| Hotline: 0983.970.780

Mong một bữa no

Thứ Hai 22/03/2010 , 09:49 (GMT+7)

Tôi chưa bao giờ thấy những gia đình nào đói đến thế. Sáng nhịn, chiều cháo, tối… lại cháo. Họ sống trong những cái được gọi là nhà, thực ra là lều mới đúng. Gia cảnh này có lẽ chỉ có ở Hậu Lộc (Thanh Hóa).

Tôi chưa bao giờ thấy những gia đình nào đói đến thế. Sáng nhịn, chiều cháo, tối… lại cháo. Họ sống trong những cái được gọi là nhà, thực ra là lều mới đúng. Gia cảnh này có lẽ chỉ có ở Hậu Lộc (Thanh Hóa).

>> Ra Tết là hết gạo
>> Công dân thị xã cũng chạy ăn từng bữa
>> Lời khẩn cầu từ Pắc Cạm
>> Leo 20 km đường núi lấy một can nước

>>Đói thấu mùa giáp hạt

Nghèo lại đông con, không ít gia đình rơi vào cảnh kiếm ăn lần hồi.

GÓC TỐI CỦA CHỊ SÁNG

Chị Ngô Thị Sáng ở thôn Thắng Hùng, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc năm nay khoảng ngoài 40 tuổi. Chị không biết chữ. Khi tôi hỏi về việc làm thế nào để đọc các văn bản chính sách của xã, huyện, chị cười như mếu: “Tôi nhờ thằng bé hàng xóm, hoặc đứa con lớn đọc hộ”.

Hôm tôi đến, chị Sáng đi chợ chưa về. Chỉ có người chồng và 4 đứa con nhỏ nheo nhóc, thấy người lạ vào thì dạt cả vào góc nhà, lấm lét nhìn quanh như dò hỏi như sợ hãi. Cũng dễ hiểu, từ khi biết nhận thức, nhà mấy khi có khách lạ. Thi thoảng chỉ có bọn trẻ láng giềng đến chơi, hoặc thảng có mấy bà bạn cùng cảnh chạy chợ với chị Sáng đến mua cá.

Chị Sáng kể xong chuyện mình thì đôi mắt sưng húp.

Chồng chị Sáng người nhỏ thó, quấn chặt người trong chiếc áo bông, mặc dù hôm ấy trời đang nắng. Anh bảo, lúc nào cũng thấy rét trong người nên phải mặc ấm. Tôi hỏi anh mắc bệnh gì, anh cười gượng bảo không biết, chẳng có tiền nên cũng chắc dám đi “siêu âm” hoặc đến cơ sở y tế khám xem sao. “Thôi thì ông giời gọi lúc nào thì đi lúc đấy. Giờ ốm yếu, sống dựa vào tiền buôn mấy con cá tép của vợ thì biết vậy thôi”, anh buồn bã.

Khoảng 11h trưa, chị Sáng đi chợ về. Lũ trẻ thấy mẹ về thì đã bớt sợ người lạ. Chúng xúm quanh mâm cơm đang được dọn ra và tranh nhau bát đũa. Gọi là bữa trưa chứ thực ra đó là nồi cháo trắng cùng mấy con cá vụn. Cá này, dân biển Hải Lộc mua rẻ như cho, tôi biết vậy. Vừa đưa bát cháo lên húp, chị Sáng vừa mếu máo kể, nhà có mấy chiếc ghế nan và chiếc giường gỗ của hàng xóm đi miền Nam để lại cho gia đình sử dụng. Nhưng cách đây vài năm, khi ấy bần hàn quá, không có đủ tiền đóng góp nên xã đã đến và “bắt đi”.

Chị Sáng hay khóc. Phụ nữ thường vậy. Cứ thấy tủi là lại nước mắt vắn dài. Gạt nước mắt chị kể, năm ấy cố gắng lắm nhưng nhà chị vẫn nợ hơn 100 nghìn tiền đóng góp. Nhà những chục người, toàn trẻ con nên làm chẳng đủ ăn. Dân biển thường đẻ nhiều. Muốn có nhiều con trai để sau này còn ra khơi kiếm tiền phụng dưỡng cha mẹ. Bởi thế, nuôi con tồn tại qua ngày, chị đã vay mượn khắp nơi. Do vậy, khoản nợ trên, mấy lần xã giục nộp nhưng chị chẳng biết xoay đâu đành “ngồi im” chịu trận. Hôm cán bộ xã thôn đến, chị đã hết lời khẩn xin, nhưng “việc nước, việc làng”, họ không nghe. Cuối cùng, thấy nhà chị duy nhất có bộ bàn ghế có thể xem là “tài sản tương đương”, họ đã khuân đi. Chị bảo, giá kể mà lấy được cái nhà, họ cũng lấy nốt. Gian nhà cấp bốn chật hẹp, 5 năm trước, anh chị xây hết ngót chục triệu đồng, ấy thế mà đến nay vẫn chưa trả nợ xong.

Tài sản đáng giá nhất của nhà chị Sáng là chiếc ti vi màu không nhãn hiệu. Khi được hỏi là tại sao không có tiền đong gạo, lại có tiền mua ti vi? Chị Sáng mếu máo: “Không phải mua đâu. Chiếc ti vi này do cháu lớn, đứa sắp đi Hà Nội bế em ấy, nó viết thư lên báo kể hoàn cảnh, thế rồi một người hảo tâm trong Nam gửi ra cho đấy”.

Kể đến đây, tủi quá chị lại òa khóc. Những giọt nước mắt của người phụ nữ nghèo lam lũ quánh lại, lăn dài trên khuôn mặt đã sạm đen vì gió và nắng biển. Chị Sáng bảo rằng, sắp tới chắc phải cho đứa lớn đi “bế em” (đi làm người giúp việc - PV) trên Hà Nội để đỡ nuôi cơm và kiếm tiền phụ mẹ giúp thuốc thang cho bố. “Nhưng, cháu còn nhỏ quá, sợ người ta chê chưa làm được việc”, chị Sáng nấc lên. Và chị cho tôi biết, cháu bé đến cuối năm nay mới đầy 10 tuổi.

MONG MỘT BỮA NO

Cũng “tối” như gia cảnh của chị Sáng, song ngặt một nỗi gia đình ông Nguyễn Văn Thoa, thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc, lại là hộ chính sách. Bản thân ông Thoa là thương binh chống Mỹ. Bên cạnh ông, người vợ già còm cõi với chị con gái bỏ chồng với đứa con và một người con trai bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não.

Đã nghèo, con trai lớn lại không thể lao động vì chấn thương sọ não khiến gia cảnh nhà ông Thoa "tối" chẳng kém hàng xóm.

Hai ông bà già nuôi cả 5 miệng ăn, ruộng canh tác không có, đồng muối cũng không, tất thảy họ chỉ trông vào mỗi số tiền trợ cấp thương binh nhỏ nhoi của ông, hơn 600 nghìn/tháng. 71 tuổi, như những người đồng niên khác, đáng lẽ ông đã an hưởng tuổi già với thú cây cảnh, vui vầy bên con cháu, đằng này gánh nặng mưu sinh đã khiến cho ông như héo úa hơn. Ông bảo rằng, Tết vừa rồi, gia đình ông được xã chiếu cố cho 3 suất nhân khẩu thuộc diện nghèo với 45 kg gạo. Nhưng số gạo ấy chỉ đủ cho gia đình ông được đúng 1 tháng lương thực, còn lại suốt từ đầu tháng 2 Âm lịch đến nay, ông phải chạy vạy, vay mượn ngược xuôi để đong gạo. “Thế thì ông trông vào gì để sống? Số tiền hơn 600 nghìn đấy có đủ mua gạo không?”, tôi hỏi ông Thoa. “Báo cáo các anh là khó khăn lắm, bươn bòn để mà rau cháo nuôi nhau thôi chứ biết làm sao. Chẳng lẽ lại uống thuốc độc mà về với ông bà tiên tổ(!?)”, ông Thoa ngao ngán.

Rời nhà ông Thoa, tôi mang theo tâm trạng của kẻ có lỗi, dù đã biếu ông chút tiền mua quà. Chẳng biết có nơi đâu dân nghèo thế này không, khi mà họ chỉ cách biển, nơi có thể mưu sinh, có mấy chục bước chân?

Nhưng chưa hết, biết có nhà báo về, mấy bô lão ở thôn Hưng Thái, xã Hải Lộc cứ đạp xe lên xuống kiếm tìm. Theo chân họ, tôi về thăm gia đình chị Đồng Thị Liệu nhà ở ngay mặt con đường dẫn lên trung tâm xã. Tiếp chuyện tôi, chị Liệu không cầm được nước mắt, cứ tấm tức khóc. Chị bảo, chị không biết chữ và cũng ít đi ra ngoài. Thế nhưng, trong thâm tâm mình, chị tin chắc một điều rằng chẳng có nơi đâu người dân lại khổ như ở đất này. Nhà chị Liệu cũng chẳng hơn gì nhà chị Sáng và ông Thoa. Gia tài lớn nhất là chiếc ti vi tậm tịt, cứ bật lên một lúc rồi nó lại tự ngắt. Anh Mai Văn Ngôn, chồng chị Liệu đùa trong xót xa: Chắc là nó thương gia đình tôi, xem 1 lúc phải ngắt đi để tiết kiệm điện cho gia chủ. Nói rồi anh kể, năm 2004, vì nợ tiền thuế, chiếc ti vi đã một lần “vào kho của xã”, số phận giống như bộ bàn ghế nhà chị Sáng...

Ông Vũ Đình Phiên, Bí thư Đảng ủy xã, khi trao đổi với NNVN, cho rằng, các hộ trên cứ “nói quá lên”, chứ làm gì mà nghèo như thế. Ông Phiên còn cho biết, xã Hải Lộc chỉ còn hơn chục phần trăm số hộ nghèo theo chuẩn mới. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất của UBND huyện Hậu Lộc, tỷ lệ hộ đói nghèo của xã chiếm đến 59,8%, gần 50% số lao động trong xã không có công ăn việc làm ổn định, cơ sở hạ tầng thấp kém…

Còn nhiều những gia đình nữa ở đây, họ khác nhau gia cảnh, nhưng có những điểm chung, là đều nghèo như nhau, đều lam lũ ngược xuôi với nợ nần. Và họ chung một ước mơ cũng thật giản dị, chỉ ước một bữa no. (Còn nữa)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất