| Hotline: 0983.970.780

Móng Cái: Cấm cửa chính, đi cửa phụ

Thứ Ba 09/04/2013 , 09:51 (GMT+7)

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm H7N9 từ Trung Quốc, các cửa khẩu Việt Nam tiếp giáp với quốc gia này đang nóng dần lên. Tường thuật của NNVN từ cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), nơi trước đó được coi là điểm tập kết gà lậu lớn nhất cả nước.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm H7N9 từ Trung Quốc, các cửa khẩu Việt Nam tiếp giáp với quốc gia này đang nóng dần lên. Tường thuật của NNVN từ cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), nơi trước đó được coi là điểm tập kết gà lậu lớn nhất cả nước.

“Chính ngạch” yên ắng

Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới dài giáp Trung Quốc, hàng ngày lượng khách du lịch và người dân qua lại biên giới rất đông. Vì thế, trước thông tin cúm H7N9 xuất hiện và gây tử vong cho người tại Trung Quốc, tỉnh đã ngay lập tức tăng cường công tác phòng, chống dịch bằng cách chỉ đạo phối hợp giữa ngành y tế với các ngành chức năng gồm Bộ đội Biên phòng, Hải quan khu vực biên giới như Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà nhằm giám sát chặt chẽ lượng người và gia cầm qua lại.

Tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái chiều qua (8/4), máy đo thân nhiệt đã được lắp đặt ngay tại Trung tâm quản lý xuất nhập cảnh để kiểm tra sức khỏe du khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam nhằm ngăn ngừa virus cúm H7N9. Ông Bùi Văn Khắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho hay, đơn vị cùng với Trung tâm Kiểm dịch y tế Quảng Ninh tại khu vực cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã liên hệ với phía cửa khẩu Trung Quốc để lên kế hoạch phối hợp chống dịch, hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch từ Trung Quốc lây lan sang Việt Nam.

“Phía bạn sẽ thông báo cho chúng tôi hồ sơ của từng du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Từ đó, chúng tôi nắm được thông tin về thân nhân, địa điểm của từng người phía bên kia để tiện theo dõi. Trong vòng một tuần, nếu không có dấu hiệu của người bị nhiễm dịch, chúng tôi sẽ loại khỏi nhóm đối tượng nhiễm dịch, bằng không sẽ báo với phía Trung Quốc để đưa người về nước”, ông Khắng nói.

Ngoài ra, theo ông Khắng, bắt đầu từ hôm qua, cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã áp dụng thủ tục tờ khai sức khỏe đối với du khách từ vùng có dịch. Cụ thể, du khách làm thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu sẽ phải khai báo chi tiết tình trạng sức khỏe để cơ quan chức năng phía Việt Nam tiện theo dõi.

Bến Ka Long, nơi được coi là điểm tập kết gia cầm nhập lậu lớn trước đây, nay đã được thắt chặt quản lý, theo dõi. Lực lượng bộ đội biên phòng gồm 7 trạm thường xuyên chốt trực tại đây. Thượng tá Lã Hồng Sơn, Chỉ huy trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Móng Cái cho biết, toàn đơn vị được điều động trực 24/24h ở những điểm nóng trung chuyển gia cầm như bến Lục Lầm, bến số 7…

Từ đầu năm 2013 đến nay, sau khi có công điện của Thủ tướng, cũng như qua loạt bài phản ánh về tình trạng gia cầm nhập lậu, đặc biệt là gà giống, mà Báo NNVN phản ánh, lực lượng biên phòng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Vì thế, tình trạng gia cầm nhập lậu đã không còn tái diễn. Quan sát của PV tại đây cho thấy, hầu hết các mặt hàng được vận chuyển qua bến Ka Long đều là hàng điện tử, điện máy và vải vóc. Tuyệt nhiên không có gà lậu qua khu vực này.

Tại trạm kiểm soát liên hợp Km15, lực lượng liên ngành cũng làm việc hết sức tích cực. Tất cả các phương tiện vận chuyển đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Thông tin từ trạm này cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, chưa có một vụ vận chuyển gia cầm nào đi qua con đường này.


Kiểm tra hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh)

Với nhiều cửa khẩu, điểm thông quan, lối mòn qua biên giới, Quảng Ninh luôn luôn đối mặt với nguy cơ xâm nhập chủng cúm mới thông qua việc nhập lậu gia cầm. Bởi vậy từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các hình thức, biện pháp phòng chống, ngăn chặn phải được đặt ở mức độ cao, khẩn cấp.

“Trong thời điểm này, việc ngăn chặn gia cầm và sản phẩm gia cầm phải được thực hiện một cách kiên quyết, triệt để, hiệu quả; không được phép chủ quan, lơ là để gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lọt vào nội địa. Công tác kiểm dịch y tế, thú y tại các cửa khẩu phải được tăng cường hơn, đảm bảo chặt chẽ để ngăn chặn kịp thời các mầm bệnh ngay từ biên giới. Cùng với đó, mọi người dân cần nâng cao cảnh giác trong việc ngăn chặn, phòng chống dịch; không sử dụng gia cầm bị bệnh, không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; đảm bảo ATVSTP”, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay.

Và để ngăn chặn, phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn tỉnh, ngay từ ngày 3/4, UBND tỉnh cũng đã có Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, gửi Chủ tịch UBND các huyện, TX, TP và các thành viên BCĐ phòng, chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh với những nội dung chỉ đạo cụ thể...

Sôi động tiểu ngạch

Tuy nhiên, trái với sự bình lặng tại các điểm được cho là nơi tập kết gà lậu lớn trước đây, thì ở những khu chợ cóc trên địa bàn Móng Cái, vẫn còn tình trạng gà lậu Trung Quốc được bày bán tràn lan. Như vậy, thay vì về qua đường “chính ngạch”, các đầu nậu vì lợi nhuận đã bất chấp lệnh cấm, đưa gà về qua các đường tiểu ngạch.

Khảo sát của PV NNVN tại một số chợ trên địa bàn TP Móng Cái, chúng tôi thấy rằng, gà lậu Trung Quốc được bán với giá từ 80 nghìn đồng đến 90 nghìn đồng/kg. Nếu so với gà ta, thì giá gà lậu ở đây rẻ hơn khoảng 35 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng/kg. Một chủ hàng bán gà thản nhiên trước câu hỏi của chúng tôi về thông tin dịch cúm H7N9 có thể gây chết người: “Đã có ai ăn gà Trung Quốc mà chết đâu. Nếu chết vì ăn thịt gà này, báo chí đã đăng ầm ầm rồi”, bà này trả lời.

Còn tại quán cơm bình dân ngay giáp TP Móng Cái, chủ quán không hề giấu giếm việc gà rang ở đây có xuất xứ từ Trung Quốc. Ông này bảo rằng, thịt gà loại này dai, màu nâu sẫm, nên nhiều người thích ăn. Một suất cơm gà kèm vài món rau ở đây giá khá rẻ, chỉ dưới 30 nghìn đồng.


Không còn thấy bóng gà lậu qua đường chính ngạch nhưng gà lậu vẫn được bán công khai ở các chợ tại TP Móng Cái

Theo phản ánh của một số người dân sống trên địa bàn TP Móng Cái, tình hình vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm vẫn diễn ra và có phần tinh vi hơn. Vì có quan hệ từ trước với một đầu nậu tại đây, nên anh này nói thật với chúng tôi rằng, gà lậu vẫn được vận chuyển về, tuy ít hơn trước đây nhiều, vì khó “làm luật” với các cơ quan chức năng hơn.

“Thường thì gà lậu được xé lẻ, cho vào bao tải gánh băng qua đò, sang sông Ka Long và đi theo đường mòn tuồn vào nội địa. Giá gà thải bán tại chợ Đông Hưng (Trung Quốc) dao động từ 42 nghìn đồng đến 45 nghìn đồng/kg, vận chuyển về đến điểm tập kết tại Việt Nam thì giá khoảng 60 nghìn đến 70 nghìn đồng/kg. Một tấn gà, nếu qua sông trót lọt, có thể lãi ròng tới 20 triệu đồng”, anh này cho biết.

Vậy nên, ở các chợ vùng biên Móng Cái, gà sống và gà đã qua chế biến có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được bày bán công khai mà vắng bóng sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

+ Ngay ở thời điểm dịch cúm H7N9 xuất hiện, trên địa bàn TX Quảng Yên đã phát hiện dịch cúm gia cầm. Trong đó tại hai gia đình ở phường Đông Mai và Minh Thành đã có hiện tượng gia cầm chết hàng loạt. Ngay sau khi có kết luận của ngành chức năng số gia cầm đó mắc dịch, TX Quảng Yên đã chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ số gia cầm nhiễm bệnh của hai hộ. Đồng thời chỉ đạo các phường, xã và cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp điều tra, giám sát, phòng chống dịch cúm gia cầm. Những địa bàn có dịch và vùng giáp ranh khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng, áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch, không để lây lan ra diện rộng...

 

 

+ Trong 3 tháng qua, Cục Hải quan Quảng Ninh bắt giữ, xử lý tiêu hủy 15 nghìn con gà giống, 1,2 tấn gà thải loại, 14 nghìn trứng gà, vịt nhập lậu từ Trung Quốc với tổng trị giá 240 triệu đồng. Cuối tháng 3/2013, Đội kiểm soát hải quan 1 đã bắt quả tang một nhóm đối tượng nhập lậu hơn 8 nghìn con gà giống Trung Quốc và đã cho tiêu hủy ngay.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất