Hiện tại, người dân đồng bằng sông Cửu Long không chỉ cùng cả nước chống Covid-19, mà mỗi ngày còn phải hồi hộp trước hiểm họa sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Trước đây, tình trạng sạt lở cũng xảy ra ở miền Tây Nam bộ, như một hiện tượng thiên nhiên. Theo dòng chảy của con sông, đất lở bên nọ thì đất bồi bên kia.
Tuy nhiên, bây giờ không còn là cây chuyện con sông bên lở bên bồi, mà con sông bên nào cũng lở. Những hộ dân sinh sống cạnh mé sông, không thể đoán khi nào ngôi nhà mình bất ngờ đổ ụp xuống và tất cả tài sản phút chốc trắng tay.
Từ năm 2014, Chính phủ ban hành Qui định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai, trong đó có vấn đề sạt lở do mưa lũ hoặc dòng chảy.
Oái oăm thay, khi không có biểu hiện mưa lũ hoành hành hoặc không có cảnh báo dòng chảy thay đổi, mà sạt lở vẫn xảy ra thì giải quyết đền bù hoặc hỗ trợ di dời ra sao? Đô thị trung tâm như thành phố Cần Thơ chỉ từ đầu năm 2020 đến nay, đã có gần 30 điểm sạt lở, tổng thiệt hại ước tính trên 16 tỷ đồng.
Còn những địa phương khác như An Giang hoặc Đồng Tháp cũng đau đầu với bài toán sạt lở bất thường. Riêng Quốc lộ 91 nhiều tháng qua liên tục phải gánh chịu hậu quả sạt lở khiến giao thông gặp không ít khó khăn.
Miền Tây Nam bộ tiếp nhận thủy lưu của sông Mê Kông khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, không chỉ hình thành hai hệ thống sông lớn là sông Hậu và sông Tiền mà còn kiến tạo hệ thống kênh rạch dày đặc.
Người dân Tây Nam bộ đã quen với sự sạt lở vào mùa mưa do lượng nước lớn đổ về từ đầu dòng Mê Kông, nhưng hoàn toàn bị động với sự sạt lở xảy ra vào mùa khô, không theo bất kỳ quy luật nào. Hiện tại, sự sạt lở không còn giới hạn hai bờ sông Hậu và sông Tiền, mà liên tục lan rộng ra những con sông nhỏ hơn như Vàm Nao, Cổ Chiên, Hàm Luông, Trà Nóc…
Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân đầu tiên gây nên sạt lở ở miền Tây Nam bộ. Liệu đó có phải nguyên nhân chính hay không?
Không, nếu quan sát kỹ sẽ dễ dàng thấy những sà lan cát ngày đêm ngang ngược vận hành trên các dòng sông. Khai thác cát một cách vô tội vạ, thì đáy sông bị hút sâu sẽ làm dịch chuyển cát hai bờ sông và sạt lở không tránh khỏi.
Hiểm họa sạt lở ở miền Tây Nam bộ đã ở mức báo động. Nếu không khắc phục được tình trạng sạt lở khu vực sông Cửu Long thì khó lòng ngăn chặn tình trạng sạt lở ở khu vực biển Tây.
Vừa lo Covid-19 vừa sợ sạt lở, người dân vùng đồng bằng trù phú thực sự đang ứng phó kép với thiên tai và dịch bệnh. Covid-19 có thể đề phòng từ xa, còn sạt lở đánh úp lúc nào không hay.
Vì vậy, có hai việc phải làm ngay cho miền Tây Nam bộ. Thứ nhất, xác lập những vị trí có nguy cơ sạt lở và có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị tác động. Thứ hai, kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm nhằm chấm dứt tệ nạn khai thác cát bừa bãi và tùy tiện.