tuy nhiên hiện tôi chưa thấy thông tin phản đối chính thống nào từ phía các nước.

Ở một khía cạnh khác, tôi nghĩ chúng ta chẳng phải sợ. Bởi vì giả như chúng ta có giống cây trồng BĐG thì có làm được để giá rẻ hơn họ chưa? Điều đó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như công tác quản lí, đầu tư KHKT... Vì thế không việc gì phải lo ngại cả. 

Chúng ta sẽ xúc tiến đưa cây trồng BĐG nào vào SX trước tiên thưa ông? 

Sẽ ưu tiên đưa cây ngô đầu tiên.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Không để dịch bệnh tái phát lây lan trên đàn vật nuôi

AN GIANG Nhờ chủ động tiêm phòng vacxin đã giúp đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang hạn chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.

Bình luận mới nhất