| Hotline: 0983.970.780

Một cảm nghiệm xuân đương đại

Thứ Bảy 10/02/2024 , 06:00 (GMT+7)

Hãy thử hồi sinh nông thôn bằng một hơi thở đương đại, nối liền truyền thống với hiện đại, với hạt nhân là nhận thức của từng người trẻ, những người sẽ lưu giữ và tiếp nối ký ức.

Tôi là một trong những người nghiên cứu tạm gọi là “trẻ”, ở một vị thế “cheo leo” - giữa hai thế hệ Y và Z, lại sinh trưởng trong giao thời giữa hai thế kỷ XX và XXI, giữa bối cảnh truyền thống níu giữ và hiện đại hội nhập, do đó, cảm nghiệm của tôi về mùa xuân, về Tết cũng ít nhiều mang tính “đương đại”.

Hình có tính minh họa.

Hình có tính minh họa.

Những ngày cuối đông đầu xuân, tôi có dịp được tham gia những chuyến điền dã thực địa, tiến hành khảo sát tại một vài vùng quê đồng bằng Bắc bộ điển hình. Đứng trước khung cảnh cánh đồng trải rộng phía dưới chân trời xám hoang hoải, đối với một người sinh ra và lớn lên tại thành phố, phải chăng có sự mất kết nối, hay nhìn hiện tượng sự vật miền thôn dã bằng một cái nhìn biện biệt, xa lạ? Hay rồi tìm cách cắt nghĩa không gian này như thể thuộc về một chân trời xa xăm, thậm chí chậm chạp, lạc hậu và tĩnh mịch. Có phải như những thị dân hiện đại, đại diện cho đô thị, đã cắt đứt hoàn toàn với làng xã nông thôn, nơi tồn tại một văn hóa cổ truyền bắt nguồn từ nền canh tác nông nghiệp tưởng như thường hằng trong tâm thức Việt? Quen thả mình giữa đêm phồn hoa phố thị giăng đầy ánh đèn neon, có hụt hẫng và lọt thỏm giữa đêm ngõ xóm tĩnh mịch, tối om? Giống như trẻ con thành phố ngày nay đâu thể hình dung được thế giới mục đồng, chăn trâu cắt cỏ và những thú nghịch ngợm chân phác hồn nhiên, thay vào đó ngẩng lên là bốn bức tường bê tông và lấp mắt bởi những hình ảnh hoạt họa chớp lóa từ thiết bị điện tử. Đối với chúng, mỗi dịp hiếm hoi theo chân người lớn ra khỏi ngoại ô, là như chứng kiến một tự nhiên khác bằng sự hiếu kỳ ngô nghê.

Mọi sự lạ lùng vậy, có thể quy về một thuật ngữ, đó là “mất kết nối”, hay đúng hơn, “đứt gẫy”. Khi con người “đứt gẫy” với một truyền thống, một tình cảm đặc biệt nào đó, thì đó là một chấn thương văn hóa cần được chữa lành. Tôi nghĩ mọi chấn hưng văn hóa, trước hết là nhằm hàn gắn và tìm ra tính liên tục cho những đứt đoạn này.

Một so sánh liên hệ phổ biến là con người vốn dĩ được khai sinh từ đất, còn như ở Việt Nam, là sở hữu hồn quê, di dưỡng trong vòng bao bọc của gia đình mở rộng “tứ đại đồng đường”, mở rộng thêm ra là hàng xóm láng giềng, cố kết lại trong một thiết chế định cư nghìn đời là làng xã, bảo vệ bởi lũy tre làng. Làng quê Việt là một thứ gì đó ổn định, bất biến, và vì vậy, mang tính chất phi thời gian, từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác, và từ đời này sang đời khác, cứ thế như vậy.

Và mượn một hình ảnh ẩn dụ của triết gia Đức Oswald Spengler đã phác ra ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, thành phố hiện đại vươn vòi về những miền thôn quê, “tham lam” hút cạn hết sinh lực và chặt hết các rễ bám vào đất của chúng. Hiện thân sự “vươn vòi” của thành thị chính là quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, khi diện tích đô thị ngày một bành nở mở rộng về phía nông thôn, còn những dòng người từ làng quê (chủ yếu là thanh niên trai tráng khỏe mạnh) từ bỏ sinh kế nông nghiệp đời đời, để di cư về thành phố kiếm tìm những cơ hội việc làm mới. Ở một cực, là nông thôn đánh mất bản sắc, còn cực phía kia, hình thành những đô thị phi bản sắc. Tại đô thị hình thành một tầng lớp “trí thức du mục”, họ sinh ra lớn lên ở đô thị, nhưng mang căn cước toàn cầu, có thể ngồi một chỗ và “du hành” làm việc qua mạng internet, và bản thân họ cũng ít sự gắn kết với môi sinh của mình.

Những người đi về thành phố cũng không hề an toàn. Một báo cáo thuộc chương trình Bảo vệ Xã hội châu Á (Social Protection Asia) của Trung tâm Bảo vệ Xã hội được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) năm 2008 - 2010 đã cho thấy tác động của lỗ hổng chính sách, đặc biệt là hộ khẩu, tới người lao động di cư nông thôn - thành thị.

Hộ khẩu vô hình trung đẩy người người lao động di cư nội địa rơi vào trạng thái bất lợi về định cư, giáo dục, y tế, tham gia xã hội và cuối cùng bị cô lập xã hội. Mặt khác, lao động nhập cư nghèo ở các đô thị Việt Nam, đặc biệt là đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, cũng nhận sự kỳ thị trong lĩnh vực lao động việc làm, tham gia đời sống công cộng tại nơi sinh sống, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công, cũng như qua trải nghiệm trong đời sống đô thị. Quê hương đối với một người là bất kỳ một thành phố lớn nào đó, còn thậm chí ngôi làng gần nhất cũng chỉ là một địa hạt xa lạ. Thà chết trên hè phố còn hơn là quay trở lại thôn quê. Và thậm chí ngay cả sự ghê sợ trước hào quang phù phiếm, nỗi mệt mỏi trước ánh sáng lấp lánh nghìn màu, thì đến cuối cùng taedium vitae (sự chán ghét cuộc sống) vẫn chỉ xâm chiếm con người thay vì giải phóng họ. Họ mang cả thành phố lên núi lẫn ra biển. Họ đánh mất nông thôn trong chính mình và sẽ không bao giờ tìm lại nó bên ngoài nữa.

Thực chất, nông thôn và thành thị Việt có một mắt xích liên hệ truyền thống thiên niên kỷ. Đó không thuần túy là mối liên kết chuỗi giá trị, từ những làng nghề ven đô tới các “văn phòng đại diện” là các phố Hàng ở kinh đô Thăng Long, mà còn là một sự kết nối thiêng liêng, giữa làng và những “đình trong phố”. Gần đây tôi có chuyến về làng nghề Quất Động (Thường Tín) để nghiên cứu về ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, và ít ngày sau đó, lại có cơ hội dự triển lãm “Chuyện Đình trong Phố” do nhóm nghệ sĩ đương đại tổ chức tại đình Tú Thị (phố Yên Thái, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận được sự quan tâm của bộ phận công chúng trẻ. Mặc dù cả hai nơi đều phụng thờ vị tổ nghề này, nhưng “hồn quê” được biểu đạt theo hai cách khác nhau: Một bên vẫn là sự trình hiện thuần hậu của truyền thống qua kiến trúc và cảnh quan, nhưng một bên lại là sự tích hợp ngôn ngữ nghệ thuật đương đại thông qua các tác phẩm tranh lụa và sắp đặt của các nghệ sĩ trẻ để tạo ra đối thoại giữa truyền thống và hiện đại, cũng như với nơi chốn.

Ta cứ nghĩ chấn hưng văn hóa là phải lượng hóa bằng con số, xây thật nhiều thiết chế “cứng” trị giá “trăm tỷ, nghìn tỷ” như tượng đài, nhà hát, nhà văn hóa, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, cổng chào… Song những nhà văn hóa, thư viện tiêu điều hoang phế vẫn còn ngổn ngang nằm đó ở nhiều địa phương. Tại sao chúng ta không quay trở về cốt lõi của văn hóa, là con người, chủ thể tạo tác văn hóa. Hãy thử hồi sinh nông thôn bằng một hơi thở đương đại, nối liền truyền thống với hiện đại, với hạt nhân là nhận thức của từng người trẻ, những người sẽ lưu giữ và tiếp nối ký ức.

Với tôi, nông thôn không xa biệt cách trở. Tôi cũng có một miền quê hương thương mến để trở về và hồi niệm mỗi dịp Tết đến xuân về, hay vào tiết Thanh minh, là nơi đánh thức cảm thức cội nguồn, để được bày tỏ lòng thành kính với tiền nhân và bằng an trong tình cảm nồng hậu của họ hàng ruột thịt. Sự ấm cúng này bao trùm toàn bộ cảm nghiệm cứ ngỡ là đương đại, nhưng thực ra lại rất đỗi gần gũi và hướng về tâm cảm truyền thống.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.