| Hotline: 0983.970.780

Móng Cái: Đền bù đất giá bèo

Thứ Sáu 06/09/2019 , 11:05 (GMT+7)

11 hộ nông dân ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) kêu trời vì giá đền bù đất của chính quyền khi thu hồi làm đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái rẻ mạt...

Nước mắt của hộ nông dân sản xuất giỏi

Là một trong những xã nghèo nhất TP vùng biên Móng Cái. Khác với đô thị phồn hoa trung tâm thành phố, nơi đây chỉ có ao ruộng và rừng cây. Và cũng chính là nguồn sống của những người nông dân suốt hàng chục năm qua.

Gia đình bà Vũ Thị Tình đến xã Quảng Nghĩa sinh sống từ những năm 1990, khai hoang, trồng rừng, đào ao, nuôi trồng thủy sản. Để mở rộng mô hình phát triển kinh tế, những năm qua, bà Tình đã đầu tư tôn tạo các ao, đầm nuôi tôm với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Trong đó có cả một trạm biến áp “khủng” hơn trạm của cả xã Quảng Nghĩa nhằm cung cấp điện cho các ao nuôi tôm với số tiền 1,5 tỷ đồng.

08-35-16_fd5cd720e7fe921b06e
Thửa đất của gia đình bà Tình đã bị chính quyền cưỡng chế thu hồi.

Mô hình của bà cũng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người dân trong xã làm theo và có cuộc sống khấm khá hơn. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Đức Đam, nay là Phó Thủ tướng Chính phủ, đã trao tặng bằng công nhận “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cho gia đình bà Tình. Mô hình của gia đình bà cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền các cấp. 

Nhưng khi đồng vốn còn chưa thu hồi, một quyết định giáng xuống khiến gia đình bà cũng như 11 hộ dân tại xã Quảng Nghĩa choáng váng: Quyết định thu hồi đất làm đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái không đền bù mà chỉ hỗ trợ với cái giá “bèo bọt”.

Theo thông báo của UBND TP Móng Cái, gia đình bà Tình có 23.718,1m2, trong đó 9.076,6m2 đất rừng và 14.096,7m2 đất nuôi trồng thủy sản được nhận khoảng 300 triệu đồng hỗ trợ, trong khi đó gia đình bà đã đầu tư khoảng 7 tỷ đồng.

“Gia đình sử dụng đất có nguồn gốc rõ ràng từ năm 1991, được các cấp chính quyền địa phương ủng hộ và cho phép, không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật. Mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình tôi còn là mô hình lớn, điển hình được chính quyền địa phương khuyến khích, khen ngợi và nhân rộng, vậy có lý gì mà không được bồi thường?”, bà Tình đặt câu hỏi.

Bà Tình cho biết thêm, các hộ NTTS ở đây hộ nào cũng đầu tư máy phát điện hàng trăm triệu đồng trở lên, nhưng không ai được bồi thường mà chỉ hỗ trợ 1 - 2 triệu di dời như gia đình ông Nguyễn Văn Bảy, Lang Văn Nguyện... Di dời đi đâu, khi không còn đất và tiền để đầu tư?

“Còn nhiều tài sản, hạng mục không được bồi thường, không được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm đối với diện tích đất trên khiến người dân chúng tôi mất sạch, chỉ có nước ra đê ra đồng mà ở”, bà Tình nói trong nước mắt.
 

Xác định sai vị trí và hạng đất?

Theo tìm hiểu của PV, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định 1036/QĐ-UBND ngày 2/4/2018 về phê duyệt giá đất cụ thể để bồi thường GPMB dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (đoạn qua TP Móng Cái) không quy định đất NTTS ven biển đối với xã Quảng Nghĩa mà chỉ có loại đất ao, đầm nội địa có giá là: 23.000 đồng/m2.

Tuy nhiên, UBND TP Móng Cái không áp giá ao nội địa cho các hộ như trên mà chỉ áp giá ao đầm ven biển là 10.000 đồng/m2 và người dân chỉ được nhận hỗ trợ 30% của giá 10.000 đồng, tức là khoảng 3.000 đồng/m2.

Theo tìm hiểu của NNVN, đất NTTS của 11 hộ dân, đặc biệt của gia đình bà Tình ở phía trong đê quốc gia, và được đào đắp, khởi tạo, đổ nền bê tông, bên cạnh còn có ruộng lúa, đồng cỏ và xung quanh là đồi núi. Thực tế với vị trí thực địa, địa điểm khu vực ao đầm của các hộ dân như thế không thể xem là đầm ven biển.

08-35-16_21c13840fb4d1c13455c
 

Tại Điều 1 Quyết định số 3238/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2019 có nội dung: Giá đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản thì áp dụng theo giá đất NTTS (hồ, đầm nội địa) có cùng vị trí, khu vực.

Ngoài ra, theo Luật Đất đai năm 2013, tại khoản 1, Điều 140: Đất có mặt nước ven biển không hề có: ao, hồ, đầm. Căn cứ vào các cơ sở thực tế và pháp lý nêu trên, ao/đầm của các hộ dân phải được xem là ao/đầm nội địa và bồi thường, hỗ trợ theo giá 23.000 đồng/m2 đối với loại ao/đầm nội địa chứ không phải loại ao/đầm ven biển có giá là 10.000 đồng/m2.

Còn tại khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai quy định: “Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1/7/2004 mà người sử dụng là hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp nhưng không có giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng”.

Trao đổi với NNVN, đại diện UBND TP Móng Cái cho rằng, việc gia đình bà Tình cũng như 10 hộ dân còn lại được hỗ trợ 30% của 10.000 đồng/m2 là đúng, bởi đất đó là đất lấn chiếm, không được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận (?!).

Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi, tại sao thành phố lại khuyến khích những mô hình phát triển kinh tế này, và biết sai lại không ngăn chặn, thì vị đại diện này không trả lời được. NNVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.        

Ông Nguyễn Tiến Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Móng Cái, khi làm việc với NNVN, cho rằng, hiện TP đang tiếp tục xem xét các trường hợp bồi thường trên, đồng thời xin ý kiến UBND tỉnh để xác định lại vị trí và khung giá đất. Trên cơ sở đó, TP sẽ có quyết định về mức đền bù và hỗ trợ. Trường hợp không thỏa mãn yêu cầu, người dân có thể khởi kiện ra tòa.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.