Thu hút sự tham gia của gần 2.200 đại biểu gồm học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và đoàn thể nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc |
Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, mỗi năm nước ta có khoảng hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện và cướp đi từ 3.000 – 4.000 sinh mạng người Việt Nam. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Theo thống kê, có hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Trong khi đó, hiện nay mới chỉ có 131.600 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV (đạt khoảng 70% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV). Như vậy, vẫn còn khoảng 60.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV chưa tham gia điều trị ARV.
Bộ trưởng cũng ghi nhận những kết quả mà phong trào phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được, tuy nhiên vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Số người nhiễm mới HIV đang gia tăng trong một số nhóm người có nguy cơ cao; công tác dự phòng HIV – chìa khóa để kết thúc dịch AIDS vẫn còn nhiều khoảng thiếu hụt và cần được quan tâm hơn; tiến trình chuyển đổi dịch vụ điều trị HIV sang nguồn Bảo hiểm y tế và hòa nhập vào hệ thống y tế chung vẫn đang tiếp tục với những khó khăn tiềm tàng; nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được đầy đủ tới các dịch vụ phòng chống HIV và tiếp tục bị kỳ thị, phân biệt đối xử…
Bộ trưởng cũng kêu gọi lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể TW và UBND dân các tỉnh, thành phố, các tổ chức xã hội, ngành y tế và mỗi người dân cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để mọi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng không bị lây nhiễm HIV. Đồng thời hành động để người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV, người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV sớm; Hành động để mọi người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế để có thể điều trị HIV/AIDS lâu dài và bền vững.
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam cho biết, trong năm 2018, Việt Nam đã triển khai thành công nhiều sáng kiến mới để người dân có nhiều sự lựa chọn hơn cũng như tiếp cận được dễ dàng hơn tới các dịch vụ phòng chống HIV. Những sáng kiến mới này bao gồm xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng HIV trước phơi nhiễm (PrEP), đa dạng hóa các dịch vụ như điều trị methadone, cung cấp bơm kim tiêm sạch, xét nghiệm tải lượng HIV, và tăng cường nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Đặc biệt là “bước ngoặt” lịch sử khi sắp tới đây Việt Nam sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ điều trị kháng HIV do Bảo hiểm y tế chi trả sẽ tạo điều kiện cho những người đang điều trị kháng HIV được dễ dàng sử dụng cả các dịch vụ chăm sóc y tế khác ngoài HIV.