| Hotline: 0983.970.780

Một bàn tay biến những gốc tre bỏ đi thành cả gia tài

Chủ Nhật 28/07/2019 , 07:10 (GMT+7)

Những gốc tre xấu xí nhưng được ông Phan Văn Chánh (Quảng Nam) dùng một cánh tay trái chế tác thành sản phẩm độc lạ.

Công việc này đem về nguồn thu cho ông Chánh mỗi năm vài trăm triệu đồng ở làng quê thuần nông nghèo khó.

10-49-30_nh_1
Những gốc tre ông Chánh đưa về để chế tác sản phẩm.

Trong nắng hè oi ả nhưng ông Phan Văn Chánh (57 tuổi, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cần mẫn làm việc. Dưới mái hiên nhà trước sân, ông Chánh dành một khoảng rộng 30 m2 làm xưởng sản xuất đóng bàn ghế, giường… bằng vật liệu tre với một cánh tay trái.

Ở đó, mỗi ngày vang lên những âm thanh quen thuộc từ tiếng đục đẽo, tiếng máy khoan, cưa… Quanh khu vườn những gốc, cây tre chất đống nằm la liệt, chúng đang chờ ông Chánh đưa vào xưởng biến thành các bộ phận để lắp ghép thành bàn ghế.

Dừng công việc khi có khách đến nhà, ông Chánh rót chén nước trà nhâm nhi kể chuyện, năm 1982 ông đi làm thuê ở một xưởng ép mía nhưng không may bị máy cắt mất cánh tay phải. Tưởng rằng cuộc đời ông rơi vào cảnh không thể lao động mà trông chờ từ người thân nuôi sống.

Theo ông Chánh, tai nạn ấy giống như một ngã rẽ buồn của cuộc đời. Bởi từ một thanh niên khoẻ mạnh, trụ cột chính trong gia đình, bỗng chốc bị mất cánh tay đã khiến cuộc sống ông Chánh rơi vào tuyệt vọng. Đã nhiều lần ông nghĩ đến những điều không hay nhưng rồi thương vợ con, người đàn ông tàn tật đã vượt qua số phận.

Ông Chánh nằm ở bệnh viện điều trị nhiều tháng, vết thương cánh tay không còn đau đớn. Lúc này, ông muốn làm những công việc như ngày xưa nhưng rồi không được ai thuê mướn nữa. Không chấp nhận cảnh ăn bám, ông bắt đầu tập làm quen lao động với một cánh tay trái còn lại.

10-49-30_nh_2
Ông Phan Văn Chánh đang khoan lỗ vào gốc tre với một cánh tay.

Quê ông Chánh nằm bên sông Thu Bồn, nơi đây được người dân trồng tre để bảo vệ đất quang làng. Tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu từ tre, ông chặt về chẻ, vót bắt đầu tập đan thúng, mủng, rổ, ghe thuyền… Tuy còn một cánh tay nhưng sản phẩm ông làm ra được đón nhận, có nhiều người đến đặt hàng đem đi tiêu thụ. Từ đó, ông Chánh có nguồn thu nhập nuôi bản thân mà còn phụ giúp gia đình.

Rồi ngày đồ dùng bằng nhựa ra đời, sản phẩm thủ công bằng tre lép vế. Những mặt hàng do ông Chánh làm ra không cạnh tranh nổi đồ công nghiệp sản xuất hàng loạt. Trong lúc đang tìm nghề khác để mưu sinh, một hôm ông đi dọc con sông Thu Bồn thấy những bụi tre do “hà bá” nuốt xuống sông sau những đợt mưa bão để lại những gốc tre cong vẹo, sần sùi, lộ thiên trên mặt nước.

Hình ảnh ấy ăn sâu vào đầu của ông và sau nhiều đêm suy nghĩ thì lên ý tưởng đóng bàn ghế. Ông cho rằng gốc tre là tài sản, nguồn thu nhập lớn nếu biết sáng tạo. Ông mang rìu, rựa ra đốn mang về rồi và đục đẽo. Cùng với đó, ông Chánh tự thiết kế các mẫu bàn ghế để tiến hành lắp ghép thành sản phẩm.

Tuy nhiên quá trình sản xuất đồ dùng này người còn hai cánh tay làm còn khó, nói gì đến người còn một cánh tay. Bởi gốc tre ngâm dưới bùn, nước đem phơi khô rất cứng và chắc chắn nên khó chế tác. Do đó, ông Chánh chọn những dụng thích hợp để làm việc.

10-49-30_nh_3
Mất đi một cánh tay, ông Chánh dùng chân trợ giúp để làm việc.

Ban đầu, ông đóng bộ bàn ghế sô pha bằng tre để trong nhà. Sản phẩm hoàn thành thì nhiều đến thấy rất thích thú. Họ bỏ vài chục triệu đồng nhờ ông làm, cứ dần thành quen, sản phẩm bán ra thị trường và được nhiều người mua. Lúc này, ông sản xuất số lượng lớn.

Theo ông Chánh, để làm một bộ bàn ghế bằng tre không hề đơn giản. Ban đầu phải chọn nhưng gốc tre có thế tương đồng - nghĩa là hình dạng phải giống nhau. Trong khi đó đào cả bụi tre có khi không tìm ra được hai gốc có thế như nhau.

“Để khắc phục việc này, ông đào lấy tất cả gốc tre đưa về nhà. Sau đó, ông bỏ xuống ao hồ ngâm nhiều tháng trời. Cách làm này ngâm trong bùn, nước sẽ chống mối mọt tăng độ bền cho sản phẩm. Ngoài ra, gốc tre đưa về số lượng sẽ có thế tương đồng lớn hơn, lúc đó sẽ không bỏ phí”, ông Chánh giải thích và cho biết mỗi khi người nào trong xã phá tre xây bờ rào, ông đến xin đào gốc đưa về. Tuy nhiên, để xới tung được một bụi tre phải mất cả tuần mới đưa từng gốc tre về nhà.

Với cánh tay còn lại những gốc tre sần sùi, xấu xí được ông Chánh đục đẽo bóng loáng. Sau đó được lắp ráp thành những cái bàn, chiếc ghế chắc chắn. Để làm cho sản phẩm đẹp, bắt mắt ông phun sơn, pê-u tạo một lớp màu phía ngoài.

“Quá trình đục, đẽo tôi tường dùng đôi chân để hỗ trợ. Những lúc khoan lỗ cần phải nắm thật chặt, nên đôi chân thay cho cánh tay bị mất. Ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn nhưng khắc phục dần nên đã thành quen”, ông Chánh chia sẻ và nói thêm những bộ bàn ghế hình dáng độc, lạ lần lượt ra đời. Không chỉ vậy, sản phẩm từ gốc tre cũng ngày càng đa dạng hơn theo yêu cầu của khách, từ nôi, sạp, giường đến bàn thờ, chõng…

10-49-30_nh_4
Một bộ bàn ghế đã hoàn thành

Để khách biết đến sản phẩm của mình làm ra, ông Chánh chụp ảnh và đưa lên mạng facebook quảng bá. Cách làm này nhiều người theo dõi và đặt hàng.

“Khách từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mua sản phẩm và được vận chuyển đến tận nơi. Mỗi bộ bàn ghế sô pha đóng trong một tháng, gồm chín món có giá 40 triệu đồng; giường giá 7-8 triệu đồng, thời gian hoàn thành một tuần”, ông Chánh tiết lộ.

Cần mẫn làm việc thường xuyên, mỗi ngày ông Chánh thu nhập gần 1 triệu đồng, đây là khoản tiền tương đối lớn đối với người người nông thôn. Đặc biệt đối với người như ông Chánh bị tàn tật thì quả là khâm phục.

Sau nhiều năm làm việc tích góp, mới đây ông Chánh xây dựng ngôi nhà hai tầng gần 1 tỷ đồng. Số tiền này lấy từ việc đóng bàn ghế tre nhiều năm qua.

“Hiện có nhiều khách hàng biết sản phẩm tôi làm ra và đặt hàng. Tôi cố gắng làm việc để bàn giao sản phẩm, tuy nhiên chỉ có một mình làm nên thời gian kéo dài”, ông nói và tâm sự có một số người đến học nghề, ông sẵn sàng truyền dạy. Tuy nhiên, họ đến học một thời gian rồi bỏ dở với lý do bàn ghế đóng bằng tre rất khó làm.

10-49-30_nh_5
Gốc tre được ông Chánh tuyển lựa đưa về để tạo ra bàn ghế.

Tại địa phương, ông Phan Văn Chánh nhiều lần giúp đỡ người dân trong vùng có hoàn cảnh khó khăn. Ông làm không theo tổ chức, phong trào mà thực hiện từng đợt như tết đến, lũ lụt gây thiệt hại lớn… tự bỏ tiền túi ra mua hàng trăm suất quà trao tặng.

“Mỗi năm, tôi sẽ tổ chức tổ chức đấu giá một bộ sản phẩm, số tiền bán được sẽ trao cho người nghèo để chia sẻ với nhau lúc nghèo khó”, ông nói.

(Kiến thức gia đình số 30)

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.