| Hotline: 0983.970.780

Mở ra không gian phê bình nghệ thuật

Thứ Tư 14/05/2014 , 14:32 (GMT+7)

Điểm hấp dẫn của “Giai điệu tự hào” luôn là phần phê bình của các vị khách mời. 

Chương trình “Giai điệu tự hào” (phiên bản Việt của chương trình “Tài sản quốc gia”) tưởng như sẽ lọt thỏm trong các chương trình truyền hình giải trí hiện nay.

Vậy nhưng sau 4 tháng phát sóng (vào thứ Bảy cuối tháng), chương trình này đang là điểm đến của nhiều ca sĩ trẻ tài năng, song song, nhiều khán giả cũng bị thu hút bởi không gian phê bình âm nhạc tại đây.

CA SĨ TRẺ THỔI LÊN “GIAI ĐIỆU TỰ HÀO”

Dù không ít lần, các ca sĩ trẻ tham gia sân chơi này không nhận được sự đánh giá cao bởi trong mắt khán giả, họ thiếu vốn sống, cũng như hát theo kiểu người trẻ sẽ tạo nên dư luận trái chiều.

Ví dụ như Uyên Linh thể hiện “Hoàng hôn màu lá” (Thanh Tùng), Đồng Lan hát “Ngày mai anh lên đường” (Thanh Trúc) hay Hoàng Quyên thể hiện “Pí Noọng ơi” (Nguyễn Văn Chung). Đây là những ca sĩ có nhiều người hâm mộ và họ tham gia “Giai điệu tự hào” với nhiệt huyết tuổi trẻ, mong muốn thổi bùng lên sự sống mãi của các ca khúc đi cùng năm tháng.

Một số ca sĩ trẻ chia sẻ, dù có thể không nhận được lời khen nhưng nếu được mời tham gia “Giai điệu tự hào”, họ vẫn sẽ tiếp tục bởi tham gia chương trình này giúp họ có thêm vốn sống, cảm xúc và hiểu thêm những ca khúc hay trong kho tàng ca khúc cách mạng Việt Nam.

Không chỉ các ca sĩ trẻ mới tạo nên dư luận trái chiều, những ca sĩ thành danh khi tham gia chương trình cũng sẵn sàng bị chê, điển hình là NSƯT Thanh Lam khi nhận lời thể hiện “Một đời người, một rừng cây” (Trần Long Ẩn).

Sau khi chương trình kết thúc, màn tranh cãi về phần trình diễn của Thanh Lam diễn ra khá sôi nổi trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, chị đã biểu diễn hơi thái quá một ca khúc nặng tính tự sự như vậy. Tuy nhiên, Thanh Lam cho rằng: “Hát như ca khúc có đời sống sâu sắc trong xã hội thì việc nhận những lời chê là điều khó tránh khỏi”.

Tuy nhiên, cũng có không ít những ca sĩ trẻ, ca sĩ nhạc nhẹ được khen ngợi như Hồ Quỳnh Hương với “Lên ngàn” (Hoàng Việt), Tùng Dương với “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (Văn Cao), ca nương Kiều Anh với “Quảng Bình quê ta ơi” (Hoàng Vân) hay Thu Minh với “Tàu anh qua núi” (Phan Lạc Hoa).

Xen kẽ với những ca sĩ trẻ, những ca sĩ “chuyên trị” nhạc cách mạng như Lan Anh, Việt Hoàn, Cẩm Vân… cũng từng tham gia chương trình như một yêu tố cân bằng trong chương trình.

Với dụng ý truyền cảm hứng tới người trẻ với những ca khúc đi cùng năm tháng, Ban tổ chức chương trình sẽ liên tục mời những ca sĩ trẻ tham gia như Dương Hoàng Yến, Đinh Mạnh Ninh… và sẽ mở rộng ra những ca sĩ trẻ có chất giọng, cũng như kĩ thuật và phong cách biểu diễn mới mẻ khác trong những chương trình tới.

HẤP DẪN PHẦN PHÊ BÌNH

Sau bốn số phát sóng, “Giai điệu tự hào” đã có sức sống nhất định trên sóng truyền hình và trong lòng khán giả. Ban tổ chức cũng hứa hẹn rằng, họ sẽ tiếp tục đưa nhiều ca khúc kinh điển của Việt Nam lên truyền hình.

Hấp dẫn hơn cả, những ca khúc này sẽ được đầu tư đúng mực, cũng như giao cho những ca sĩ có tay nghề cao để làm sống dậy những ca khúc đi cùng năm tháng.

Điểm hấp dẫn của “Giai điệu tự hào” luôn là phần phê bình của các vị khách mời.

Ban tổ chức luôn hướng đến những nhà giáo dục, nhà văn hóa, những nghệ sĩ có phông văn hóa và sự nhạy bén, tinh tế trong nghệ thuật, cho nên phần phê bình với những chủ đề nghệ thuật nhất định nhiều khi còn hấp dẫn hơn cả phần các ca sĩ biểu diễn.

Có thể nhận thấy, lí do phần phê bình thu hút được khán giả bởi phần nhiều là sự mới mẻ. Trên truyền thông báo chí, không có nhiều phần phê bình trực diện, tương tự nhiều nhạc sĩ cũng cho rằng, Việt Nam không mạnh về phê bình nghệ thuật.

Do vậy, việc phân tích, “soi” các ca khúc gắn với đời sống xã hội, lịch sử hay dù chỉ đưa ra những đề tài mang tính giáo dục, định hướng cho khán giả trẻ đã khiến phần này thành “hàng hiếm” trên truyền hình.

Việc kích thích sự tranh luận chính là yếu tố phá cách từ ca sĩ trình diễn, nhiều khán giả cho rằng, sẽ thật nhàm chán nếu vẫn giai điệu đó, lời ca đó và được trình diễn theo cách mà thế hệ cũ đã nghe.

Chính vì điều đó, các ca sĩ trẻ nhiều khi đã làm mới các “giai điệu tự hào” này, vô hình chung, khi nó gắn liền với những chủ đề mang tính xã hội thời đại, cuộc tranh luận của các vị khách mời lại diễn ra sôi nổi và thậm chí khá “sốc”.

Ví dụ như họa sĩ Đinh Công Đạt từng phê bình phần trình diễn của ca sĩ Thanh Lam với “Một đời người, một rừng cây” rằng: “Nếu tách phần lời triết lý của ca khúc ra thì xét về phần nhạc, đây là một bản nhạc rất buồn chán và rất tệ”.

Xem thêm
Giáo sư Tô Ngọc Thanh trọn đời tâm huyết văn hóa dân gian

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, một nhân vật tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian, vừa qua đời ở tuổi 90 vào sáng 24/4 tại Hà Nội.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.