| Hotline: 0983.970.780

Mòn mỏi chờ điện, đường...

Thứ Tư 06/05/2015 , 09:50 (GMT+7)

Bao năm qua người dân thôn Đồng Lách (xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá) vẫn phải sống trong cảnh không điện, đường, trường, trạm; nguồn nước thì thiếu thốn.

Thiếu đủ thứ

Thôn Đồng Lách hiện có 109 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu. Người dân ở đây 100% là đồng bào dân tộc Thái. Cách nhà máy xi măng Công Thanh hơn 3km, cách UBND xã Tân Trường khoảng 7km và cách QL1A chưa đầy 11km. Thế nhưng, trái với sự chuyển mình sôi động của khu kinh tế Nghi Sơn, Đồng Lách vẫn chìm trong cảnh lạc hậu, thiếu thốn đủ bề.

Trên cao nhìn xuống, Đồng Lách như một bức tranh thuỷ mặc đẹp mà đượm buồn. Những nóc nhà rải rác lọt thỏm trong thung lũng hẻo lánh được bao bọc bởi đồi núi trập trùng.Từ nhà máy xi măng Công Thanh (xã Tân Trường) vào thôn Đồng Lách chỉ có con đường núi độc đạo với lởm chởm đất đá, ổ gà ổ voi, một bên vách đá cheo leo, một bên vực sâu thăm thẳm, những khúc cua tay áo tiềm ẩn nguy hiểm chết người.

Người dân cho biết, từ Đồng Lách xuống trung tâm xã phải mất gần tiếng đồng hồ đi xe máy hoặc non nửa ngày trời đi bộ. Những ngày trời mưa, đường lầy lội, đất đỏ quấn lấy chân không thể đi lại, thôn Đồng Lách gần như bị cô lập với bên ngoài.

Khi điện lưới đã phủ khắp các bản làng, thôn xóm thì ở Đồng Lách, điện sáng vẫn là niềm mơ ước cả đời của người dân. Có những cụ già đến khi “nhắm mắt xuôi tay” vẫn chưa một lần được nhìn thấy ánh điện.

Không có điện, các hộ dân trong thôn chỉ còn cách thắp sáng bằng đèn dầu, đèn pin. Nhà nào có điều kiện hơn thì dùng bình ắc quy, cứ 3 -4 ngày họ lại lóc cóc vượt gần 4km đường núi, xuống dưới vùng thấp sạc điện.

Nước tưới tiêu và sinh hoạt cũng là một khó khăn lớn đối với bà con thôn Đồng Lách. Anh Vi Văn Luân, trưởng thôn Đồng Lách cho biết: “Vì không có điện nên các hộ dân không thể khoan giếng sử dụng, nguồn nước sản xuất và sinh hoạt phụ thuộc chủ yếu vào hai đập chứa nước và một số giếng khơi trong làng”.

Chính quyền địa phương cũng đã đầu tư kéo đường ống dẫn nước từ trên thượng nguồn. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn lại bể chứa quanh năm khô cong, do không có nước từ đầu nguồn chảy về.

Mùa khô, các đập chứa và giếng khơi luôn trong tình trạng khô cạn. Để có nước sinh hoạt, người dân phải vào động cách thôn hàng cây số gánh nước về dùng. 22,7 ha đất sản xuất của bà con trong thôn chỉ trông chờ vào nguồn nước tưới từ đập Đền Bà và đập Khe Luồng. Tuy nhiên, vào mùa nắng nóng kéo dài, mưa ít, hai đập chứa hầu như không có nước, hạn hán mất mùa cũng vì thế diễn ra.

Không đường, không điện, không nước, thôn Đồng Lách cũng không có trạm y tế. Người dân ở đây ốm đau bệnh tật, nhẹ thì uống thuốc lá rừng cho qua, nặng thì khiêng bộ đi cấp cứu bằng… cáng, cả nửa ngày trời mới tới được trạm y tế xã. Đến nay, thôn Đồng Lách vẫn chưa có y tá phụ trách việc chăm lo sức khoẻ cho bà con trong thôn.

10-30-59_nh-11
Con đường núi dẫn vào thôn Đồng Lách hiểm trở

Do vị trí địa lý cách biệt với trung tâm xã, dẫn đến việc học hành của trẻ em ở Đồng Lách bị hạn chế. Cả thôn chỉ có một trường học tạm bợ cho các em từ mầm non đến hết lớp 4. Ở các lớp lớn hơn, học sinh phải vượt hơn 7 cây số xuống núi để học.

Đường sá hiểm trở, không phải gia đình nào cũng có điều kiện ngày hai chuyến xe máy đưa đón con em đến trường. Vì vậy, hầu hết trẻ em trong thôn chỉ học hết lớp 4, lớp 5 thì nghỉ giữa chừng. Trong thôn có duy nhất một em học sinh theo học cấp 3.

Thanh niên trong thôn lớn lên cũng chỉ quanh quẩn với đồng ruộng hoặc chăn bò, chăn dê, đốn củi thuê trong rừng. Khi được hỏi vì sao không vận động thanh niên đi làm ăn xa, trưởng thôn Vi Văn Luân giọng đượm buồn: “Thanh niên ở đây thường mới học hết tiểu học thì nghỉ. Vì vậy, khi xin việc ở các công ty, xí nghiệp họ không nhận, đành quay về gắn bó với ruộng đồng, rừng rẫy”.

Mòn mỏi chờ đợi

Đã có nhiều đoàn cán bộ từ Trung ương đến tỉnh, huyện về Đồng Lách khảo sát, rồi báo đài cũng lên tiếng nhưng đến nay, diện mạo thôn Đồng Lách vẫn không mấy thay đổi. Ông Lê Văn Hoạt, Bí thư chi bộ thôn Đồng Lách cho biết, năm 2009 tỉnh Thanh Hoá đã có chủ trương mở con đường vào thôn, Nhà máy xi măng Công Thanh đứng ra nhận trách nhiệm. Song hiện tại, lối vào Đồng Lách vẫn là con đường lởm chởm đất đá với những ổ gà, ổ voi.

UBND huyện họp bàn, dự kiến cuối năm 2014 thôn Đồng Lách sẽ có điện sáng. Rồi cán bộ lại hứa, trong năm 2015 Đồng Lách sẽ được đổ đường nhựa và kéo điện. Năm 2015 đã trôi qua gần nửa, song các kế hoạch ấy vẫn chỉ nằm trên giấy và người dân lại tiếp tục chờ đợi…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.