| Hotline: 0983.970.780

Mong mỏi từng ngày doanh nghiệp thuê đất làm nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Năm 11/08/2016 , 13:10 (GMT+7)

Những ngày này, về thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, Hưng Yên), đâu đâu cũng râm ran chuyện cho doanh nghiệp (DN) thuê đất làm dự án nông nghiệp công nghệ cao. Không những ủng hộ, người dân Hành Lạc đang mong mỏi từng ngày để dự án triển khai.

 

Lãnh đạo thị trấn khẳng định, sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho DN đầu tư.

Trời chiều nắng như đổ lửa, bà Trần Thị Thuể (60 tuổi), thôn Hành Lạc, vẫn đạp xe ra cánh đồng thăm lúa. Hỏi về dự án, bà Thuể bảo cũng mới nghe qua. Nhưng nếu đúng như vậy thì cho thuê hết thôi, nhà không có người làm vì con cái đều “đầu quân” cho KCN.

Tại chỗ chúng tôi đang đứng, nhà bà Thuể có hơn 2 sào ruộng, mỗi năm trồng được 3 vụ, 2 lúa 1 màu. Là xứ đồng màu mỡ, thuận lợi về nước tưới nên gần như năm nào người dân cũng được mùa. Đặc biệt là vụ màu, số tiền thu được có khi gấp cả chục lần trồng lúa.

“Về giá cả cho thuê, cái này thì phải họp dân thống nhất thôi. Chúng tôi đang rất mong dự án được triển khai vì sẽ đỡ vất vả lại có thêm công ăn việc làm ổn định”, bà Thuể chia sẻ.

17-51-35_3
Một số thửa ruộng, người dân đã chuyển sang trồng rau chờ bàn giao đất cho dự án

 

Ông Nguyễn Đức Tam, trưởng thôn Hành Lạc cho biết, diện tích xứ đồng toàn thôn đạt khoảng 25ha. Dự kiến, chủ dự án là Cty TNHH sản xuất và thương mại Văn Tín sẽ thuê khoảng 16ha, giai đoạn đầu hơn 3ha, thuộc 3 xóm là 11, 12 và 13.

Theo ông Tam, toàn bộ người dân trong thôn đã cơ bản nắm được chủ trương của dự án. Tuy nhiên, cụ thể về giá cả, thời hạn thuê đất, phía DN phải về họp bàn, làm việc trực tiếp với các hộ dân. Thôn đã báo cáo thị trấn, lên phương án kê khai, đo đạc lại ruộng đất để bàn giao cho chủ đầu tư. Việc này sẽ mất khoảng 5 – 7 ngày.

Cũng theo ông Tam, đây là xứ đồng màu mỡ, giá trị sử dụng cao nên giá thuê sẽ không rẻ như những khu vực hoang hóa.

“Chúng tôi khảo sát ý kiến người dân, về cơ bản giá rẻ nhất để thuê là 2 triệu đồng/sào/năm. Cụ thể là cao hay thấp hơn, DN phải về thỏa thuận với người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy”, ông Tam cho biết.

Bà Nguyễn Thị Cừ (70 tuổi) khẳng định, sẽ cho thuê, thậm chí bán luôn ruộng cho DN cũng được. Nhưng giá cả phải được thống nhất hài hòa, vì ở đây trồng 1 sào khoai cũng thu được 3 triệu đồng/vụ. Nếu như DN thuê với mức giá thấp quá thì phải xem xét lại.

17-51-35_2
Bà Nguyễn Thị Cừ (70 tuổi) cũng khẳng định, sẽ cho thuê, thậm chí bán luôn ruộng cho DN cũng được

 

Trao đổi với PV, đại diện Cty Văn Tín cho biết, về cơ bản, chính quyền huyện Văn Lâm đã đồng ý, giao phòng NN-PTNT, UBND thị trấn Như Quỳnh hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Các sản phẩm của dự án là rau an toàn (RAT) canh tác theo quy trình VietGAP. Đồng thời, một số loại hoa chất lượng cao như Lily, loa kèn, đồng tiền, lan Hồ điệp cũng được SX trong nhà lưới. Cty sẽ dành một phần diện tích để SX cây ăn quả có múi như cam, bưởi.

Dự án triển khai ở Hành Lạc sẽ có một lợi thế là có nguồn lao động dồi dào, kinh nghiệm SXNN lâu đời. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ thu hút được khoảng 230 lao động tại chỗ. Trong khoảng 10 năm, DN này sẽ bỏ ra 50 tỷ đồng để thực hiện dự án. Trong đó, riêng tiền thuê đất là 8 tỷ đồng. Tổng số vốn ban đầu đầu tư cho dự án khoảng 5,5 tỷ đồng.

Ông Phan Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND trấn Như Quỳnh cho biết, ban đầu, địa phương định bố trí khu vực triển khai dự án ở khu đồng Cờn. Nhưng sau khi tính toán lại, Cty sẽ được giao đất ở khu vực đồng nội, thuộc thôn Hành Lạc. Đây là xứ đồng có chất đất tốt, thuận tiện cả giao thông lẫn thủy lợi.

17-51-35_1
Ngay bên cạnh khu vực triển khai dự án là đường giao thông thuận lợi, chạy thẳng ra QL 5B

 

Có hay không chuyện địa phương kém “mặn mà” với các dự án NN?

Ông Tiến khẳng định, hoàn toàn không có chuyện đó. “Quan điểm của địa phương là luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ DN. Dự án triển khai sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời vẫn đảm bảo môi trường, cuộc sống trong lành. Một mặt giải quyết công ăn việc làm cho một lực lượng nhân công dư thừa, ngoài độ tuổi lao động ngay trên mảnh đất của mình”.

Tuy nhiên, phía DN phải chủ động thúc đẩy lộ trình dự án. Nếu chỉ thuê một vài năm thì tương đối khó, người dân chưa chắc đã đồng tình.

Cũng theo ông Tiến, hiện thị trấn Như Quỳnh có khoảng hơn 20ha đất giáp ranh KCN bị hoang hóa không thể SXNN. Có những khu vực như xóm 1, 2 của thôn Minh Khai, đất hoàn toàn không thể SX. Ông Tiến khẳng định, kể cả cho thuê giá rẻ cải tạo trồng rau cũng không thể ra sản phẩm rau sạch vì đất, nguồn nước đã bị ô nhiễm.

Theo ông Tiến, muốn thuê đất, DN phải làm việc với các Sở Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, NN-PTNT. Việc thuê đất bắt buộc phải được sự đồng ý của những đơn vị này vì còn liên quan đến vấn đề môi trường và quy hoạch chung của địa phương.

“Nhiều người cũng băn khoăn, liệu DN có thực sự làm ăn lâu dài, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Nếu như DN thuê ngắn hạn hoặc làm ăn không hiệu quả, trả lại mặt bằng, khi đó người dân biết phải làm gì”, ông Nguyễn Đức Tam, trưởng thôn Hành Lạc chia sẻ.

 

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.