| Hotline: 0983.970.780

Mỏ huy chương tiềm năng

Thứ Tư 06/10/2010 , 10:18 (GMT+7)

Đó là cách gọi vui về Trường Cao đẳng Nghề Chế biến gỗ với những thành tích đáng tự hào...

Trong các cuộc thi tay nghề khu vực ASEAN được tổ chức mấy năm gần đây, không một năm nào thiếu vắng thí sinh của Trường Cao đẳng Nghề Chế biến gỗ (CĐNCBG) tham dự. Với thành tích xuất sắc 6 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 2 huy chương đồng cùng nhiều giải thưởng khác… Trường CĐNCBG đang trở thành mỏ huy chương tiềm năng của Bộ NN&PTNT.

Trong không khí se se lạnh mùa thu, tôi cùng thầy Trần Đính – Hiệu trưởng Trường CĐNCBG đi thực tế xem các em sinh viên của trường hăng say học tập. Ghé vào lớp điêu khắc đúng lúc các cô trò đang thực hành tạo hình tượng với đất sét, những cục đất vô hình vô dạng qua bàn tay của các em phút chốc đã trở thành những bức tượng nhẵn nhụi, tinh tế lạ thường. Thầy Đính tâm sự: Do kinh phí đào tạo của nhà trường còn hạn hẹp nên không có đủ gỗ cho học sinh thực hành thường xuyên, vì vậy vẫn phải để các em thực hành trước với đất sét sau đó mới tiến hành điêu khắc trên chất liệu gỗ thật.

Đi qua khu ký túc xá 3 tầng được xây mới khang trang và đang trong khâu hoàn thiện, thầy Đính khẳng định hiện nay nhà trường hoàn toàn đáp ứng đầy đủ chỗ ở cho tất cả học sinh với chế độ ưu đãi đặc biệt. Do hầu hết học sinh là con em nông thôn ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn nên mỗi tháng nhà trường đều trợ cấp cho các em khoản tiền hơn 100.000 đồng chỉ với một điều kiện đơn giản là các em đi học đầy đủ và không vi phạm bất cứ nội quy nào của nhà trường và pháp luật.

Không biết có phải do được học tập trong môi trường hết sức thuận lợi và ưu ái hay không mà sinh viên của Trường CĐNCBG ai ai cũng say mê học tập. Tiếng máy xẻ, máy bào gỗ, động cơ máy móc vang lên nhộn nhịp như một xưởng chế biến gỗ thực thụ, chính nhờ tinh thần học tập nghiêm túc đó mà học sinh của Trường CĐNCBG có chuyên môn tay nghề cao. Nói về trình độ tay nghề học trò của mình, Hiệu trưởng Trần Đính hồ hởi khoe: “Mấy năm gần đây, trước mỗi khóa tốt nghiệp của học sinh Trường CĐNCBG, ôtô của các doanh nghiệp, công ty ở khắp nơi tìm về đỗ thành hàng dài tranh nhau tuyển người. Tiêu chuẩn khắt khe như Tập đoàn Hòa Phát khi nhận học sinh tốt nghiệp của chúng tôi họ không mấy khi phải thử lại tay nghề”.

Về lịch sử của trường, thầy Đính cho biết, tiền thân của Trường CĐNCBG là Trường Công nhân Kỹ thuật chế biến gỗ TW được thành lập năm 1969 có nhiệm vụ chính là đào tạo công nhân chuyên ngành về chế biến gỗ tại Đông Anh (Hà Nội). Năm 1978 trường được chuyển về xã Thanh Tuyền, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Mặc dù là ngôi trường duy nhất trên địa bàn cả nước đào tạo công nhân chuyên ngành chế biến gỗ nhưng mấy năm qua, công tác tuyển sinh của nhà trường vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn. Trước mỗi kỳ tuyển sinh, lãnh đạo, giáo viên, cán bộ công nhân viên của nhà trường đều phải thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử cán bộ về tận các địa phương vùng sâu vùng xa vận động, thu hút học sinh, giảm mức học phí để lôi kéo các em theo học.

Hiệu trưởng Trường CĐNCBG Trần Đính:

“Để thu hút thí sinh theo học, trong thông báo tuyển sinh nhà trường đều có kèm theo đơn đặt hàng lao động của các doanh nghiệp cũng như lời cam kết 100% học sinh nhà trường đào tạo đều có công ăn việc làm ổn định với mức lương từ 4 – 5 triệu đồng/tháng nên nhà trường vẫn cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh mà Bộ giao”.

Theo Hiệu trưởng Trần Đính thì việc giảm học phí nhà trường hoàn toàn có thể làm được, thậm chí là miễn luôn. Nhưng có một bất cập hiện nay là các bậc phụ huynh, học sinh lại có mặc cảm quan niệm sai lầm rằng, ngành nào học phí thấp là những ngành không ra gì nên họ càng không đăng ký. Về phương án đổi tên trường để thu hút học sinh, thầy Đính mỉm cười bộc bạch: “Đó cũng là một phương án, nhưng khi đổi tên rất có thể học sinh đăng ký học không vào các ngành nghề trọng tâm đặc thù của trường mà toàn đăng ký các ngành như kế toán, tin học, quản trị mạng ngay. Thực tế đã chứng minh có một số trường trực thuộc Bộ đã thử làm cách đó nhưng đều thất bại”.

Một ưu thế rất lớn của Trường CĐNCBG là có được một đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn rất cao. Tất cả giáo viên hiện giảng dạy tại trường đều có trình độ tay nghề bậc 5 trở lên, cá biệt có 3 thầy cô giáo ở Khoa điêu khắc gỗ đạt đến trình độ bậc 7 nên học sinh của khoa này luôn đắt giá khi tốt nghiệp. Với đặc trưng là chỉ chú trọng đào tạo 3 ngành nghề cơ bản là mộc dân dụng, điêu khắc gỗ, sơn mài – khảm trai nên chất lượng cực kỳ cao. Điều đó được chứng minh bằng những tác phẩm điêu khắc đạt đến trình độ tinh xảo được trưng bày ở khắp các phòng ban trong nhà trường mà các đơn vị tuyển dụng lao động mỗi lần đến đều tấm tắc hết lời ngợi khen.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất