Phát biểu tại phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, sáng 19/9, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn về SGK và sự lãng phí trong in ấn. Có ý kiến cho rằng, nhà in không thể tự in mà có thể được đặt hàng từ người biên soạn. Cử tri nghi ngờ có lợi ích nhóm trong độc quyền SGK.
Bà Lê Thị Nga cầm cuốn sách Toán lớp 1 ra giữa phiên họp để nói SGK dùng một lần là tốn kém |
Báo cáo Thẩm tra do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho biết, Bộ GD-ĐT đã thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; đề án đổi mới cơ bản được thực hiện theo lộ trình.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, vẫn còn nhiều băn khoăn về tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện Nghị quyết vì báo cáo chưa nêu được kết quả cụ thể cũng như chưa đánh giá rõ mức độ hoàn thành từng công đoạn trong tổ chức thực hiện.
Tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn chưa được khắc phục, công tác sửa đổi, phát hành SGK còn nhiều bất cập. Dự thảo đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2035 không được công khai để lấy ý kiến người dân. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chưa gắn với quy hoạch phát triển KT - XH, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết 29/TW.
Bày tỏ chia sẻ với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rằng lĩnh vực này được người dân rất quan tâm vì đụng đến nhiều người, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng băn khoăn về sự lãng phí trong in ấn SGK.
“Nghị quyết 88 của Quốc hội ghi rõ một chương trình nhiều bộ SGK nhưng thực tiễn có tiết kiệm trong việc in ấn SGK không?”, bà Nga đặt câu hỏi và cho biết hiện có nhiều dư luận nghi ngại liên quan tới độc quyền trong hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục và đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT làm rõ điều này.
Bà Nga cầm cuốn sách giáo khoa môn Toán lớp 1 giơ lên và bảo nhìn rất khác lạ. Trước đây bài tập riêng, SGK riêng. Bây giờ, toán lớp 1 luyện tập chung với SGK. Các cháu làm bài tập, nối hình, kẻ thêm hình, ghi bài tập vào trong đó. Như thế này đương nhiên là khoá sau không dùng được.
“Mỗi một năm khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội mất khoảng 1.000 tỉ đồng nhưng đến năm sau không dùng được nữa. Bộ GD-ĐT phải tiến hành rà soát lại việc này”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga thẳng thắn.
Tiếp ý kiến của bà Nga, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, vấn đề SGK dùng một lần bà đã trực tiếp trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khóa trước, và nhiều ĐBQH, cử tri cũng đã nói. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cứ nói đấy không phải SGK mà chỉ là sách bài tập, sách tham khảo.
“Tôi không muốn đưa ra nhiều sách như chị Nga nhưng qua tìm hiểu thì nhiều sách có các bài tập, ô trống, các đường nối, đường kéo…”, bà Hải nói và nhấn mạnh giá mỗi cuốn sách chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng nhưng lại ảnh hưởng tới muôn nhà, khi hiện nay cả nước có tới 15,6 triệu học sinh. Đề nghị Bộ trưởng tổ chức thanh tra ngay vấn đề này, liệu có biểu hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành SGK hay không?
Bà Hải phân tích trước đây SGK không làm như hiện nay là đưa vào các bài tập, hình vẽ... “Nhà in không thể tự in mà có thể được đặt hàng từ người biên soạn. Chưa kể giấy rất phí, ảnh hưởng tới môi trường. Ở Mỹ, sử dụng lại SGK và việc sử dụng lại SGK cũng nhằm rèn luyện, uốn nắn học sinh đức tính tiết kiệm, cẩn thận cho học sinh. Ngày xưa có ai dám viết vào sách đâu. Tôi còn biết, có rất nhiều trường cho viết bằng bút chì vào đó để tẩy đi, sang năm dùng tiếp, như thế rất ảnh hưởng tới người dân và cũng rất mất công”, bà Hải nói.
Đặc biệt, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ GD-ĐT làm rõ việc phát hành sách tham khảo. Có hay không việc ép học sinh mua sách tham khảo. Có phụ huynh nhắn tin cho tôi nói là sách tham khảo mua từ đầu năm cuối năm không dùng gì cả, còn mới tinh. Bộ trưởng phải tổng kết đánh giá việc thực hiện trong thời gian vừa qua. |