| Hotline: 0983.970.780

Mô hình GlobalGAP lúa ngắn ngày cao sản

Thứ Tư 21/04/2010 , 10:40 (GMT+7)

Vào đầu năm 2009, HTX Nông nghiệp Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang được Công ty TNHH  TUV SUD  PSB Việt Nam (là tổ chức đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu GlobalGAP) trao giấy chứng nhận và trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước thỏa mãn được các tiêu chí của GlobalGAP đối với việc sản xuất và chế biến lúa ngắn ngày, cao sản.

HTX Nông nghiệp Mỹ Thành được thành lập vào cuối năm 2004 hiện có 118 hộ gia đình xã viên góp 89 ha ruộng sản xuất lúa 3 vụ. Được sự tài trợ của ngành Nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm của công ty ADC, đầu năm 2008, HTX Mỹ Thành tiến hành đăng ký và xúc tiến việc tham gia GlobalGAP với đơn vị tư vấn là Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang), trên diện tích 11,4 ha của 15 hộ gia đình xã viên.

Cũng như các tiêu chuẩn khác, bộ tiêu chuẩn GlobalGAP bao gồm hơn 220 tiêu chí buộc phải tuân thủ trong việc quản lý các nguồn nguy cơ rủi ro từ đất, từ nước, giống, phân bón, công tác BVTV, thu hoạch, phơi sấy, vận chuyển, xay xát, đóng gói. Tuy nhiều tiêu chí nhưng không phải là khó khăn bởi đấy đều là những công việc hàng ngày mà nông dân từng làm, từng trải qua. Cái khó nhất mà người nông dân phải đối mặt là không còn được làm một cách tùy tiện, đồng thời phải ghi chép đầy đủ tất cả những việc làm, thông số đó vào nhật ký, điều mà người nông dân rất ít có thói quen ghi chép.

Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành, anh Trương Văn Bảy cũng không phải là “lão nông tri điền” vì anh Bảy mới 40 tuổi và chỉ mới tham gia sản xuất lúa từ năm 2002, thế nhưng anh lại làm tốt không những trên ruộng của mình mà cả 15 hộ xã viên HTX cùng làm tốt.

Thuận lợi lớn nhất mà HTX Mỹ Thành được hưởng lợi trong quá trình thực hiện GAP chính là nông dân đều đã được học và thực hành những kiến thức cơ bản nhất trong việc thâm canh lúa ngắn ngày. Từ năm 1993, xã Mỹ Thành Nam đã được IRRI và Cục BVTV chọn làm điểm của chương trình FPR (không phun thuốc trừ sâu sớm), năm 1998 thực hiện chương trình "Sức khỏe hạt giống", năm 2002 thực hiện chương trình "Cánh đồng sạch", năm 2003 là chương trình "ba giảm, ba tăng". Từ năm 2004-2006, nơi đây tiếp tục được chọn triển khai thực hiện và đã thành công "Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao an toàn" và Tháng 7 năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận "gạo an toàn" cho HTX. 

Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật và các tiêu chuẩn theo GlobalGAP nên năng suất lúa cao hơn, giá thành sản xuất của ruộng GAP thấp hơn so với ruộng không GAP lại bán được cao hơn đến 20% nên lợi nhuận đã là động lực thúc đẩy và HTX Mỹ Thành đang có kế hoạch mở rộng diện tích được công nhận GAP lên đến 106 ha với sự tham gia của 122 hộ vào cuối năm 2010 này, phấn đấu đến 2015 diện tích GAP lên tới 500 ha.

 

Thấy có điều kiện có thể nhân rộng mô hình này, Liên Sở KH & CN cùng với Sở NN & PTNT tỉnh Tiền Giang phối hợp với Hội làm vườn, Liên minh các HTX tỉnh và Hội làm vườn huyện Cai Lậy triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ vốn không tính lãi để cho nông hộ, xã viên HTX Mỹ Thành phát triển sản xuất lúa gạo an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sẽ trực tiếp giúp HTX xây dựng hoàn chỉnh các thiết chế kỹ thuật hạ tầng theo qui trình sản xuất GlobalGAP.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.