| Hotline: 0983.970.780

Mong có cây cầu để đến lớp an toàn

Thứ Ba 23/12/2014 , 08:35 (GMT+7)

Hàng ngày, ngoài công việc chính của mình, các thầy cô Trường Tiểu học Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị còn phải làm thêm một việc khác nữa đó là cõng học sinh qua sông, qua suối.

“Cách đây vài ba tháng đã có cây cầu tạm để đi, nhưng chỉ một trận mưa lớn là nước cuốn trôi hết rồi. Giờ ngày ngày các em muốn đến trường là phải lội suối, vượt đèo, có khi sáng thì qua được nhưng trưa về không được vì nước dâng cao. Ngồi trong lớp các em lạnh run vì quần áo bị ướt hết”.

Đó là lời tâm sự của thấy Hồ Văn Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Thầy trò cùng nhau lội suối

Trường tiểu học nằm tại bản 2 trung tâm xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị với gần 150 em học sinh. Số lượng các em học sinh của trường luôn thay đổi một phần do các em phải nghỉ học giữa chừng vì những điều kiện đến trường quá khó khăn, khiến các em không theo được.

Đây là một vấn đề mà các thầy cô trong trường hết sức quan tâm và luôn động viên, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần mong các em ở đây tìm được niềm vui nơi trường lớp.

Hàng ngày, ngoài công việc chính của mình, các thầy cô nơi đây còn phải làm thêm một việc khác nữa đó là cõng các em qua sông, qua suối. Nằm ngay bên trường là con sông Bến Hải nước chảy xiết ngay cả vào mùa khô.

10-50-43_dsc_0275

Người lớn, thanh niên khỏe mạnh đi qua còn khó có khi bị ngã huống gì các em tiểu học, đoạn sông để đi qua có rất nhiều đá trơn như những “chiếc bẫy đá ngầm”, chỗ sâu chỗ cạn khó xác định được, trước đây đã có một số em trượt chân ngã nước cuốn trôi nhưng rất may có người lớn ra ứng cứu kịp thời.

Thầy Hồ Văn Hoàn có hai con đang học tại trường, ngày nào thầy cũng phải đưa con vượt suối nên rất hiểu nỗi vất vả của các em.

Thầy nói: “Học sinh từ bản 3 đi học phải lội qua 5 đến 6 con suối, còn nếu đi đường đồi thì phải mất hàng tiếng đồng hồ, các em còn phải cơm đùm, gạo bới phòng khi buổi trưa nước dâng lên cao không về nhà được, đợi đến chiều nước xuống người nhà đến đón về.

Em Hồ Văn Thăng, nhà ở bản 3 tâm sự: “Nhà em ở xa hàng ngày phải đi bộ vượt đèo, lội suối mấy tiếng đồng hồ, lúc đầu đi chưa quen thì hơi sợ nhưng giờ thì quen rồi”.

Được biết vào những ngày trời mưa kéo dài, đặc biệt là vào mùa mưa lũ thì nước ở các sông suối dâng cao, chảy xiết hơn nên việc đến trường của các em là một điều như một thử thách không tưởng. Nhà trường phải cho học sinh nghỉ học vài ngày có khi đến cả tháng. Vậy nên công việc dạy bù học dồn vào thời gian sau này rất vất vả, mà chất lượng lại không được cao - thầy Hải cho biết thêm.

Học sinh nơi đây đa số các em đều nhỏ, kém phát triển về mặt thể chất, nhìn cách các em mỗi lần vượt suối ai cũng phải nhói lòng. Cái thứ quý giá mà các em mang theo mình đó là sách vở, dù người có ướt nhưng quyết không cho “tri thức” của mình ướt được. Mỗi lần vượt suối như vậy các em phải cởi hết áo quần, rồi đưa cặp sách của mình lên vị trí cao nhất sao cho nước không thể chạm tới được, nhìn thấy cảnh này không khỏi đau lòng.

Chị Hồ Thị Rừng, một phụ huynh học sinh tâm sự: “Chúng tôi luôn phải căn thời gian mỗi lần các con tan trường để đưa con qua sông về nhà, có khi bận việc quá không đến kịp là nơm nớp lo sợ không biết con mình thế nào nữa…”

10-50-43_hs4

Cần ít nhất một cây cầu

Bên cạnh trường tiểu học là trường mầm non Vĩnh Ô. Các cháu nơi đây ngày ngày đến trường cũng phải có bố mẹ đưa qua suối để đến lớp, để được ê a học nói, học hát.

Hiện tại trường mầm non Vĩnh Ô có 120 cháu, để đến được trường thì hàng ngày bố mẹ các cháu luôn phải túc trực đưa đón, đèo bồng lội suối đưa con đến trường. 

Vì vậy các cấp, ban ngành cần phải có kế hoạch nhanh chóng xây dựng hệ thống cầu đường nối liền các bản trung tâm với các bản xa xôi hẻo lánh, nhằm tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra cho các em. Trước mắt cần phải trang bị cho các em áo phao, tăng cường việc đưa đón, hỗ trợ các em đi học từ các phụ huynh...

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.