| Hotline: 0983.970.780

Mô hình đầu tiên trồng rừng FSC

Thứ Tư 11/10/2017 , 08:14 (GMT+7)

Quảng Trị là địa phương đầu tiên của miền Trung và cả nước thực hiện mô hình rừng FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững) mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Phấn đấu đến năm 2020, Quảng Trị có hơn 42 ngàn ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.
 

Nhóm hộ đầu tiên

Ông Lê Biên Hòa ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh là một trong những nông dân đầu tiên của Quảng Trị trồng rừng FSC. Cái hay của trồng rừng FSC đó là rừng được quản lý bền vững hơn, đất đai được bảo vệ, hạn chế xói mòn, môi trường được cải thiện. Khi rừng có chứng chỉ FSC giá gỗ bán sẽ cao hơn rừng thường từ 30 - 50%.

10-36-54_rung_fsc_qung_tri
Khai thác rừng FSC tại xã Trung Sơn, huyện Gio Linh

Ông Hòa cho biết, cách đây 10 năm nhờ sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật và kinh phí của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam và Tổng cục Lâm nghiệp, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện mô hình quản lý rừng trồng bền vững để cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ gia đình nông dân đã tham gia dự án trồng rừng Việt - Đức tại địa bàn 2 xã Trung Sơn và Vĩnh Thủy thuộc huyện Gio Linh và Vĩnh Linh.

Đến năm 2010, mô hình được đánh giá lần đầu tiên, cấp chứng chỉ thời hạn 5 năm (2010 - 2015) cho 316ha rừng của 118 hộ gia đình thuộc 5 thôn của hai xã trên. Đây là mô hình quản lý rừng bền vững của nhóm hộ nông dân đầu tiên Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC.

Theo ông Hòa mỗi ha rừng được cấp chứng chỉ FSC thu hoạch bán có giá trên 200 triệu đồng, gấp hơn 3 lần rừng trồng bình thường. Ông Hòa vừa thu hoạch 10ha rừng bán hơn 2,1 tỷ đồng. Rừng của ông sau 10 năm cây rất to, cưa 4 cây keo đã được 2 khối gỗ.

Hiện tại có 23 hộ gia đình ở xã Trung Sơn khai thác hơn 63ha rừng FSC bán cho Cty Thanh Hòa, đơn vị mua bán gỗ có chứng chỉ FSC. Theo nhiều người đánh giá thì rừng chất lượng tốt như của ông Hòa bán được giá rất cao, nhưng rừng chất lượng thấp hơn một tí cũng bán đến hơn 150 triệu đồng/ha, một mức giá người trồng rừng sản xuất nào cũng mơ ước.

Tính toán của những hộ tham gia trồng rừng FSC thì chi phí ban đầu để trồng mỗi ha rừng hết 15 triệu đồng. Đến năm thứ sáu tỉa thưa kỹ thuật một phần rừng lấy gỗ bán được khoản tiền đủ trang trải cho vốn đầu tư. Đến năm thứ mười trở đi khai thác trắng số tiền bán gỗ rừng thu về được bao nhiêu là lãi bấy nhiêu. Tính trung bình mỗi năm trồng rừng FSC hộ nông dân lãi từ 15 - 20 triệu đồng/ha, khá cao so với trồng các loại cây khác.

Hiện tại Quảng Trị có hơn 25 ngàn ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, trong đó rừng Cty Lâm nghiệp Bến Hải gần 10 ngàn ha, Cty Lâm nghiệp Triệu Hải hơn 5.200 ha, Cty Lâm nghiệp Đường 9 có hơn 5 ngàn ha và số hộ gia đình có 5 ngàn ha…
 

Mục tiêu phát triển bền vững

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết phong trào trồng rừng FSC phát triển kinh tế ở Quảng Trị được chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhận thức và phương pháp kinh doanh rừng để tiến tới làm giàu từ sản phẩm lâm nghiệp. Từ chỗ trồng rừng giảm nghèo, nông dân Quảng Trị đã chuyển sang phát triển rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI đã chỉ rõ phát triển lâm nghiệp trên cơ sở quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên rừng bền vững. Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, ngành NN-PTNT Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch phát triển rừng đến năm 2020, phấn đấu có hơn 42 ngàn ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC, trong đó diện tích rừng hộ gia đình chiếm 50%.

Quảng Trị hiện có 75 ngàn ha rừng sản xuất, trong đó của hộ gia đình đến 40 ngàn ha. Với các nhóm hộ gia đình, ngành nông nghiệp tiếp tục vận động mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ để xứng đáng là địa phương đầu tiên của cả nước phát triển mô hình trồng rừng FSC. Cũng từ hiệu quả của mô hình rừng FSC ở Quảng Trị mà hiện cả nước có rất nhiều địa phương đến Quảng Trị để học tập mô hình trồng rừng này.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, để phát triển lâm nghiệp bền vững, hiệu quả và ngày càng nhân rộng mô hình trồng rừng FSC, đề nghị Bộ NN-PTNT sớm ban hành Bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam phù hợp với quốc tế để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện. Chính phủ sớm ban hành các chính sách khuyến khích người dân đầu tư trồng rừng, phát triển sản xuất, có chính sách phát triển công nghiệp chế biến gỗ từ rừng trồng, ưu đãi về thuế sử dụng đất đối với người trồng rừng kinh doanh gỗ lớn...

Rõ ràng, mô hình trồng rừng FSC có lợi thế hơn rất nhiều so với các loại rừng trồng theo cách làm truyền thống. Ngoài việc đem đến nhiều lợi ích từ cải tạo môi trường, môi sinh, bảo vệ đất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân trồng rừng, thì nhìn một tầm xa hơn, trồng rừng FSC phù hợp với chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, đến năm 2020 phải có 30% rừng trồng được cấp FSC.

 

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Dấu ấn kiểm lâm trong công cuộc bảo vệ rừng Việt Bắc

Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Thái Nguyên thời gian qua là xây dựng địa bàn không có điểm nóng về khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất