| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng:

Mở rộng diện tích tưới SRI cho cây lúa

Thứ Hai 22/08/2016 , 07:30 (GMT+7)

Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) với thế mạnh là trồng trọt và thủy sản. Ngành thủy lợi cần phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất thâm canh lúa đặc sản, rau, hoa và cây trồng vụ đông; nuôi thủy sản nước lợ, nước ngọt.

4 tồn tại, khó khăn chủ yếu

Để phục vụ tốt cho việc tái cơ cấu các lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSH, hạ tầng thủy lợi đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, tại hội nghị Rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ tái cấu trúc ngành nông nghiệp vùng ĐBSH, diễn ra tại Hà Nội cách đây ít ngày, Th.S Nguyễn Thị Bích Thủy (Phòng Quy hoạch Thủy lợi Bắc bộ, Viện Quy hoạch Thủy lợi) cho biết: Hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi chủ yếu tập trung cung cấp nước cho cây lúa. Phần lớn các cây trồng cạn, cây ăn quả, cây rau màu chưa có tưới hoặc tưới bằng các biện pháp lạc hậu và lãng phí nước. Việc áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế. Đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản còn thấp.

Trong vụ mùa, việc tiêu thoát nước của các hệ thống thủy lợi cơ bản khá thuận lợi. Tuy nhiên, khi gặp tổ hợp bất lợi mưa to đến 200mm/ngày, chân triều cao kết hợp xuất hiện lũ từ thượng lưu thì việc tiêu nước cho hệ thống rất khó khăn. Diện tích vùng hay bị úng ở các hệ thống thủy lợi khoảng 180.000ha trong tổng số gần 1.200 triệu ha đất cần tiêu, chủ yếu tập trung ở khu vực trũng thấp thuộc các hệ thống sông Nhuệ, Cà Lồ, Bắc Nam Hà, Bắc Đuống và khu vực phía trên của các hệ thống thủy lợi ven biển.

Mặc dù mùa khô ĐBSH được điều tiết nước từ 4 hồ chứa lớn thượng du như hồ Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang. Tuy nhiên hiện tượng thiếu nguồn vẫn thường xảy ra hàng năm. Theo rà soát của Viện Quy hoạch Thủy lợi, hàng năm vùng ĐBSH có khoảng 60.000 – 120.000ha (chiếm 10 - 20%) diện tích đất nông nghiệp vụ xuân bị hạn hoặc khó khăn về nguồn nước tưới, thậm chí có năm hạn lên đến trên 200.000ha.

Ngoài ra, một trong những vấn nạn nhức nhối nhất của hệ thống thủy lợi ĐBSH đó là chất lượng nước tại các con sông nội đồng như sông Nhuệ, Ngũ Huyện Khê, sông trục Bắc Hưng Hải, sông Rế... cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt đang bị ô nhiễm. Hầu hết, chất lượng nước ở các sông này không đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt, một vài vị trí thậm chí không đủ tiêu chuẩn cấp nước cho nông nghiệp.

 

Tập trung phục vụ sản xuất lúa

Trước hết, xin bàn về vấn đề làm thủy lợi phục vụ trồng lúa – sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp vùng ĐBSH.

Theo thống kê của Viện Quy hoạch Thủy lợi, diện tích lúa hiện có của toàn vùng khoảng gần 545.000ha, trong đó có khoảng 288.000ha được quy hoạch lúa chất lượng cao. Đối với vùng lúa hàng hóa và lúa chất lượng cao, những năm gần đây, hình thức thâm canh lúa cải tiến SRI (System or Rice Intensification) được áp dụng đã góp phần tiết kiệm nước, tăng năng suất, giảm khí thải nhà kính, mang lại hiệu quả kinh tế.

SRI giúp tăng khả năng chống chịu của cây lúa trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, thân nhánh khỏe hơn và hệ thống rễ cây sâu hơn nên ít bị đổ rạp. Khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa được tăng cường nhờ việc sử dụng thuốc trừ sâu đúng liều lượng và tần xuất hợp lý. Bên cạnh đó, lượng nước sử dụng trong canh tác giảm thiểu so với phương pháp truyền thống khi định kỳ rút nước 2 - 3 lần/vụ...

Tuy nhiên, ở hầu hết các tỉnh trong vùng ĐBSH, SRI chưa được triển khai rộng rãi. Nguyên nhân được xác định là chưa có kinh phí để chuyển giao cho dân áp dụng diện rộng; nhận thức của người dân về hiệu quả của phương thức canh tác này chưa cao; mặt ruộng không bằng phẳng và quy trình tưới tiêu phức tạp hơn, cần tưới tiêu nhiều lần trong mùa vụ.

Hiện tại, các hệ thống công trình thủy lợi mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới lúa của vùng theo phương thức canh tác truyền thống. Để có thể áp dụng được hình thức canh tác tiên tiến SRI, điều kiện về thủy lợi phải là tưới tiêu hoàn toàn chủ động. Đầu tư thủy lợi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp cho đối tượng cây lúa chú trọng đến việc cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng, đảm bảo tưới tiêu chủ động.

Giải pháp được Viện Quy hoạch Thủy lợi đưa ra, đầu tiên là tiếp tục nâng cấp các công trình thủy lợi đảm bảo cấp nguồn và chủ động tưới, tiêu theo các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt. Đồng thời, ưu tiên đầu tư cho các công trình thủy lợi lớn tổng hợp, phục vụ các vùng lúa chất lượng cao, cánh đồng mẫu lớn gồm 139 công trình, dự án.

Đầu tư 8 hạng mục công trình, dự án nhằm hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi nội đồng phục vụ cho vùng lúa chất lượng cao, áp dụng theo phương thức cải tiến SRI tưới cho hơn 10.000ha, tiêu cho hơn 10.000ha, thực hiện tại các huyện: Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài (Bắc Ninh); Kim Bảng, Lý Nhân, Phủ Lý, Thanh Liêm, Bình Lục, Duy Tiên (Hà Nam); Kinh Môn, Kim Thành, Bình Giang, Ninh Giang, Thanh Miện (Hải Dương); Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Dương, An Lão (Hải Phòng); Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô (Ninh Bình và thành phố Hà Nội.

 

Đầu tư thủy lợi vùng chuyên canh rau, hoa

Diện tích cây rau màu và hoa cây cảnh của toàn vùng ĐBSH hiện có là 185.341ha, trong đó các khu vực tập trung là 88.234ha. Hiện nay, mới chỉ có rất ít diện tích rau, hoa áp dụng biện pháp tưới tiên tiến và tiết kiệm nước. Hầu hết mới chỉ tồn tại ở hình thức mô hình với vài ngàn m2 ở các nơi có dự án nước ngoài hoặc một số doanh nghiệp, cá nhân đầu tư. Công ty An Phú Hưng phối hợp với một doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư 11ha trồng các loại cà chua, củ dền đỏ, rau diếp tím xuất khẩu. Công ty TNHH Minh Hiền ở Bình Lục – Hà Nam cũng có diện tích vài chục ha tưới tiết kiệm. Ngoài ra còn công ty Vingroup ở Vĩnh Phúc...

Hiện nay, 6 tỉnh gồm Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình đã đề xuất 9 hạng mục công trình, dự án tưới tiêu hiện đại cho vùng chuyên canh rau, màu, hoa cây cảnh với diện tích 3.747ha, tiêu thoát cho 3.450ha.

12-11-33_nh2
Các vùng chuyên rau, màu, hoa của ĐBSH cần ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước

 

Ngoài ra, các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc đề xuất đầu tư 24 hạng mục công trình, dự án hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi nội đồng phục vụ cho vùng chuyên canh rau, màu, hoa cây cảnh tưới cho hơn 39.000ha, tiêu cho 35.528ha.

 

Tưới tiết kiệm cho cây lâu năm, cây công nghiệp

Quy hoạch đến năm 2025, diện tích cây ăn quả cho toàn vùng là 70.117ha, trong đó khu vực trồng tập trung là 11.500ha. Viện Quy hoạch Thủy lợi “hiến kế” một số giải pháp tưới tiên tiến và tiết iệm nước nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như dứa, nhãn, vải, cam.

Áp dụng công nghệ tưới phun mưa cho dứa: Khu vực trồng dứa ở ĐBSH hầu hết là diện tích đất đồi, có địa hình dốc (10 - 25 độ). Với địa hình này, biện pháp kỹ thuật tưới phun mưa và nhỏ giọt hoặc tưới xịt là phù hợp. Các phương pháp tưới rãnh và tưới tràn có thể gây lãng phí nước hoặc ảnh hưởng đến cấu tượng và dinh dưỡng đất.

Thu trữ nước + tưới nhỏ giọt cho cam, bưởi, nhãn, chuối: Giải pháp lưu trữ nước tại chỗ kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cam có thể giúp giảm lượng nước tưới cho cam từ 50 - 60% lượng nước khai thác từ hồ chứa nước và các nguồn nước tự nhiên khác.

Nguyên lý cơ bản của giải pháp này là lợi dụng địa hình các sườn đồi dốc, làm các rãnh thu nước nước mưa, xây dựng các bể thu trữ bằng vật liệu xi măng vỏ mỏng để tạo nguồn nước chủ động tự chảy. Chi phí lắp đặt hệ thống nhỏ giọt khoảng gần 50 triệu đồng/ha, tuổi thọ của hệ thống từ 10 - 20 năm, tương đương với 1 chu kỳ cây ăn quả như cam, vì thế rất phù hợp với khả năng đầu tư của người dân.

Cách đây 2 năm, sau khi tham quan cánh đồng lúa canh tác theo hình thức thâm canh cải tiến (SRI) xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng: Cần phải hiểu đây là một hệ thống canh tác lúa cải tiến. Bởi nó được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ kỹ thuật thâm canh mà còn cơ chế chính sách (dồn điền đổi thửa, quy hoạch thủy lợi nội đồng, hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân...). Nó là căn cứ cơ sở để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, hạn chế được nhiều rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

 

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất