| Hotline: 0983.970.780

Mỗi ngày cả nhớ lẫn quên

Thứ Bảy 16/09/2017 , 14:17 (GMT+7)

Đang ngồi gõ lọ mọ trên phòng thì anh Nguyễn Tập gọi hỏi, “Hữu đâu?”, “Em viết ở cơ quan”. “Đợi anh xíu”. Nguyễn Tập đợi dưới tán cây cổ thụ trước cơ quan, nón bảo hiểm trên đầu cười tươi, tay chìa ra quyển sách mới in “Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero”, một quyển du ký.

08-23-43_trng_36

Tập lành tính, hiền khô. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc tại TP.HCM rồi sang Mỹ học tiếp ngành báo chí của Đại học Houston, tiếp nữa làm thường trú tại Thái Lan của Báo Thanh Niên.

Tập tài hòa, tóc bồng bềnh lãng tử, chơi guitar rất hay, chân đi không mỏi. Tập kể chậm rãi, từ tốn, “Giấc mơ Nam Mỹ đã hấp dẫn tôi từ ngày bé, bởi những cô hoa hậu thế giới nóng bỏng người Venezuela, bởi vua bóng đá Maradona… Nhưng từ Việt Nam đến Nam Mỹ xa diệu vợi, nên giấc mơ đó đành gác lại vô thời hạn. Năm 2006, tôi qua Mỹ học, tình cờ được xem cuốn phim “Nhật ký xe máy” (Motocycle Diaries) kể về chuyến du hành dọc Nam Mỹ của Che Guevara khi còn là cậu sinh viên y khoa năm cuối. Cuốn phim đã đánh thức giấc mơ xưa. Thế là tìm tài liệu đọc và biết thêm Nam Mỹ còn có nền văn minh Inca quá lẫy lừng. Đọc lai rai, chuẩn bị tư liệu trong một năm, và tôi lên đường”.

Cái phim “Nhật ký xe máy” rất hay, rất yêu. Ai có thời gian nên xem một chút để hiểu nhiều điều, để thấy tuổi trẻ quý giá như thế nào, để thấy những cơn lãng mạn mãi mãi ở lại với tuổi trẻ như thế nào, để thấy thời mà ta sung sức nhất, hồn nhiên nhất hạnh phúc ra sao.

Viết đến đây lại nhớ nhà thơ Thanh Tùng, Thanh Tùng khuôn mặt đã phảng phất thơ ca rồi huống hồ là đến tác phẩm, “Quán ngập lá và mắt em đen thế / Rượu không say chỉ đủ để buồn thôi”, “Anh đâu buồn mà chỉ tiếc / Em không đi hết những ngày đắm say”…

Ngồi trong quán vắng, nói những câu chuyện không đầu không cuối, nhà thơ Thanh Tùng vỗ vai bảo khẽ khàng, “Như cậu là thích, tuổi trẻ là thích”. Mình cười cười, “Như bác mới thích, thi sĩ lừng danh mới thích”. Hơn mười năm trôi qua, khi nhìn vào gương đã thấy tóc lòa xòa sợi bạc mới thấy câu nói của nhà thơ Thanh Tùng đúng quá, duy chỉ có tuổi trẻ là thích thôi. Cái giấc mộng vàng son ấy vĩnh viễn không quay trở lại nữa rồi, vĩnh viễn đã trôi về miền vô thanh vô ảnh rồi, vĩnh viễn không còn nhớ mỗi sớm mai thức dậy nhiệt thành nữa rồi.

Mấy hôm trước sang nhà bác Thanh Tùng chơi, uống vang rỉ rả. Căn phòng gỗ nghe tiềng rào rào của mối, nắng xiên xiên ngoài ngõ, cũng không biết phải nói gì. Thanh Tùng kể về những bài thơ đầu tiên, kể về những trúc trắc phận người, kể giọng buồn buồn rồi khóc cũng buồn buồn, mình nghe cũng buồn buồn theo.

Những năm xưa còn khỏe khoắn, Thanh Tùng hay bình thơ trên tờ Kiến Thức Gia Đình. Mình trẻ con, mỗi tuần chạy sang tòa soạn ngồi viết vặt, lần nào nhìn thấy Thanh Tùng đều cung kính cúi đầu chào. Người đàn ông này tài hoa quá đỗi, người đàn ông này trời cho nhiều quá đỗi, vậy mà vẫn buồn. Thi sĩ hay thế nhỉ, làm sao cũng buồn. Nói kiểu như anh Trần Nhã Thụy vẫn nghịch, “Ừ thì đời buồn buồn vui vui”.

Anh Lưu Đình Triều rủ anh Lê Minh Quốc với mình đi uống bia. Quán quen, người cũ thật thú vị. Cuộc đời của anh Triều nhiều biến cố, may mà vẫn giữ được cái tình rất tình và cái giọng cũng rất tình. Anh Triều vừa tuyển chọn in quyển “Lưu Quý Kỳ - Người nghệ sĩ tài hoa độc đáo”. Lưu Quý Kỳ là thân sinh của anh Lưu Đình Triều, ông là nhà văn nhà báo dấn thân mạnh mẽ, ông đúng là một trí thức của thời đại trước thời cuộc. Khi ông mất đi, Ban tổng thư ký Hội Nhà báo Quốc tế ghi nhận, “Mất nhà báo Lưu Quý Kỳ, phong trào báo chí dân chủ quốc tế mất một trong những người đại diện đáng kính nhất”. Ông là một người cộng sản chân chính.

Hôm nào đó cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng viết về ông đầy trân trọng, “Lưu Quý Kỳ - người anh trong làng báo Việt Nam" kể lại kỷ niệm về buổi chiều đầu tiên đi nghe Lưu Quý Kỳ diễn thuyết ở vùng giải phóng miền Tây năm 1950 và: "Giờ đây, tôi đang đọc tác phẩm của anh (Lưu Quý Kỳ). Mặc dầu anh đi xa hơn 20 năm rồi, tác phẩm và tên tuổi của anh vẫn nằm trong lòng những người yêu quý. Đọc anh, tôi có thêm một điều bất ngờ, anh là người miền Trung, nhưng hiểu về phong thổ, về địa lý, về sông rạch của Nam Bộ rất rành rẽ. Đặc biệt hơn và sâu sắc hơn là hiểu về con người Nam Bộ với một tấm lòng ưu ái. Mỗi bài viết của anh đều có những chi tiết không thể quên".

Đời sống nhiều kỳ lạ, nhà văn nhà báo Lưu Quý Kỳ bên này anh Lưu Đình Triều bên kia, cha con hai lối chỉ tình thân mới thật ruột rà. Mấy lần ngồi cùng anh ướm lời mình có hỏi, “Ông cụ với anh có nói điều gì khác ngoài tình thân không?”. Anh Triều kể, “Ba hỏi anh rồi giờ tính đi làm gì, cái hồi thống nhất đất nước”. Anh trả lời, “Con muốn đi làm báo”. Ông Lưu Quý Kỳ suy nghĩ hồi lâu rồi nói một điều gì khác, vậy mà tài hoa dường như di truyền, Lưu Đình Triều trở thành nhà báo nổi danh.

(Kiến thức gia đình số 36)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất