| Hotline: 0983.970.780

Mờ mắt, loạn thị không khéo mù mắt như chơi!

Chủ Nhật 09/12/2018 , 14:05 (GMT+7)

Không có tiền sử chấn thương, không viêm nhiễm tại mắt, hai tháng trước khi đến viện, bên mắt phải của anh Nguyễn Văn D. (20 tuổi ở Hà Nội) có dấu hiệu giảm thị lực đột ngột.

11-34-12_gic_mc1
Một bệnh nhân đang được điều trị mắt (Ảnh minh họa)

Nhưng do bị mờ một bên mắt nên anh D. không phát hiện ra, chỉ đến khi sửa đồ dùng trong nhà cần phải nheo một bên lại anh mới giật mình tá hỏa khi bên mắt phải dường như không thể nhìn thấy gì.
 

Chậm chút nữa mù vĩnh viễn

Đến viện, các bác sĩ tiến hành đo thị lực thì mắt phải của anh độ cận đã tăng lên một hàng chữ. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị mắc chứng bệnh giác mạc hình chóp. Mặc dù các bác sĩ đã hướng dẫn anh cần thiết phải thực hiện điều trị và tái khám thường xuyên nhưng anh D bỏ qua. Chỉ 3 tháng sau, mắt phải từ nhìn mờ giờ thành mù hẳn, nguy hiểm hơn, không chỉ dừng ở mắt phải, mắt trái của anh cũng bắt đầu nhìn mờ, nhòe đi. Lúc này, bác sĩ cho biết bệnh lý giác mạc hình chóp của anh tiến triển quá nhanh cần được phẫu thuật kịp thời.

“Chúng tôi đã tiến hành điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp CrossLinking - kỹ thuật hỗ trợ làm bền vững giác mạc, rất may bệnh nhân đã giữ được thị lực. Nếu bệnh nhân này không được điều trị thì mắt của bệnh nhân sẽ ngày càng giảm thị lực và dẫn đến mù vĩnh viễn”, BS. Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện mắt Quốc tế DND kể lại.

Ths. BS Lê Thị Thu Hà giải thích, bệnh giác mạc chóp là bệnh lí giác mạc gây biến đổi hình dạng giác mạc. Giác mạc bình thường có hình chỏm cầu (giống như quả bóng rổ cắt đôi) có các kinh tuyến đều như nhau tuy nhiên nếu chẳng may bạn bị mắc bệnh giác mạc chóp sẽ gây ra giãn phình giác mạc và các kinh tuyến không đều nhau.

Hiện các nhà chuyên môn vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân của bệnh giác mạc chóp nhưng người ta đã xác nhận các yếu tố liên quan trực tiếp khởi phát và tiến triển bệnh là yếu tố di truyền, nội tiết và môi trường.

Bệnh thường xuất hiện ở những bệnh nhân có cơ địa dị ứng như hen phế quản, viêm da cơ địa, dị ứng thức ăn, viêm mũi dị ứng… đặc biệt là nhưng bệnh nhân viêm kết giác mạc dị ứng. Một số bệnh nhân không kèm theo yếu tố dị ứng nhưng có điểm chung là hay dụi mắt. Người ta cho rằng dụi mắt gây tổn thương giác mạc tạo điều kiện cho bệnh khởi phát và tiến triển. Một trong nhũng quan điểm được ủng hộ về cơ chế gây bệnh là stress oxy hóa: Chất chống oxy hóa trong giác mạc suy giảm làm cho các sợi collagen trở nên suy yếu và giác mạc giãn phình ra. Stress oxy hóa gây ra bởi dụi mắt hay 1 số người tiếp xúc nhiều với tia cực tím.
 

Không dụi mắt

Là bệnh lý nguy hiểm, nhưng ThS.BS Lê Thị Thu Hà lưu ý, bệnh lý giác mạc chóp rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán mắc phải bệnh lý này khi đã giảm nhiều hoặc mất thị lực. Nguyên nhân vì trước đây, giác mạc chóp được chẩn đoán theo tiêu chuẩn chẩn đoán cũ trên máy chụp bản đồ giác mạc thế hệ cũ (Topography). Theo tiêu chuẩn này, máy chụp vùng trung tâm giác mạc với đường kính khảo sát nhỏ, nên chỉ có thể đánh giá được mặt trước của giác mạc. Vì vậy, giác mạc chóp được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã có sự thay đổi rõ ràng về hình dạng giác mạc.

Đặc biệt, tại Việt Nam, từ trước đến nay, bệnh nhân giác mạc hình chóp chỉ có thể được theo dõi, cấp đơn kính kết hợp kính áp tròng để ổn định thị lực. Hầu như không có cách nào ngăn chặn bệnh tiến triển đến giai đoạn xấu. Khi bệnh tiến triển gây sẹo giác mạc thì phương án duy nhất là chỉ định ghép giác mạc để bảo tồn thị lực cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nguồn giác mạc tại Việt Nam rất khan hiếm chưa kể tỷ lệ thải ghép giác mạc trong phẫu thuật là rất cao…

“Có rất nhiều phương pháp điều trị giác mạc chóp. Trong giai đoạn tiến triển của bệnh lý, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng kỹ thuật hỗ trợ làm bền vững giác mạc CrossLinking, đặt ring trong nhu mô giác mạc, kết hợp sử dụng kính gọng… để cải thiện thị lực. Ở giai đoạn muộn, bên cạnh CrossLinking, bệnh nhân có thể cần kết hợp đeo kính áp tròng cứng, thậm chí phải ghép giác mạc để giữ thị lực.

khm-mt-theo-dinh-ky155042508
Khám mắt định kỳ

Trong tất cả những phương pháp điều trị giác mạc chóp kể trên, CrossLinking được đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất - bởi nó là kỹ thuật hỗ trợ làm bền vững giác mạc, là kỹ thuật duy nhất làm dừng tiến triển bệnh lý. Với kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ được nhỏ Riboflavin (Vitamin B2) và chiếu tia UVA với mức năng lượng và thời gian phù hợp lên bề mặt giác mạc. Phản ứng oxy hóa sẽ tạo thành các cầu nối gắn kết các sợi collagen trong giác mạc, tạo thành mạng lưới vững chắc và tăng cường sự bền vững cơ sinh học giác mạc”, Bs Hà giải thích thêm.

Để phát hiện bệnh sớm, tránh để lại hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, BS Hà khuyến cáo bệnh nhân cần được khám định kỳ về khúc xạ. Trong trường hợp có biểu hiện nghi ngờ thì bác sĩ sẽ chỉ định sàng lọc bằng máy bản đồ giác mạc, giúp phát hiện sớm bênh. “Người dân tránh tuyệt đối dụi mắt, bệnh nhân có tiền sử viêm kết mạc dị ứng cần được điều trị và theo dõi chặt hơn”, BS Hà nhấn mạnh.

(Kiến thức gia đình số 49)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất