| Hotline: 0983.970.780

Mỗi ngày thu... một triệu

Thứ Tư 14/12/2011 , 09:53 (GMT+7)

Ông Lượng chia sẻ: "Bây chừ, trừ tất tần tật đến đồng bạc lẻ của chi phí thì tui cứ thu về đủng đỉnh mỗi ngày một triệu đồng từ cơ sở chế biến mủ cao su..."

Ông Trần Viết Lượng: “Bây chờ có mưa bão chi chi thì tui cũng cứ cất vô tủ mỗi ngày một triệu đồng”

Ông Trần Viết Lượng (thị trấn Nông trường Việt Trung - Bố Trạch - Quảng Bình) nheo mắt nhìn tôi rồi cười. Người ông như toát lên vẻ bí hiểm trong kiểu ngồi nghiêng nghiêng trên ghế.

 

Mà thật, nhìn ông là thấy sự quai quái nào đó chứ không thuần chất là nông dân thứ thiệt. “Cũng chẳng có chi to tát mô anh. Bây chừ, trừ tất tần tật đến đồng bạc lẻ của chi phí thì tui cứ thu về đủng đỉnh mỗi ngày một triệu đồng từ cơ sở chế biến mủ cao su”, ông Lượng nói.

Người tiên phong

Sau ly nước trà thơm lừng, tự tay ông pha mời khách là câu chuyện. Ông cứ bộc bạch hết gan ruột. Chẳng giấu điều chi. “Thì chuyện nhà mình có chi bí mật mô mà. Kể ra, nếu có ai học hỏi được điều chi thì vận dụng để vươn lên cũng là điều mừng chớ” - ông nói vậy rồi cười bằng mắt.

Những năm 1990, khi cái đói đang còn lẩn khuất trong mọi ngõ ngách thì ông lại xin nghỉ việc ở nông trường về làm vườn. Cái lý duy nhất để ông bỏ ngang xương suất biên chế nhà nước để về là con đông, không một tấc đất thì làm sao mà đủ được cái ăn. Vào lúc đó vùng thị trấn còn lắm nơi hoang vu và khu đất gần đập Đá Mài còn đầy lau lách, cây dại, gai phủ kín ngút đầu người. Ông cùng bà vợ mang theo đàn con nheo nhóc tìm về nơi đây lập nghiệp. Nói lập nghiệp cho oai, chứ tương lai như vô định giữa rú rừng, nắng và gió Lào ngùn ngụt lửa.

Ông nhớ lại: “Cái khó ló cái khôn, vừa khai hoang đất để trồng rừng vừa trồng những cây ngắn ngày để tồn tại trên diện tích được coi là đủ lớn lúc ấy, 20 ha. Và một thứ cây ngắn ngày mà tôi đi tiên phong trên vùng đất này - cây dưa hấu”. Để tận dụng đất dưới vườn cao su ông về xã Lý Trạch (nơi có truyền thống trồng dưa hấu của huyện Bố Trạch) tìm đến nhà ông Luyện, một người được bà con trong vùng coi như là “chuyên gia đầu ngành” về dưa của làng.

Sau một câu hỏi thăm, giới thiệu, ông Lượng cầm tay ông Luyến đưa lên rồi vỗ đánh bộp giọng chắc: “Tôi có đất, có sức lao động. Anh có kinh nghiệm. Ta phối hợp trồng dưa xen cao su. Tôi chắc là chơi kiểu gì cũng được ăn. Năm đầu, lãi chia ba, anh hai, tui một. Năm sau thì chia đều. Được chưa”. Ông Luyện không nói gì. Ông Lượng xin phép về. Sáng sớm hôm sau, đã thấy ông Luyện đứng trước căn nhà xập xệ của ông Lượng. Trong cái túi vải mang theo có một túi giống hạt dưa to tướng, bộ quần áo bảo hộ và một bó chè xanh...

Mấy vụ liền, ông liên tiếp thắng lớn vì trúng cả mùa dưa lẫn giá. Thương lái đến đặt tiền trước tại chân ruộng dưa. Kỳ thu hoạch thì sướng rơn người. Một vốn, mười lời, bán ruộng dưa, tiền cứ thu về từng bó. Nguồn thu này, ông để dành phần lớn cho nghiệp phát triển cao su. Chừng được dăm năm, khi mọi người thấy trồng dưa xen cũng bở ăn nên ai cũng làm theo. Chạy xe máy gần ngày trời thấy đâu cũng dưa xanh mướt mát, ông Lượng quyết định dừng, không trồng dưa nữa.

Vụ tiếp theo đó, thương lái không ăn vì sản lượng dưa nhiều quá. Giá mua cứ tụt liên tục, dưa đổ tràn ra cả đường đi. Khi rừng cao su đã khép tán, có diện tích cho khai thác, ông lại nghĩ ra chuyện làm dịch vụ mua bán mủ cao su. Lúc này là câu hỏi mua của ai, bán cho ai ám ảnh ông. Để trả lời, ông đã có những chuyến đi như con thoi vào Đà Nẵng, ra Hà Nội. Thậm chí, ông còn kẹp cậu con trai đi bằng đường “tiểu ngạch” qua tận Trung Quốc để học và “ăn cắp” công nghệ mua, bán, sơ chế mủ cao su.

 Một tiếng Tàu bẻ đôi cũng không biết. Vậy mà, lăn lộn cả tháng trời, hai bố con ông cũng tìm ra được. Về nhà, ông mở đại lý thu mua mủ tươi, đóng thùng thuê xe chở ra biên giới phía Bắc. Sau hai năm theo những xe mủ cao su nặng lặc lè đi rao bán khắp trong Nam ngoài Bắc, bên kia biên giới, nhưng khi tính toán lại thì chẳng lãi lờ bao nhiêu. Thậm chí có hôm, ông Tiểu khu trưởng gọi ông lên quở trách: “Không biết bác làm cực nhọc vậy có được chút lãi mô không, nhưng tuyến đường liên thôn đã bị xe tải nặng chở hàng cán nát như nồi cháo heo rồi”.

Đồng lãi ít, lại bị mắng mỏ, ông Lượng như sáng lên trong đầu. Tại sao không chế biến mủ tươi thành hàng đi bán? Sau một tháng đi xem người ta làm nhà máy, ông dành vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng để có một nhà máy chế biến mủ cao su rồi xin bổ sung ngành nghề kinh doanh với nội dung: chế biến mủ cao su SVR 10, SVR 3L.

Hỏi về hiệu quả của nhà máy này, ông trả lời ngắn gọn cứ sản xuất đều, 5 tấn mủ cốm/ngày, lãi ròng 200 ngàn đồng/tấn. “Nhà máy thì cứ mỗi ngày lãi một triệu, cộng thêm vườn cao su khai thác, thêm vườn tiêu trên 1.200 gốc, tính ra thì chốt con số thu mỗi ngày trên 5 triệu đồng” - ông Lượng cười lới phới cho biết con số thu của gia đình. Ngoài ra, khoảng 10 lao động làm trong xưởng được ông trả lương từ 3-5 triệu đồng/tháng tùy theo công việc được giao. 

Trong phân xưởng sản xuất sơ chế mủ cao su của gia đình ông Lượng

Chia nồi cơm cho người khác...

Bây giờ công việc tại nhà máy đã có cậu con trai thay bố điều hành, ông chỉ lo tầm “vĩ mô” trên chiếc ô tô 4 chỗ mới tậu, tự ông lái lấy. Điều ông tự hào nữa là con cái ông đã khôn lớn, mấy đứa ra riêng ông cắt cho vài ha cao su độ tuổi khai thác làm vốn.

Ông Nguyễn Đức Phong - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung cởi mở: “Trên vùng đất này, gia đình ông Trần Viết Lượng được coi là đón đầu với cách làm ăn, đầu tư có hiệu quả. Bởi lẽ, ông Lượng thực sự là con người năng động với sự mới mẻ trong tư duy làm ăn và theo đó là một tấm lòng nhân hậu. Hàng năm, ông cũng đã đóng góp cho công tác nhân đạo, từ thiện hàng chục triệu đồng”.

Đưa chúng tôi đi một vòng quanh cơ sở chế biến, ông Lượng chỉ tay sang vạt cao su bên mé đồi: “Gần 3 ha đó là tôi tặng cho cậu Lân bị tàn tật, đông con. Giờ thì kinh tế khá lên rồi. Còn hai cái hồ nước rộng đó là khu xử lý nước thải của xưởng sản xuất, đầu tư gần 1,5 tỷ đồng. Giờ thì môi trường trong lành hơn rất nhiều”.

Chuyện “cắt” rừng cao su cho người khác của ông Lượng thì ai cũng biết. Hồi đó, một lần vào bản Khe Ngang có việc, đi qua thấy nhà anh Lân sắp sập, chủ nhà bị tai nạn què chân nằm còng queo bên bếp lửa tàn. Năm đứa trẻ thiếu ăn, người cứ còi ra ngồi xung quanh bố khóc ỉ on.

 “Mình không tạo cho nó con đường chắc nhà nó chết đói mất thôi” - ông thầm nghĩ. Ngày sau, ông Lượng chở vô cho chục cân gạo và kêu anh Lân tập tễnh dậy đi ra vạt cao su đã khép tán của gia đình. Ông Lượng vác rựa vạch một đường trên mặt đất: “Đó, cho gia đình chú mấy ha cao su. Ráng mà mần ăn, thiếu gạo thì cứ ra mượn, sau này trả. Giữ được rừng đó là nuôi được con ăn học”. Nhà anh Lân giờ thuộc diện khá giả của bản Khe Ngang, các con được học hành tử tế.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm