| Hotline: 0983.970.780

Món canh chua của mẹ

Thứ Hai 05/09/2016 , 09:01 (GMT+7)

Cố giáo sư Trần Quốc Vượng viết “Có ăn là có văn hóa”. Điều đó không sai chút nào, vì trong quá trình sáng tạo ra các món ăn, ông cha ta đã tỏ ra lịch lãm, trải nghiệm lâu đời để đúc kết thành nhiều món ngon độc đáo.

10-15-29_cnh-chu-c-bong-lu-nu-voi-l-gim
Canh chua cá bông lau

 

Cụ thể như như món canh chua đã có tới hàng chục cách nấu, cách sử dụng nguyên liệu khác nhau. Đó là những món ăn không chỉ đơn thuần là vấn đề ẩm thực mà còn là văn hóa, là tâm hồn và tính cách của người Việt.

Nhà văn Vũ Bằng, tác giả của bộ sách nổi tiếng “Miếng ngon Hà Nội" và "Miếng lạ miền Nam” đã cảm nhận: “Ăn một miếng ngon của đất nước thấy bừng lên ở trong lòng một mối hạnh phúc vì đã được ăn một chút gì của đất nước, một tinh túy truyền từ năm, tháng nọ sang tháng, năm kia...”.

Đúng thế. Mỗi lần đi xa trở về quê cũ, nếu có dịp thưởng thức món canh chua của mẹ nấu, ngửi cái mùi “huyền diệu ” của các loại rau sau vườn, trong lòng chúng ta sẽ dậy lên một mùi ký ức, một nỗi nhớ khôn nguôi. Hiếm có một món ăn nào lại gắn bó với hương quê, với tình tự dân tộc như món canh chua Việt.

Nhà văn Sơn Nam cũng cho rằng món ăn miền Nam vừa hào phóng vừa đậm đà phong vị thời khẩn hoang. Hào phóng vì nó kết hợp với nhiều loại rau, mà mỗi loài đều có vị thuốc nhằm điều chỉnh sự mất quân bình âm dương trong cơ thể đồng thời góp phần kích thích tiêu hóa và làm cho ngon miệng.

Thông thường, các bà nội trợ hoặc các tay đầu bếp hay dùng chanh, me, giấm để chăm chút cho nồi canh chua. Nhưng đối với những người sành điệu ẩm thực, những tay thợ nấu tài hoa, bao giờ cũng coi nồi canh chua như một “thang thuốc” với đủ thành phần dinh dưỡng và các vị mặn-ngọt-chua-cay-nồng nên họ đã dày công nghiên cứu, chọn ra những nguyên liệu và gia vị hoàn toàn Việt. Mặc dù cái dư vị đã cũ xưa mà sao mình vẫn cảm thấy nồng nàn, càng ăn càng thú vị. Người thưởng thức chỉ nếm thôi cũng đủ biết tay nghề của thợ nấu thế nào.

Nhiều người cho rằng món me chua, chanh, giấm chỉ dành cho những nồi canh chua thông thường, còn dân “lai rai”, dân sành điệu tứ chiếng thì lại thích vị chua của cơm mẻ, lá giang, lá cốc hoặc trái giác, xoài non, tầm ruột, khế, bứa, bần... Chẳng hạn như canh chua cá lóc, hấp dẫn nhất là nấu với cơm mẻ; tôm, cua nấu với me nhưng phải là thứ me non. Còn như cá trê, cá ngát mà nấu với bần thì được liệt vào mức siêu hạng.

10-15-29_cnh-chu-c-linh-nu-voi-tri-bu
Cá linh non nấu với trái bứa

Đặc biệt, lươn mà nấu với đọt cóc; gà nấu với lá giang; cá rô, cá chép nấu với trái giác; cá linh nấu với bần thì khó có món nào qua mặt nổi... Có thể nói mỗi món mỗi vẻ nhưng tất cả đều “mười phân vẹn mười ”. Về quê mà được đãi món canh chua, người ăn, ăn đến vã mồ hôi, bao nhiêu mệt nhọc, buồn bực cũng đều tiêu tan hết.

Tất cả các loại trái và lá rừng đều có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng mỗi thứ đều có một vị chua, độ chua khác nhau, tính chất cũng khác nhau, tạo nên một hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Ngoài cá thịt và chất chua ra, nồi canh chua Việt không thể thiếu các món rau thơm và hoa quả như bạc hà, đậu bắp, cà chua... Nếu như canh chua cơm mẻ thì cho thêm quế hoặc ngò om, còn canh chua trái giác thì cần có ngò gai, xả, ớt nhằm tạo thêm hương vị ngạt ngào.

Đối với nồi canh chua, người nấu khéo đến đâu mà thiếu món ngò om, húng chanh, ngò gai hoặc húng quế coi như nồi canh chua đó chẳng còn ý nghĩa gì! Các loại rau nầy ngoài mùi vị thơm ngon, kích thích vị giác, nó còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thực, lợi tiểu và chống được vi khuẩn. 

10-15-29_cnh-chu-luon-dc-sn-mien-ty
Canh chua lươn

 

Nồi canh chua ngon, chỉ vài lần thưởng thức thôi chúng ta cũng đủ ghiền cái vị chua - cay như ẩn chứa bao điều thú vị từ cây nhà lá vườn. Đây là món ăn đã gợi cho những người xa quê bao nỗi thèm tiếc, nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ quê và nhớ về tuổi thơ. Món canh chua chúng ta không chỉ ăn bằng miệng mà còn bằng mắt và mũi. Nó ngon đến ám ảnh. Chỉ cần một làn khói mỏng bốc lên từ cái mùi thanh tao dìu dịu của cá hòa quyện cùng thứ nước chua - cay thơm phức cũng đủ làm cho người ăn háo hức vì mùi vị cứ quấn quýt mãi bên ta!

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.