| Hotline: 0983.970.780

Mong cháu hãy kiên cường

Thứ Tư 07/03/2012 , 10:12 (GMT+7)

Bất hạnh như các cháu là bất hạnh nặng nề rồi đó chứ. Nhưng cô mong cháu làm đầu tàu để em cháu học xong phổ thông và có nghề để vào đời.

Ảnh minh họa
Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu cũng biết nếu mình bất hạnh thì cũng chưa phải là bất hạnh nhất. Nhưng cháu vẫn thấy chị em chúng cháu thật bất hạnh cô ạ.

Thuở cháu còn rất nhỏ, cháu không biết mẹ cháu làm việc gì mà đến nỗi phải đi tù. Bố cháu lái xe tải, không mấy khi ở nhà. Khi ấy cháu là con gái lớn, mới 11 tuổi, em gái cháu 9 tuổi và em trai út 7 tuổi. Khi mẹ thụ án, một người bạn gái của mẹ mới trưng ra tờ giấy mượn nợ của mẹ lúc đó rất nhiều tiền. Bố cháu vừa phải chuyển việc về một cơ quan thu nhập ít đi vừa phải bán nhà để trả nợ. May là bố cháu tích cóp được mua riêng một mảnh đất để dựng ngôi nhà cấp bốn cho mấy bố con, không thì tay trắng, chắc chúng cháu chết đói mất.

Cảnh gà trống nuôi con trăm đường cơ cực. Bà nội thấy thế mới đem em trai cháu về nuôi, vì bố vẫn là lái xe hay đi công tác. Cháu vẫn không bao giờ quên những ngày bố con buồn thảm ấy. Lại còn phải thăm nuôi mẹ nữa chứ. Em trai cháu bất ổn về tâm lý, thị trấn ở quê cháu lại phức tạp, là một nơi mà việc buôn ma túy dễ dàng như đi chợ. Đầu năm cấp II nó chểnh mảng học hành và bập vào hút hít hồi nào không hay. Đến khi bà và bố cháu biết thì đã muộn. Phải đi cai, lần này rồi lần khác.

Rồi đến chuyện bố cháu có người khác. Lúc đầu chị em cháu sốc lắm nhưng bà nội khuyên, đàn ông vắng vợ, sao tránh khỏi chuyện đó. Cô M không trẻ trung xinh đẹp nhưng lại có nghề buôn bán, cũng ở vậy một mình nuôi hai con sau khi bỏ chồng (hay là chồng bỏ cháu không rõ). Quan hệ của bố và cô được ít năm thì bà nội tặc lưỡi, thôi thì bà sẽ nhận cô ấy là dâu để có người chính thức chăm lo cho bố. Từ đó bố cháu đi đi về về hai nơi, cháu tốt ngiệp PTTH và em gái cháu cũng vào được lớp 10. Công của bố thật không nhỏ. Đáng buồn nhất là em trai cháu không cai nổi. Nó vướng vào căn bệnh thế kỷ, phải đưa vào sống hẳn ở một trung tâm và rồi nó chết ở tuổi mười bảy. Ở thời điểm đó mẹ cháu đã đi tù được 10 năm. Mười năm thì một đứa con hư cũng còn ít, cháu nghĩ vậy. Mười năm thăm thẳm lắm cô ơi.

Năm nay mẹ cháu có thể được ân xá. Chúng cháu hy vọng vào sự khoan hồng và cải tạo tốt của mẹ. Chúng cháu thấy lúng túng, dù sao cũng là mẹ đẻ của mình và chúng cháu rất muốn bố mẹ sum họp. Cho dù người đang sống với bố không có gì va chạm với chị em cháu nhưng cháu vẫn thấy khó gần. Nếu cháu mở lời với bố về chuyện bố mẹ sau này thì có phải cháu có lỗi với bố không cô? Làm thế nào để bố mẹ cháu không xa nhau nữa, để chúng cháu được đền bù đây cô?

Mong cô đừng in email của cháu.

Cháu thân mến!

Cũng không phải ai cũng bất hạnh và có người còn bất hạnh hơn mình. Không, bất hạnh như các cháu là bất hạnh nặng nề rồi đó chứ. Mẹ bị tù lâu năm, với những đứa trẻ, bất hạnh ấy có thể xem là nhân đôi vì vừa bị thiếu mẹ, vừa chịu áp lực tâm lý về việc có mẹ đi tù. Hơn cả mẹ bệnh, hơn cả mẹ bỏ đi lấy chồng, người mẹ ra tù có thể sẽ thành người mẹ khác và cái án tù vẫn hằn trong lai lịch những đứa con dù có khi, nó không phải ghi vào học bạ.

Trước hết nói về bố. Đàn ông vắng vợ khổ hơn đàn bà vắng chồng. Dù hai cháu có thể cơm nước ấm cửa ấm nhà cho bố nhưng chiếc giường nó lạnh. Bố là lái xe, xê dịch, bố có nhiều phụ nữ cảm thương mình ở dọc đường. Sự phong trần của bố đáng thương và cũng đáng trọng. Dĩ nhiên bố phải có ai đứng lại với mình. May là người ấy cũng một thân một mình, bố không phải mang tiếng xen vào nhà người khác. Và cũng dĩ nhiên, các cháu không thể gần với một người không chín danh với bố. Phần vì thương mẹ, phần vì ganh tức, phần vì không chính danh thì có thể tan bất cứ lúc nào.

Về em trai cháu, cô thương quá, nhưng nó là con đường quen thuộc với những đứa trẻ trong cảnh của nó. Bà nuôi cháu cũng mong manh như bất kỳ sự nuôi gửi nào trong tình hình bất an ở khắp nơi như hiện nay hay vừa qua. Sơ sểnh một chút là nghiện hút hay nghiệm game, nghiện tốc độ… Chắc bố cháu phải đau lòng lắm và mẹ cháu nữa, mẹ cháu chắc cũng đứng ngồi không yên trong trại. Thôi, coi như nó sút nôi từ bé, nghĩ vậy cho đỡ buồn.

Việc bố mẹ hợp lại là điều không thể. Một người vợ làm ra mức lỗi ấy với gia đình, chắc bố hận lắm mà không nói ra. Các cháu phải là chỗ dựa cho mẹ nhưng bố thì hãy để bố tự cân nhắc. Một bát nước đã hắt đi, rồi các cháu sẽ hiểu, vì sao con cái là của mình còn vợ chồng mất nghĩa thì thực sự chỉ là của nợ, người dưng và nước lã.

Mong cháu làm đầu tàu để em cháu học xong phổ thông và có nghề để vào đời.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.