| Hotline: 0983.970.780

Mơ được... nghèo

Thứ Tư 17/11/2010 , 11:45 (GMT+7)

Nổi tiếng là miền đất trù phú, nhưng đi qua khu rừng ngập mặn U Minh mới biết Nam Bộ cũng có những vùng ông trời quá ư bạc đãi.

Nổi tiếng là miền đất trù phú, nhưng đi qua khu rừng ngập mặn U Minh mới biết Nam Bộ cũng có những vùng ông trời quá ư bạc đãi.

>> Nợ nần quẫn bách
>> Cận cảnh nông dân Nam Bộ

"Dân ấp này khổ dữ dằn lắm"

Giữa cánh rừng ngập mặn U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), hàng chục ngàn hộ dân sinh sống. Từ bao đời nay nông dân ở nơi sông nước chẳng ra sông nước, rừng chẳng ra rừng này sinh sống mà chẳng biết dựa vào điều gì. Những căn nhà nằm san sát bên mép nước tưởng như một cơn mưa nhẹ là nước có thể tuồn vào. Dân trong vùng xót xa ví cuộc sống của họ bao năm qua chát như dòng nước kênh vừa bị phèn vừa nhiễm mặn vậy.

Vào các ấp ở xã Khánh An (huyện U Minh) đều đi lại bằng xuồng bởi con kênh 33 bao bọc. Đến ấp 15, tôi buộc phải tìm nhà công an viên Năm Luốt vì trưởng ấp đang đi đốn tràm thuê. Bà Năm Thanh, vợ ông Luốt thấy nhà báo liền phàn nàn rằng: “Đợt lũ lụt ở miền Trung vừa rồi người dân trong ấp này thương lắm. Muốn gửi gì đó để ủng hộ mà bất lực vì nhìn đi ngoảnh lại chẳng thấy thứ gì có giá trị”.

Quan sát căn nhà lá ông bà đang ở rồi nhìn sang một vài nhà chòm xóm mới biết họ chẳng nói ngoa. Cái cốt cách người nông dân Nam Bộ còn đó sự hào phóng, nhưng lực bất tòng tâm. Đất Khánh An vẫn rộng rãi, vẫn mênh mông kênh rạch như đặc thù vốn có của miền Nam. Vẫn cái cách làm ruộng chỉ cần mang rạ đi phát cỏ lau rồi vứt giống xuống…

 Duy có điều, những gì được xem là “trời cho” thì khác. “Dân trong ấp này khổ dữ dằn lắm chú à. Đất nhiễm phèn nặng quá, trồng lúa thì lúa chết, trồng cây mãi không lớn được. Vụ lúa năm nay đối với phần lớn hộ dân trong ấp coi như kết thúc sớm vì lúa chưa cao vượt cỏ đã bị lũ đẩy phèn vào ăn cho chết cháy. Lại mất mùa rồi”.

Ông Luốt không nhớ nổi đây là năm thứ mấy dân ấp này làm ruộng xui xẻo đến thế. Nhà ông làm hơn 2 ha ruộng vậy mà vẫn thiếu gạo ăn, bao quanh nhà là kênh rạch nhưng một bữa cơm cá đối với ông bà đã là điều khó chứ chưa nói chuyện nuôi thả đem bán. Mấy chục năm làm người nông dân ở mảnh đất này chỉ giúp ông đúc rút được kinh nghiệm đây là vùng đất có diện tích nhưng không có thu hoạch.

Cuộc sống chủ yếu dựa vào tràm và lúa nhưng chẳng có cây nào chắc ăn. Cây tràm ở Khánh An phải đầu tư dài hơi, đến thời điểm thu hoạch cũng theo kiểu hên xui nên nông dân không kham nổi. Tiếng là trồng rừng thoát nghèo nhưng trái lại “nghèo thấy mụ nội luôn”. Còn nếu hạch toán kỹ càng thì cây lúa chỉ đảm bảo gạo ăn hàng ngày, đem bán là nhịn đói. Vụ vừa rồi vợ chồng ông Năm Luốt mất đứt 2 triệu đồng tiền phân bón, giống má... Thường thì đến mùa thu hoạch cắt ra một phần đem trả, nhưng năm nay chưa biết xoay ở đâu.

“Nếu chỉ một hai mùa còn gỡ gạc lại nhưng mấy năm nay cứ liên tục như thế nên nợ nần cứ chồng lên. Đói khổ cũng vì thế mà tăng theo chú à”- bà Năm Thanh nói. Năm ngoái, gia đình ông bà được hỗ trợ vay vốn mua một con bê từ chính sách giảm nghèo nhưng rồi được một thời gian bê cũng chết do không ăn được thứ cỏ mọc từ đất phèn trắng trong vườn.

Cả ấp 15 có 226 hộ chỉ có một vài gia đình có nhà mái tôn nhưng những nhà ấy cũng chẳng khá giả gì. Họ có nhà tường là vì nằm trong đối tượng chính sách. Còn lại đều là nhà tạm được dựng lên từ tràm ngập mặn ở rừng U Minh và lá dừa nước. Những căn nhà cột chỉ bằng bắp chân chất chứa đói nghèo đời này qua đời khác. Vậy nhưng gặp những khi có chuyện đại sự như con cái dựng vợ gả chồng cần có một ngôi nhà như thế cũng phải xúc lúa đi đổi công.

Để đỡ gánh cho thằng con trai, ông bà Năm Luốt mang đứa cháu nội về nuôi ăn học nhưng năm nay lại mất mùa, tiền học đầu năm cho nó vẫn chưa đóng đủ. Tài sản lớn nhất trong nhà là chiếc tivi đứa con gái đi làm công nhân ở Sài Gòn mua cho cũng bị ông gác lên gác xuống để đem đi bán đế níu thằng cháu ở lại trường. “Không phải chúng tôi không chịu khó, thậm chí còn chịu vất vả gấp bội những vùng đất khác nhưng khổ thì vẫn khổ. Hết ruộng lại vào rừng, rảnh rừng ra là đi làm mướn nhưng ông trời bạc quá nên dần dần bỏ làng đi hết”.

 Đến tuổi mừng thọ vẫn làm thuê

Lang thang trong rừng ngập mặn U Minh bắt gặp nhiều nhất vẫn là hình ảnh người nông dân đi làm thuê trên chính đất của mình. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực tế nhà nông không còn tin vào ruộng vào rừng. Cộng với nợ nần, khó khăn hàng ngày nên ngay đến những cụ già đã gần đến tuổi mừng thọ vẫn phải bươn chải kiếm sống. Còn trẻ con, thời gian bươn chải lớn hơn nhiều so với ở trên lớp. Lao động có sức vóc bỏ làng lên phố làm cu li.

Phần lớn người làm thuê ở bãi tràm thuộc ấp 15 xã Khánh Thuận (huyện U Minh) đều là người già. Nhìn cảnh một bà cụ mất gần cả tiếng đồng hồ mới róc vỏ được một chục cây tràm chẳng ai dám nói họ không lam lũ. Dù đã ở tuổi 74, nhưng thời gian trong một năm làm nông dân của bà Trần Thị Nhàn thì hơn 2/3 là đi làm mướn. Ngày ngày lầm lũi theo đám phụ nữ trong ấp ra bãi tràm này kiếm tiền mua gạo.

Nhóm làm mướn của bà phần đa là già cả và chung một cảnh ngộ “con cháu có hiếu đến mấy cũng chẳng thể nuôi”. Một ngày bóc vỏ tràm, nhiều thì một công được 2 chục ngàn, ít chỉ dăm bảy ngàn, vừa đủ tiền mua gạo ăn qua ngày. Trong mắt của bà má U Minh này thì người giàu nhất mà bà gặp là một ông cán bộ huyện vì ông ấy được đi ô tô. Còn thì dân ở vùng U Minh này bà chưa biết một ai khá cả. Thấy tôi giơ máy lên chụp ảnh, bà ngưng tay rồi nằng nặc: “Cho má lên tivi đi con. Cho má lên để má xin cán bộ cái sổ hộ nghèo không thì các cháu của má thất học mất”.

+ Sông nước bao bọc nhưng đời sống lại quá khó khăn khiến chuyện học giữa rừng U Minh chật vật lắm. Cả ấp 13 có hơn 117 hộ nhưng số học sinh học hết phổ thông chỉ tầm 15 đứa. Còn số lao động rời quê đi làm mướn, trung bình một nhà ít nhất phải có một người.

+ Thấy tôi giơ máy lên chụp ảnh, bà ngưng tay rồi nằng nặc: “Cho má lên tivi đi con. Cho má lên để má xin cán bộ cái sổ hộ nghèo không thì các cháu của má thất học mất”.

Thì ra bà có 3 đứa cháu nội, cha mẹ chúng cũng có đất ruộng hẳn hoi nhưng mấy năm nay chẳng làm vì “càng làm càng nợ”. Họ bỏ làng mà đi biệt xứ mưu sinh nên đám trẻ năm học năm nghỉ. Thương cháu quá, mấy lần bà lọ mọ lên xã xin được nghèo để miễn giảm phần nào cho cháu được đến trường nhưng mãi vẫn chưa thành. Một phần bởi cán bộ trong vùng xét hộ nghèo theo kiểu gom tất tần tật các nguồn thu nhập để tính, đôi khi những nguồn thu ấy lúc có lúc không.

 Ví như bà Nhàn, không được hộ nghèo vì có con đi làm thành phố, có đất ruộng, bản thân bà dù hết tuổi lao động nhưng vẫn đi làm mướn… Nhưng những nguồn thu kiểu ấy mấy năm nay không đủ mua thuốc mỗi khi đau ốm lặt vặt. Thu nhập nhiều nhất là từ tiền công đi làm mướn, gom góp cả năm cũng không bằng mấy hộ nghèo đi nhận tiền cứu trợ nên bà thích nghèo lắm.

Cái nghèo của nông dân U Minh được cán bộ ấp gia cố bằng việc từ chối đăng ký các chỉ tiêu xây dựng NTM từ cấp trên chuyển về. “Tiền đâu mà làm. Tính đơn giản như xây dựng giao thông nông thôn, nhà nước 7, dân 3 thì sơ sơ mỗi nhà cũng phải đóng góp 8-10 triệu. Ở đâu thì tôi không biết nhưng dân vùng này thì xin kiếu. Chừng ấy tiền có khi góp cả đời cũng không có nổi”. Bí thư chi bộ ấp 13 xã Khánh Thuận Nguyễn Hoàng Cầu cho hay.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất