| Hotline: 0983.970.780

Mối lo nông sản qua Trung Quốc

Thứ Tư 27/11/2013 , 09:46 (GMT+7)

Nông sản đang là kỳ vọng trong mục tiêu cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thế nhưng, đáng lo là năm 2013, chứng kiến sự tụt giảm nghiêm trọng về số lượng lẫn giá trị XK nông sản của VN sang thị trường TQ.

Nông sản đang là kỳ vọng trong mục tiêu cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam (VN) và Trung Quốc (TQ). Thế nhưng, đáng lo là năm 2013, chứng kiến sự tụt giảm nghiêm trọng về số lượng lẫn giá trị XK nông sản của VN sang thị trường TQ.

Tụt 24% giá trị

Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), rốn tập kết hàng nông sản VN trước khi XK sang TQ, mặc dù hiện tại đang là thời điểm chính vụ XK dưa hấu, chuối, bột sắn... từ các tỉnh Nam bộ nhưng không khí khá eo sèo. 8h sáng, cao điểm xe cộ chở nông sản về cửa khẩu Tân Thanh nhưng các bãi tập kết hàng quanh cửa khẩu còn khá nhiều chỗ, không còn cảnh xe tải, container dồn ứ dọc đường chờ làm thủ tục thông quan như mọi năm.

Thất thểu cầm bộ tờ khai hải quan, chị Hoàng Thị Thoa, một lái buôn lâu năm chuyên XK nông sản như chuối, dưa, lạc... tại Khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh ngán ngẩm cho biết: Khởi đầu vụ XK dưa hấu năm nay, chị bắt đầu đánh lô hàng đầu tiên xuất sang TQ từ giữa tháng 11/2013, đến nay đã gần nửa tháng nhưng mới xuất được chưa đầy 40 xe, oái oăm là có gần 10 xe chở sang thì bị trả quay đầu về, phải chở quay lại xuống chợ TP.Hải Dương bán nội địa, lỗ gần chục triệu mỗi chuyến.

Theo chị Thoa, mùa XK dưa hấu chính hàng năm cho các tỉnh phía Nam sang TQ khởi đầu từ cuối tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Riêng chị Thoa trung bình mỗi năm XK tới 4.000 chuyến xe tải dưa hấu sang TQ (mỗi xe từ 25 đến 30 tấn), chủ yếu nguồn hàng đặt từ Bình Định.


Hàng nông sản VN chờ XK sang TQ tại cửa khẩu Tân Thanh

Năm 2012, ngay đầu vụ XK dưa thương lái phía bên kia TQ gọi hàng ời ời. Cả Khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh có tới hơn 10 lái buôn chuyên XK dưa hấu sang TQ, cửa khẩu phải mở thêm giờ xuất hàng cũng không kịp.

Năm ngoái, dù tỉ giá nhân dân tệ khá cao nhưng giá dưa hấu xuất tới tay bạn hàng phía bên kia biên giới trung bình lên tới 1,8 – 2 tệ/kg (tương đương 6.000 đến 6.500 đồng/kg), đầu vào cuối vụ XK khan hàng có thời điểm tới 3 tệ/kg. Thế nhưng mới vào đầu vụ XK dưa hấu năm nay, dưa hấu loại đẹp phía TQ chỉ chấp nhận mua với giá 1,2 tệ/kg, giảm hơn 30% so với đầu vụ năm ngoái.

Không chỉ dưa hấu XK giảm mạnh cả lượng lẫn giá bán, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực XK qua TQ tại các cửa khẩu Lạng Sơn cũng tụt nghiêm trọng.

Thống kê của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh cho thấy, tính tới ngày 20/11/2013, tổng sản lượng hàng nông sản XK qua cửa khẩu Tân Thanh và 3 cửa khẩu tiểu ngạch địa bàn huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn, gồm cửa khẩu Nà Nưa, Bình Nghi và Na Hình – địa bàn XK nông sản chính qua TQ) chỉ đạt hơn 19,4 triệu tấn, giá trị ước đạt 309 triệu USD, giảm tới 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

Trong đó, mặc dù chưa có con số chính thức nhưng theo đánh giá ban đầu, sản lượng và giá trị XK giảm mạnh nhất hầu hết đều rơi vào các mặt hàng nông sản XK chủ lực như sắn lát và tinh bột sắn, chuối quả tươi, dưa hấu, thanh long... Trong khi đó theo nhận định của các lái buôn tại Khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, tình hình XK nông sản từ nay đến Tết Nguyên đán khó có khả năng khởi sắc.

Chẳng biết đường nào mà lần

Từng nhiều năm công tác và theo dõi XK nông sản tại các cửa khẩu tiểu ngạch ở Lạng Sơn, ông Chu Bá Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh đúc rút: Ngoài một vài loại hoa quả như nhãn, thanh long và bột sắn XK tương đối ổn định, còn lại hầu hết các loại nông sản khác XK rất lớn qua TQ như chuối, vải, dưa hấu, khoai, rau củ khác... luôn luôn phập phù. Hình ảnh dưa hấu, vải vứt be bét ở cửa khẩu, phải chở về đổ đi đã trở thành câu chuyện quá cũ, năm nào cũng xẩy ra.

Theo ông Toàn, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này chính là do chúng ta quá lạm dụng sự dễ dãi trong việc XK nông sản tiểu ngạch sang TQ, dẫn tới sự bị động, bị thương lái phía TQ muốn bắt chẹt kiểu gì cũng được.

Trước đây, cứ mỗi mùa thu hoạch vải, dưa hấu, hễ nghe tin phía TQ mua hàng được giá là tư thương dưới xuôi ào ạt đánh xe lên cửa khẩu chào bán như chợ trời. Có đợt hoa quả tuồn lên quá tải, hải quan cửa khẩu phải sang hải quan phía bạn “nài nỉ” cho mở cửa cửa khẩu thêm vài giờ đồng hồ để hàng bên này tuồn sang bên kia bán đổ bán tháo.

Thấy nhiều hàng, lái buôn TQ dìm giá, thậm chí không mua là buộc phải đổ đi. Bây giờ thì có khá hơn bởi tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh đã dần hình thành được mạng lưới hàng trăm thương lái XK chuyên nghiệp làm trung gian. Bao giờ bạn hàng phía TQ cần, họ mới yêu cầu các chủ hàng dưới xuôi chở lên nên tình trạng ách tắc có phần thuyên giảm.

Tuy nhiên về cơ bản, do thương lái hai bên chẳng có ràng buộc gì về pháp lí nên tình trạng nông sản phía VN chuyển sang bên kia biên giới, lại bị trả về vẫn xẩy ra như cơm bữa.

Hiện nay, lượng hàng nông sản XK qua cửa khẩu Tân Thanh theo con đường chính ngạch dạng hợp đồng XK cố định thường chỉ chiếm 20% tổng lượng hàng nông sản XK qua TQ, trong đó hầu hết là bột sắn. Còn lại các mặt hàng nông sản tươi sống về cơ bản vẫn XK theo kiểu bán chợ. Điều này khiến rủi ro rất lớn.

Nhận định về tình hình ảm đạm của giá dưa hấu đầu vụ XK năm nay, một lái buôn tại cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Dưa hấu miền Trung năm nay xấu do ảnh hưởng mưa bão nên giá tụt một phần, nhưng bây giờ mới đầu vụ, bên TQ hàng còn khan lắm, nhưng bởi họ mua hay không là quyền của họ, có khi họ cứ giữ giá thế nghe ngóng tình hình rồi mới tăng cũng nên.

“Thường thì những chuyến hàng bị trả về hầu hết là do họ chê dưa mình thu hoạch hoặc chín quá, hoặc non quá. Mà cái đó chủ buôn trên Tân Thanh làm sao có thể giám sát việc thu hoạch của nông dân tít trong Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định? Người trồng, thu hoạch một kiểu, chủ buôn phía TQ họ yêu cầu một kiểu, khổ là chỗ đó!” – vị này ngao ngán.

Nói về sự phập phù của nghề XK nông sản qua TQ, lái buôn Hoàng Thị Thoa ngán ngẩm bảo: Làm ăn với người TQ chẳng biết đâu mà lần. Cùng một mặt hàng, hôm nay đang cho mở cửa khẩu này, đột nhiên ngày mai họ đóng, bắt chuyển qua cửa khẩu khác. Có khi họ gọi điện qua bảo chuyển hàng qua, thế nhưng chở hàng qua bên kia biên giới rồi, gọi điện mãi họ vẫn mất tăm, mình cũng đành chịu bó tay chở hàng về.

“Năm ngoái tôi còn XK lạc củ, bình thường họ đâu cần gì, rồi đột nhiên có khi lại bảo yêu cầu phải có hồ sơ C.O (truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa), hàng thì nhập rồi, đâu có thể quay lại làm C.O được?” – chị Thoa ngao ngán.

+ “Về quan hệ kinh tế với TQ, rõ ràng không thể chúng ta cứ mãi XK nông sản tiểu ngạch, mà cần phải đưa vào quy củ, bởi buôn bán tiểu thương giữa hai bên bản chất đều vụ lợi như nhau chứ chẳng riêng gì tiểu thương TQ. Lâu nay chúng ta phàn nàn làm ăn với TQ hay bấp bênh rủi ro, cái đó cũng do XK tiểu ngạch mà ra, bởi chẳng có luật lệ nào.

Muốn có XK chính ngạch thì chỉ còn cách thực hiện đúng các quy định quốc tế, yêu cầu chất lượng hàng hóa, hàng rào kỹ thuật mà bạn đưa ra mà thôi. Các ngành hàng quan trọng có tính chủ lực, thậm chí phải ký kết các thỏa thuận hợp tác, tín dụng thư... XK hẳn hoi, chứ không thể lúc nào thích xuất là xuất” – nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.

 

 

+ “XK nông sản làm xuống cấp hạ tầng, giao thông khu vực cửa khẩu rất lớn. Vì vậy, việc mở rộng và nâng cấp các cửa khẩu tại biên giới TQ, đặc biệt tại biên giới Lạng Sơn đang là yêu cầu cấp bách nếu chúng ta muốn đẩy mạnh XK nông sản, bởi nông sản chủ yếu đi qua các cửa khẩu Lạng Sơn.

 

Hiện nay vào các vụ XK nông sản chính, cửa khẩu gần như quá tải, bến đỗ quá chật chội. Đó là chưa nói để chở nông sản tới các cửa khẩu tiểu ngạch, quãng đường chỉ 20 – 30km nhưng phải mất hàng ngày trời, hao tốn phí vận tải ghê gớm do đường sá xuống cấp trầm trọng” – ông Chu Bá Toàn, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm