| Hotline: 0983.970.780

Mỗi tàu thép, mỗi cột mốc chủ quyền

Thứ Sáu 12/09/2014 , 09:00 (GMT+7)

Ngày 11/9, tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản./ Không chuyển đổi hết sang tàu vỏ thép bằng mọi giá

Hội trường như sôi động hẳn lên khi có mặt của các ngư dân Quảng Trị vừa trở về từ Hoàng Sa, Trường Sa. Các ngư dân chia sẻ rằng với thời hạn cho vay vốn đóng tàu vỏ thép đến 10 năm thì chắc chắn ai cũng sẽ trả hết gốc và lãi cho nhà nước.

Nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu gần 7 lần

Ngư dân Mai Văn Dũng ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh tiếc hùi hụi kể rằng phải bỏ lưới và cá chạy lấy người vì bị tàu Trung Quốc tấn công ngoài khơi. Ông Dũng quả quyết, giá như khi đó tàu của ông được làm bằng vỏ thép, công suất hơn 400CV thì sẽ ngênh lại ngay.

Ông Nguyễn Văn Bài, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị, khẳng định NĐ 67 được coi là động lực mạnh mẽ đối với sự phát triển của ngành thủy sản mà trọng tâm là phát triển đội tàu đánh cá xa bờ, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước. Ngay khi NĐ 67 ra đời, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã hướng dẫn các đơn vị chức năng và các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nghị định đến các đơn vị, tổ chức liên quan, các ngư dân khai thác hải sản xa bờ trong tỉnh.

Theo ông Bài, tỉnh Quảng Trị hiện có 2.279 tàu cá xa bờ với tổng công suất 69.500 CV, chủ yếu tàu có vỏ bằng gỗ. Trong đó tàu cá xa bờ công suất 90 CV trở lên là 178 chiếc, chiếm 7,9%. Con số tàu khá khiếm tốn cùng với tình hình trên biển Đông thời gian qua phức tạp nên ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và sản lượng đánh bắt của nhiều hộ ngư dân.

Vì vậy, triển khai đóng mới tàu cá vỏ thép công suất lớn 400 CV là mong muốn của nhiều ngư dân. Việc thực hiện đề án hỗ trợ lãi suất, phát triển tàu cá xa bờ và thực hiện NĐ 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được Quảng Trị triển khai thực hiện sớm.

Đến nay, nhu cầu đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá lên công suất 400CV và hơn nữa ở Quảng Trị là rất lớn. Theo kế hoạch phân bổ của Bộ NN-PTNT thì Quảng Trị được 32 chiếc, nhưng bà con ngư dân và các nhóm hộ ngư dân đã đăng ký đến 215 chiếc, gấp 6,7 lần.

Phải đóng tàu dài hơn 30 m mới đủ sức

Ngư dân Hồ Minh Tiến ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh trăn trở giấc mơ tàu vỏ thép để ra khơi đánh bắt thủy sản đã có trăm năm với ngư dân vùng biển nước ta. Nhưng vì đời sống kinh tế, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nên có lẽ không nhiều người dám hy vọng. 

Muốn có năng suất cao, đánh bắt được nhiều cá không thể không nâng cấp tàu cá. Đặc biệt, ở vùng biển Đông nhiều gió bão, những con tàu gỗ nhỏ bé, công suất thấp, tốc độ chậm sẽ không đảm bảo an toàn cho những người cả đời sống với biển.

Do vậy, ông Tiến mong muốn nhà nước vừa cho vay tiền đóng mới tàu vỏ thép lại vừa cho vay nâng cấp tàu có công suất nhỏ và vừa lên càng lớn càng thể hiện được sức mạnh hiện hữu trên biển. Tàu ông Tiến chỉ có công suất 168 CV.

Khi ra đánh cá ở Hoàng Sa, Trường Sa nhìn lại thấy tàu mình khiêm tốn quá, chịu không nổi sức gió cấp 5 và 6, huống gì gặp các trường hợp phức tạp giữa biển thì làm sao thể hiện được sức mạnh. Ông Tiến nói đóng tàu to bằng vỏ thép ở dài ngày trên biển ngoài việc mang lại giá trị kinh tế lớn thì còn để người khác nhìn vào phải thấy rằng mỗi một chiếc tàu là mỗi cột mốc chủ quyền của Việt Nam.

Ông Võ Văn Thụ, một chủ tàu ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh ví von NĐ 67 của Chính phủ nhanh, mạnh mẽ, như một con tàu vỏ thép khổng lồ vượt sóng siêu tốc ra khơi. Ông Thụ lý giải khả năng của tàu vỏ thép là vượt trội hơn hẳn tàu gỗ.

Về độ bền, tuổi thọ, chịu đựng khá tốt khi bị va đập mạnh, đảm bảo độ kín nước, chịu sóng gió cao hơn, có công nghệ bảo quản hiện đại và có thời gian làm việc ngoài biển dài hơn, công suất đánh bắt cao hơn hẳn.

Theo ông Thụ phải định hướng cho lâu dài, đầu tư hiệu quả để đóng những con tàu vỏ thép có độ lớn, tàu phải dài từ 30m đến 35m, 37m, rộng từ 6 đến 7m mới đủ mạnh, khi ra biển đông mới chịu được gió cấp 6 và cấp 7, còn tàu đóng mới mà chỉ dài 25m là nhỏ và ngắn .

Với máy tàu thì nhiều ngư dân đề nghị nên sử dụng máy của Nhật hay Mỹ sản xuất, không sử dụng máy xuất xứ của Trung Quốc vì không bền bằng máy móc các nước tiên tiến. Thực tế ngư dân Quảng Trị từng mua các loại máy của Nhật và Mỹ sản xuất đã qua sử dụng chỉ còn 80 đến 90%, nhưng tốt hơn nhiều các tàu trang bị máy mới của Trung Quốc.

Về ý nghĩa của chính sách, ông Nguyễn Văn Bài - GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị nhắc lại từ năm 1997, Chính phủ đã triển khai thực hiện chương trình đánh bắt xa bờ theo QĐ 393. Tuy nhiên, đã có quá nhiều nợ đọng, nợ xấu, tổn thất, rủi ro vì cho vay theo kiểu bao cấp của chương trình ấy.

Lần này, theo NĐ 67 của Chính phủ làm phải hiệu quả, công bằng, hợp lý nhưng cũng phải đề phòng sự ỷ lại của người dân vào chính sách. Nhà nước khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ và đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế lên trên hết. Nhà nước không cho vay ưu đãi tràn lan, chỉ người có nghề cá hoạt động hiệu quả, có phương án sản xuất cụ thể... mới cho vay.

Trong thời gian hai năm từ 2014 đến 2016, tỉnh Quảng Trị sẽ thực hiện hoàn thành đóng mới số tàu vỏ thép như phân bổ kịp giúp các ngư dân. Ngày không xa nữa, bà con ngư dân sẽ có những con tàu vỏ thép, và cũng sẽ còn đó những con tàu gỗ truyền thống ra khơi phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền tổ quốc.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất