| Hotline: 0983.970.780

Mong giá lúa tăng thêm

Thứ Sáu 13/03/2015 , 10:02 (GMT+7)

Trước tết, giá lúa giảm sâu, khiến nông dân mất ăn mất ngủ. Từ khi triển khai chương trình mua lúa gạo tạm trữ, tại Kiên Giang, giá lúa tăng từ 250 đến 300đ/kg.

Hiện nông dân trồng lúa đã có phần bớt lo, song họ vẫn mong giá tăng thêm...

Đến thời điểm này, nông dân huyện Giồng Riềng đã thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân, với năng suất bình quân đạt 7,5 đến 8 tấn/ha. Tiến độ thu hoạch đạt hơn 50% trên tổng diện tích 46.360 ha.

Trao đổi với ông Trương Văn Hỏn, ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh, ông cho biết, so với thời điểm trước tết giá lúa tăng từ 250 đến 300đ/kg. Hiện bán tại ruộng, giống IR50404 giá lúa tươi 4.250đ/kg. Với giá này nông dân có lời mỗi công 3 triệu đồng.

Theo ông, giá lúa phải tăng lên 4.450 đến 4.500đ/kg thì bà con nông dân mới thật sự an tâm và phấn khởi. Nếu đợt này Chính phủ không mua tạm trữ, chắc nông dân còn “khổ lắm”.

Nói về sức mua cũng như giá lúa trên thị trường hiện nay, bà Nghiêm Thị Trực, một thương lái ở xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng cho biết: "Tôi mua lúa tại ruộng với mức giá 4.250đ/kg, nếu lúa khô thì 4.300đ/kg".

Lý giải vì sao giá lúa khô không cao hơn nhiều so với lúa tươi mua tại ruộng, bà Trực giải thích: “Do nhiều bà con không biết phơi đúng cách nên khi xay gạo bán không được giá. Thay vào đó chúng tôi mua lúa tươi rồi tự chế biến sẽ đảm bảo hơn.

Những người thu mua như chúng tôi cũng luôn lo lắng giá lúa lên xuống thất thường, dễ thua lỗ. Có chủ trương mua tạm trữ lúa gạo, chúng tôi phần nào cũng an tâm về giá cả...”.

Đối với các giống chất lượng cao giá bán tại ruộng hiện nhích lên ở mức 4.700 đến 4.800đ/kg.

Anh Danh Bé Tí, xã viên HTX Nông nghiệp Năm Hải cho biết: Tuy làm lúa chất lượng cao thời gian thu hoạch dài hơn, nhưng bù lại lúa vừa dễ bán vừa có giá cao hơn lúa phẩm cấp thấp.Với giống IR5451, gia đình anh đạt năng suất đạt 8 tấn/ha, tính ra sau khi trừ chi phí cũng còn lời từ 3,3 đến 3,5 triệu đồng/công.

Vụ lúa đông xuân năm nay, Kiên Giang được Hiệp hội Lương thực Việt Nam giao chỉ tiêu mua tạm trữ thấp, chỉ có 82.000 tấn, giảm 8.000 tấn so đợt trước.

 Với sản lượng lúa khoảng 2 triệu tấn của toàn tỉnh thì chỉ tiêu này là quá khiêm tốn. Thêm vào đó các DN mua tạm trữ còn chịu áp lực về đầu ra nên không thể đẩy giá mua lúa tăng đột biến.

Bởi vậy, để sản xuất lúa mang lại hiệu quả cao, ít rủi ro thì bà con nông dân cần tìm nhiều biện pháp giảm tối đa chi phí sản xuất và tập trung thành vùng lúa chất lượng cao.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhã, Giám đốc HTX Nông nghiệp Năm Hải, từ khi vào làm ăn hợp tác, bà con xã viên ở đây hưởng lợi rất nhiều từ khâu bơm tát, tiết kiệm phân bón, hạt giống và đầu ra sản phẩm, nên hiệu quả cũng cao hơn trước.

Toàn HTX hiện có 813 ha, thì lúa chất lượng cao đạt 100% diện tích. Với giá lúa ở mức 4.700 đến 4.800đ/kg, sau khi trừ chi phí nông dân lời từ 3,5 triệu đồng/công trở lên, rõ ràng hiệu quả cao hơn so với lúa phẩm cấp thấp.

Chủ trương thu mua tạm trữ lúa, gạo của Chính phủ trong những năm gần đây là một chất xúc tác rất hữu hiệu, đã góp phần bình ổn giá lúa, hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Tuy nhiên, với chỉ tiêu thu mua ở Kiên Giang không nhiều và việc triển khai đôi khi chưa kịp thời nên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.