| Hotline: 0983.970.780

Mới 50% đơn hàng lao động được đào tạo nghề

Thứ Ba 29/03/2011 , 10:40 (GMT+7)

Sau 1 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, chỉ có 50% lao động nông thôn trong đơn đặt hàng được dạy nghề.

Dự kiến trong tháng 4/2011, Chính phủ sẽ sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, một trong những thành viên soạn thảo Đề án thì: "Sau 1 năm thực hiện Đề án, chỉ có 50% lao động nông thôn trong đơn đặt hàng được dạy nghề. Nhiều địa phương chưa có chương trình, giáo trình dạy nghề".

Trình độ lao động quá thấp

Ông Vinh cho hay, theo các quy định hiện hành, dạy nghề theo cơ chế đặt hàng cho lao động nông thôn (LĐNT) thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, LĐNT bị thu hồi đất canh tác khó khăn về kinh tế và phải đảm bảo sau khi tốt nghiệp trong vòng 3 tháng có ít nhất 90% số học sinh tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Tuy nhiên, quá trình khảo sát, lấy ý kiến, phần lớn các địa phương và cơ sở dạy nghề cho rằng, do LĐNT thuộc 3 đối tượng chính sách nêu trên có trình độ học vấn thấp, chủ yếu sống tập trung ở vùng cao, miền núi, địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, ít doanh nghiệp đầu tư và cơ hội việc làm thấp… nên rất khó tuyển sinh đủ số lượng để mở lớp dạy nghề tập trung theo kế hoạch đào tạo và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Vì vậy, sau 1 năm thực hiện đề án, đến nay mới thực hiện đặt hàng dạy nghề được cho 6.000 người/tổng số kế hoạch 12.000 người của năm 2010. Có nhiều trường sau khi khảo sát thấy không thể tuyển sinh được nên đã đề nghị hủy hợp đồng hoặc xin giảm chỉ tiêu đào tạo. Trong khi nhiều đối tượng LĐNT khác có nhu cầu học nghề, có cơ hội việc làm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động thì chưa được học nghề theo cơ chế đặt hàng.

Cũng theo ông Vinh, báo cáo của các địa phương, trong năm 2010 cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 350.000 người theo chính sách của Quyết định 1956 từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án, trong đó 48,6% học các nghề nông nghiệp; 51,4% học các nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt khoảng 70%. Ngoài nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, một số tỉnh đã chủ động bổ sung từ ngân sách địa phương để hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại trong thời gian học nghề cho một số nhóm LĐNT ngoài chính sách của Quyết định 1956 (tỉnh Hậu Giang hỗ trợ tiền ăn 10.000đ/ngày; TP. Cần Thơ hỗ trợ thêm tiền ăn 10.000đ/ngày; tiền đi lại 200.000 đ/người/khóa đối với lao động thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác…).

Tiếp tục đào tạo 800.000 lao động

Năm 2010, hơn 11.000 người được học trồng cây chuyên canh (thuốc lá, cao su, bông, lúa, mía, sắn, cà phê); hơn 1.500 người học đào tạo nghề chăn nuôi, trồng trọt; nghề công nghiệp và dịch vụ đã tổ chức đào tạo 90 lớp, trong đó các doanh nghiệp hỗ trợ, đóng góp từ 15 - 25% tổng kinh phí đào tạo nghề… Riêng với nghề truyền thống, đã có 99 lớp, 2.125 người.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tính trạng trên bởi vẫn có tình trạng một số địa phương còn lúng túng trong việc xác định quy trình tổ chức đào tạo, bố trí lớp học và thực hiện chính sách cho học viên thuộc các đối tượng khác nhau. Có nhiều nơi chậm xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu. Thậm chí có tiền về rồi nhưng lại chậm phê duyệt định mức chi phí đào tạo cho từng nghề. Đối với lao động cận nghèo vẫn chưa có chính sách hỗ trợ tiền ăn trong quá trình học nghề cho nên chưa khuyến khích, thu hút họ tham gia học nghề để góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững.

Vì vậy, trong kiến nghị gửi trình Chính phủ, các thành viên đề nghị Chính phủ dành 1.755 tỷ đồng để hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 800.000 LĐNT theo chính sách của Quyết định 1956, trong đó ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính cho khoảng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Cũng từ nguồn tiền này, 100% các tỉnh/thành phố hoàn thành việc thành lập các Trung tâm dạy nghề cấp huyện; ban hành cẩm nang hỏi đáp, tờ rơi và phát hành đến tận thôn, bản, xã để thông tin đầy đủ, kịp thời về các chính sách đào tạo nghề cho người LĐNT. Đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ chuyên sâu để cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho người LĐNT. Ngoài ra, chọn các lớp dạy nghề theo mô hình mẫu ở các địa phương: 3-5 lớp/xã; 10-15 lớp/huyện.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất