| Hotline: 0983.970.780

Môi trường sư phạm bị vấy bẩn vì gian lận thi cử

Thứ Bảy 26/10/2019 , 07:05 (GMT+7)

Chua chát và cay đắng, đó là cảm giác chung của mọi người về hai phiên tòa xét xử vụ án gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La và Hà Giang.

Tòa án tỉnh Sơn La quyết định trả lại hồ sơ để điều tra thêm về hành vi “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, còn Tòa án tỉnh Hà Giang sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 25/10. Dẫu mức án nặng nhẹ ra sao, thì câu chuyện những nhà giáo phải đứng trước ánh sáng công lý về sự khuất tất trong môi trường sư phạm, thực sự là một nỗi ê chề và đau đớn cho cộng đồng.
 

Liên minh ma quỷ ngoài phòng thi

Những lời khai tại tòa, khiến người nghe phải rùng rợn về một sự liên minh ma quỷ để sửa điểm và nâng điểm, có sự đồng lòng đồng sức từ những cán bộ giáo dục cho đến những cán bộ công an. Mỗi người một vai trò, và quyết tâm thực hiện sự đổi trắng thay đen.

11-23-51_bi_co_nguyen_thnh_hoi
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài - nguyên Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT Hà Giang.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga - Chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT Sơn La, thú nhận: Trước khi diễn ra kỳ thi khoảng nửa tháng, ông Trần Xuân Yến (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La) đã trao đổi việc sửa bài thi nâng điểm cho con em cán bộ trong sở và có trường hợp được giám đốc sở nhờ vả.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga lập tức bàn bạc kế hoạch sửa bài thi với các đối tượng Cầm Thị Bun Sọn, Đỗ Khắc Hưng, Đặng Hữu Thủy, Lò Văn Huynh… Đúng là một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại nên hòn tai ương.

Cả nhóm thống nhất cùng nhau rút bài thi các môn trắc nghiệm mang ra ngoài khu vực chấm thi, để sửa nâng điểm rồi trả về vị trí cũ, xóa file ảnh đã quét và quét lại file ảnh mới. Trong đêm 29/6 và 30/6/2018, họ mở cửa phòng rút bài thi rồi vận chuyển bằng ôtô đến nhà riêng ông Đặng Hữu Thủy để sửa. Những lần sửa bài thi đều diễn ra đến 12h đêm, xong xuôi vận chuyển bài thi về các phòng thi và niêm phong lại như ban đầu.

Cũng tương tự ở tỉnh Sơn La, những kẻ manh tâm ở tỉnh Hà Giang cũng chở bài thi khỏi nơi tập kết để sửa. Ông Nguyễn Thái Học - cán bộ Phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh Hà Giang, tường trình: "Trưa 7/7/2018, khoảng hơn 11h, ông Vũ Trọng Lương (Phó Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT Hà Giang) vào phòng chúng tôi nói rằng "chú là phó trưởng ban thư ký, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, đến đây chuyển đồ về sở và nhờ mấy anh em chuyển hộ”. Tôi và đồng nghiệp đã giúp đỡ ông Vũ Trọng Lương chuyển các bài thi xuống xe tải đã bố trí sẵn. Tôi đã giúp vận chuyển 2 thùng carton và 1 màn hình máy tính”.
 

Nhờ xem điểm hay nhờ nâng điểm?

Chỉ nhờ xem điểm, nào ngờ lại được nâng điểm! Đó là lý lẽ mà nhiều bậc phụ huynh đã đưa ra trước tòa. Họ là những ai mà mắc cảnh trớ trêu vậy? Nếu họ là thảo dân được “tạo phúc”, thì đúng là truyện cổ tích của thế kỷ 21. Thế nhưng, họ đều có chức sắc hoặc có quan hệ gần gũi với chức sắc địa phương.

Ví dụ, ở tỉnh Hà Giang có các trường hợp nhờ xem điểm mà được nâng điểm, như thí sinh Mai Vương B.N là con của bà Vương Ngọc Hà - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, thí sinh Lê Ngọc Ng. là cháu của ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, thí sinh Lưu Thủy T. là con gái của bà Chúng Thị Chiên - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang, thí sinh Triệu Ngọc M. là con gái của ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang lúc ấy.

Khó hiểu hơn, với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục Hà Giang, ông Vũ Văn Sử lại có biểu hiện kém phẩm chất sư phạm là chuyển danh sách 3 thí sinh cho cấp dưới Triệu Thị Chính (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) với nhắn nhủ "nếu đậu tốt nghiệp thì tốt, nếu không thì phải xem xét đưa vào danh sách đặc cách".
 

Mua điểm với giá bao nhiêu tiền?

Trả hồ sơ điều tra lại, Tòa án tỉnh Sơn La yêu cầu làm rõ hành vi “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”. Bởi lẽ, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã nhận của ông Trần Văn Điện (cán bộ thư viện Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) 1,040 tỉ đồng để giúp sửa bài, nâng điểm cho 4 thí sinh. 

Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận của bà Hoàng Thị Thành (Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) 440 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho con trai. Bị cáo Lò Văn Huynh khai đã nhận của ông Nguyễn Minh Khoa (cựu phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 1 tỉ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho 2 thí sinh; ngoài ra còn 1,1 tỉ đồng nữa thỏa thuận nhưng chưa đưa nhận.

Lò Văn Huynh còn khai nhận của bà Lò Thị Trường (phụ huynh có con được nâng điểm) số tiền là 300 triệu đồng để giúp sửa nâng điểm cho con trai. 

11-23-51_bi_co_lo_vn_huynh
Bị cáo Lò Văn Huynh - nguyên Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT Sơn La.

Và bị cáo Đặng Hữu Thủy khai đã nhận của bà Nguyễn Thị Kim (kế toán trường THPT Tô Hiệu) 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Mai Hà (giáo viên trường THPT Tô Hiệu) 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Xuyên (giáo viên trường THCS Mường Bằng 1) 200 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho bốn thí sinh.

(Kiến thức gia đình số 43)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất