| Hotline: 0983.970.780

"Mỗi vụ đông thu 14-15 nghìn tỷ, bỏ thì quá lãng phí"

Thứ Tư 22/08/2012 , 09:51 (GMT+7)

Năm nay, kế hoạch và chính sách cho SX vụ đông 2012 – 2013 sẽ được Bộ NN-PTN họp bàn rất sớm vào ngày 23/8 tới.

* Phấn đấu 400 nghìn ha, thu nhập 30 triệu đồng/ha

Ông Ngọc nhận định, vụ đông 2012 - 2013 vẫn sẽ có những đột phá

Năm nay, kế hoạch và chính sách cho SX vụ đông 2012 – 2013 sẽ được Bộ NN-PTN họp bàn rất sớm vào ngày 23/8 tới. Ông Nguyễn Trí Ngọc – Cục trưởng Cục Trồng trọt đã chia sẻ với NNVN những dự báo và trăn trở về SX vụ đông năm nay.

Vụ đông 2011 – 2012 đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thời tiết bất lợi và giá nhiều mặt hàng rau quả vụ đông rớt giá. Ông nhận định thế nào về những khó khăn của vụ đông 2012 – 2013?

Diễn biến thời tiết trong giai đoạn SX vụ đông mấy năm gần đây rất thất thường, mưa lớn đầu vụ, mưa dầm kéo dài khi thu hoạch… Điều này làm cho nông dân rất nản lòng. Cùng với suy thoái kinh tế, đà tụt giá nông sản, trong đó có rau màu từ cuối năm 2011, đầu năm 2012 đến nay vẫn chưa phục hồi trở lại.

Trong khi đó, giá cả vật tư đầu vào, đặc biệt là phân bón, điện, giống… vẫn đang tăng rất nhanh. Điều này sẽ làm cho quỹ lợi nhuận của nông dân tăng rất chậm, nếu không nói thậm chí tụt giảm hoặc không có lãi… Vì vậy, có thể nói việc giữ được diện tích vụ đông như các năm trước đây cũng sẽ là rất khó, chứ chưa nói tới việc tăng thêm diện tích.

Theo ông, liệu có “điểm sáng” nào có thể để làm đòn bẩy cho vụ đông này không?

Tôi nghĩ khó khăn rất lớn nhưng cũng không ít cơ hội. Tới vụ lúa mùa 2012, chúng ta đã “khóa” được đúng lịch thời vụ và chấm dứt được chuỗi sức ép thời vụ do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại nhiều năm trước để lại. Dự tính đến 20 – 25/9, sẽ có khoảng 40 – 60% diện tích lúa mùa ở miền Bắc thu hoạch xong và giải phóng đất sớm để làm vụ đông.

Về thời tiết, năm nay mưa đều và thuận lợi cả năm. Tính đến thời điểm này, lượng mưa đã cơ bản ngang với tổng lượng mưa cả năm của các năm gần đây. Tôi hi vọng đây là tín hiệu vui cho một năm mưa thuận gió hòa! Với tình hình đó, cơ cấu cây trồng vụ đông năm nay sẽ vô cùng đa dạng.

Bên cạnh đó, rất nhiều DN chế biến, XK rau vụ đông cũng đang đặt ra nhiều kỳ vọng và dự định đầu tư mạnh cho vụ đông năm nay, đặc biệt là các mặt hàng có truyền thống như khoai tây, dưa chuột bao tử, cà chua… Bên cạnh đó, tôi nhận định từ vụ đông năm nay, khoai lang có thể cũng sẽ là một loại cây có thể tạo nên đột phá. Cơ giới hóa từ vụ đông trước có thể cũng sẽ tạo được đột phá mới, khi nhiều loại máy làm đất, thu hoạch, gieo hạt… đang bắt đầu đưa vào thị trường miền Bắc.

Cục Trồng trọt đặt kế hoạch SX ra sao cho vụ đông này?

Cục đã đặt kế hoạch diện tích vụ đông 2012 – 2013 ở con số 400 nghìn hecta – cao hơn vụ đông trước khoảng 10.000 hecta. Tôi tin là điều này sẽ thực hiện được.

Căn bản nhất, chúng tôi đang đặt mục tiêu sẽ nâng mức thu nhập bình quân từ vụ đông ở miền Bắc lên trên 30 triệu đồng/hecta. Trên thực tế, nhiều loại cây có ưu thế, thâm canh tốt như dưa chuột bao tử, khoai tây, ớt… các năm trước cũng đang vượt lên tới 50 – 100 triệu đồng/hecta. Tuy nhiên, để mặt bằng chung đạt được trên 30 triệu đồng/hecta cũng sẽ phải cố gắng lớn.

Vụ đông 2011 – 2012, khoai tây quá rẻ, dân chẳng buồn thu, còn đậu tương thì mưa dầm nên mốc, thối đa số. Kinh nghiệm nào sẽ được rút ra để điều chỉnh lại thực trạng buồn đó, thưa ông?

Nói khoai tây rẻ một phần do rớt giá cũng đúng, nhưng quan trọng nhất một phần do vụ đông năm ngoái chịu sức ép thời vụ quá lớn, khoai trồng quá tập trung. Năm nay, các địa phương phải cố gắng giải phóng đất sớm, làm sao khoai thu hoạch rải đều được từ trước Tết Nguyên đán thì tốt nhất.


Thu hoạch khoai tây vụ đông

Vấn đề nữa, đó là về giống, phải kiên quyết chấm dứt được tình trạng nhập khoai thịt Trung Quốc về làm giống, tập trung cho các giống có chất lượng để phối hợp với DN XK. Mỗi hecta khoai tây có thể rẻ phải đổ đi, nhưng cũng có thể cho thu nhập 100, thậm chí 200 triệu đồng/hecta nếu đầu tư giống đúng nhu cầu về chất lượng, mẫu mã của DN XK.

Điểm khác là trong vụ đông năm nay, chúng tôi hiện đã kêu gọi đông đảo DN chế biến, tiêu thụ hàng rau quả vụ đông tham dự họp bàn cùng nông dân, cơ quan quản lí và các địa phương ngay từ bây giờ. Tôi hi vọng, sẽ có sức bật mới trong vụ đông này.

Từng nhiều năm chỉ đạo, điều hành SX ngành trồng trọt, đến bây giờ ông trăn trở nhất điều gì về SX vụ đông?

Đến năm nay, SX vụ đông sẽ tròn 40 năm được triển khai ở miền Bắc. Theo dõi diễn biến tình hình SX qua chừng ấy năm, điều khiến tôi trăn trở nhất vẫn là làm sao đưa được vụ đông thành vụ SX chính. Đã có thời kỳ “hoàng kim” như năm 2006, diện tích cây vụ đông ở miền Bắc lên tới 500 nghìn hecta, thế nhưng sau đó thì trồi sụt.

Có thể nói, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là bài toán lợi nhuận. SX vụ đông mỗi năm đưa về cho nước ta từ 10 cho tới 15 nghìn tỉ đồng. Bỏ hoang phí đất 4 – 5 tháng trong vụ đông nghĩa là ta cũng mất đi chừng ấy tiền. Nhưng nông dân không có lợi nhuận từ SX thì dù nhà nước có kêu gọi mấy cũng vô ích. Đó là chưa nói, giá cả cây vụ đông, có khi một gánh rau không mua nổi vài lon bia!

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất