| Hotline: 0983.970.780

Mơ về một thương hiệu gạo cho Thủ đô

Thứ Hai 08/11/2010 , 11:07 (GMT+7)

Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội được vạch ra để khắc phục tình trạng thừa ăn no nhưng thiếu ăn ngon.

Hiện nay Hà Nội có khoảng 200.000ha lúa, cơ cấu giống chất lượng cao mới chỉ chiếm khoảng 15% diện tích. Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, điều đầu tiên cần quan tâm là chất lượng giống lúa. Tuy nhiên bộ giống lúa chủ lực của nông dân Thủ đô vẫn chỉ là những giống thuần Q5 và Khang Dân, sản lượng khá nhưng chất lượng gạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Tỷ lệ gạo chất lượng cao không nhiều. Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội được vạch ra để khắc phục tình trạng thừa ăn no nhưng thiếu ăn ngon trên. Chương trình triển khai sớm (tháng 10/2009) song đây là chương trình lớn của thành phố nên việc lập chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể cho các năm đặc biệt là năm 2010 chưa được đồng bộ. Đơn vị thực hiện là Trung tâm giống vừa phải triển khai vừa phải hoàn thiện chương trình, kế hoạch. Tuy nhiên diện tích sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao năm 2010 vẫn đạt 100% kế hoạch là 1.270 ha tại 3 huyện là Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ với chương trình đào tạo, huấn luyện cho 3.000 nông dân.

Thực nghiệm lựa chọn các giống lúa chất lượng cao, quy trình kỹ thuật thâm canh, công nghệ thu hoạch, bảo quản lúa chất lượng cao…Điều tra, xác định được các vùng đủ điều kiện sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 8 huyện trọng điểm lúa của thành phố. Giống tham gia chương trình chủ yếu là Bắc Thơm số 7, SH2, Nàng Xuân, Tám Xoan đột biến, T10… Qua kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu, gặt điểm, kết quả năng suất lúa vụ xuân năm 2010 đạt bình quân 53-55 tạ/ha/vụ, vụ mùa 50-52 tạ/ha/vụ, hiệu quả sản xuất lúa hàng hóa cao hơn lúa thường là 5,3 triệu đồng/ha/vụ. Sự tham gia của các doanh nghiệp thu mua, chế biến, bảo quản lúa gạo như Cty Hưng Trung Việt, Cty VNF1, Cty Thái Dương, Cty Chafoul, Cty CP Lương thực Hồng Hà…

Mục tiêu năm 2011 của chương trình sẽ đào tạo, huấn luyện 3.600 - 4.000 lượt nông dân tại 7 huyện trọng điểm sản xuất lúa. Xây dựng, phát triển một số vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng với sản lượng gạo đạt gần 9.000 tấn. Lựa chọn, xây dựng thương hiệu “Gạo hà Nội” đảm bảo ngon, sạch, an toàn… Ông Phạm Văn Thành, Chủ nhiệm HTX Đồng Phú, Chương Mỹ cho biết: Vụ xuân năm 2010, xã Đồng Phú sản xuất 100ha lúa chất lượng cao ở vụ xuân bằng hai giống Bắc Thơm số 7 và SH2, hai giống lúa trên kết quả thu hoạch đạt trên 5 tấn/ha với giá trị đạt 37,5 triệu đồng/ha trong khi đó lúa thương phẩm chỉ đạt 30 triệu đồng/ha. Vụ mùa 2010, HTX cũng trồng tập trung trên 100ha lúa chất lượng cao gồm các giống Bắc thơm số 7, T10, Nàng Xuân, Nếp NV1…

Thực tế Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng cũng còn có những khó khăn như: Quy hoạch đất đai hạ tầng cơ sở vùng sản xuất lúa hàng hóa chưa đồng bộ. Công tác tổ chức, quản lý của các HTX chưa đủ mạnh, tư duy kinh tế thị trường, xúc tiến thương mại còn yếu nên việc tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng cao còn chưa đều. Đặc biệt, thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất, bảo quản ở các địa phương còn chưa làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó tổng GĐ Cty Bán lẻ VNF1 - đối tác quan trọng trong liên kết bốn nhà nhận định vấn đề cần quan tâm là chức thu mua như thế nào cho thuận lợi, dễ dàng. Nếu để tự DN trực tiếp thu gom của dân sẽ rất khó khăn vì nông dân không đồng loạt thu hoạch một ngày, còn giao cho các đầu mối trung gian thu mua thì còn nhiều bất cập. Thực tế liên kết bốn nhà thường bị phá bởi người nông dân. Đã có vùng trồng lúa chất lượng được doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư nhưng tới vụ thu hoạch, giá mà cao hơn, nông dân vẫn xé hợp đồng bán hàng ra ngoài.

Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội, sau hai vụ thử nghiệm đã bước đầu nhận xét cho thấy các giống lúa chất lượng cao đưa vào đều phù hợp với đồng đất, tập quán canh tác của nông dân, năng suất, chất lượng bảo đảm. Tuy thế để đảm bảo mở rộng diện tích, tạo lực hút cho DN vào cuộc, TP Hà Nội cần ban hành các chính sách hỗ trợ, cơ chế ưu đãi, động viên khuyến khích nông dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên doanh, liên kết đầu tư trong sản xuất bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ lúa. TP cũng cần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, nâng cao thu nhập cho nông Hà Nội.

Tâm tư ấy của ông Sướng cũng tâm tư của 6 HTX đang thực hiện diện tích 600ha tại là HTX Phú Phong, Đại Thắng, Phú Phượng của huyện Phú Xuyên; HTX Thanh Văn, Tam Hưng, huyện Thanh Oai và HTX Đồng Phú của huyện Chương Mỹ. Dù thực tế sản xuất lúa chất lượng không có gì khó khăn hơn nhiều so với lúa thông thường, lúa chất lượng cũng đạt năng suất gần tiệm cận với năng suất lúa thường mà điển hình như HTX Tam Hưng, huyện Thanh Oai nhưng thế vẫn chưa đủ để hấp dẫn người nông dân làm theo.

Ông Kiều Văn Quy, Chủ nhiệm HTX Tam Hưng, cho biết khó khăn lớn nhất của Tam Hưng hiện nay là thị trường đầu ra. Việc mở rộng diện tích lúa chất lượng cao ở Thanh Oai sẽ chậm chạp không hẳn do diện tích đất sản xuất manh mún mà yếu tố chính là sản xuất lúa gạo chất lượng cao chưa có lãi nhiều để người nông dân tự động chuyển hướng, chuyển thói quen canh tác đã quá ăn sâu, bén rễ.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất