| Hotline: 0983.970.780

Một chuyến đi rừng

Thứ Năm 20/06/2013 , 09:24 (GMT+7)

Nghề báo là nghề nguy hiểm. Và, sự nguy hiểm tăng bội phần khi thực hiện những đề tài “nóng”.

Nghề báo là nghề nguy hiểm. Và, sự nguy hiểm tăng bội phần khi thực hiện những đề tài “nóng”. Giữa tháng 4 vừa qua, tôi đã có chuyến đi 1 tuần để viết loạt bài điều tra về tình trạng phá rừng ở Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng) và Bắc Bình (Bình Thuận). Đây là một trong những chuyến đi đáng nhớ của tôi.

CÀNG ĐI CÀNG THẤY XÓT XA!

Sáng tinh mơ, tôi và 1 đồng nghiệp cùng 4 chàng trai dẫn đường trong trang phục của người đi rừng leo lên 3 chiếc xe máy siêu “độ” thẳng tiến vào rừng. Trên mỗi xe chất đầy đồ dùng cá nhân, thức ăn, nước uống và 20 lít xăng dự phòng.

Đi vài cây số, xe chúng tôi bắt đầu nhảy tưng tưng trên con đường mòn đầy đá sỏi, gập ghềnh, có những đoạn chỉ vừa lọt bánh xe. Càng vào sâu, đường càng khó đi hơn. Xe liên tục leo lên những con dốc dựng đứng lại chúi đầu lao xuống. Mỗi khi xe leo dốc, T. lại nhắc tôi: “Anh ngồi sát vào, nếu không xe bật ngửa đấy”.

Trên con đường này, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe “cải tiến” ra vào. Mỗi xe ra, chở ít nhất 8 khối gỗ các loại. Chính vì thế, hai bên đường tạo thành những mương sâu cả nửa mét, xe chúng tôi phải chạy giữa đường, trên phần “sống trâu”, và không ít lần lọt xuống mương, phải hè nhau khiêng xe lên. Con đường như vậy mà T. bảo lâm tặc vẫn có thể “cõng” 2 khối gỗ ra bằng xe máy.


PV trong vai người đi rừng

Quá trưa ngày đầu tiên, vượt gần 20 cây số đường rừng, qua khỏi ngã ba Phượng Hoàng, chúng tôi bắt gặp 1 chiếc xe “cải tiến” chở đầy gỗ chết máy giữa bãi lầy trên đường ra. Không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi đi thêm một đoạn rồi dừng xe, leo lên quả đồi bên đường, tiếp cận chiếc xe cải tiến để ghi hình.

 T. không yên tâm nên bước theo tôi, thì thầm: “Anh đi theo em, cẩn thận kẻo nó thấy là tụi em hết đất sống. Lâm tặc ở đây toàn người địa phương nên biết nhau hết”. Càng vào sâu tôi càng xót xa trước cảnh hoang tàn của rừng. Làm sao có thể gọi đây là rừng được khi mà những cây gỗ to chỉ còn trơ gốc. Vô số những vạt rừng thông bị đốt cháy đen, bị vạt gốc, gãy đổ ngổn ngang…

Đến khu vực mà T. gọi là Dốc Lở, chúng tôi dừng xe quan sát. Chàng trai dẫn đường tên S. bảo: “Giống ngã ba Phượng Hoàng, đây là điểm tập kết của lâm tặc. Tụi nó chở gỗ ra đến đây thường dừng lại để nghỉ, ăn uống”. Chỉ tay về phía mấy quả đồi còn màu xanh trước mặt, S. nói tiếp: “Bên đó là rừng nguyên sinh. Bên này hết cây rồi, tụi nó đang cắt bên đó, sang là gặp. Nhưng phải đi bộ và ngủ đêm trong rừng, vất lắm, chịu nổi không?”. Thấy tôi gật đầu quả quyết, S. cười: “Chịu chơi vậy? Từ đó đến giờ chưa có nhà báo nào vào đến đây chứ đừng nói là sang bên đó”.

Vất vả thế, nhưng bù lại, tôi đã có được những thước phim, những bức ảnh sinh động ghi lại cảnh phá rừng như một “công trường”, những đống gỗ vừa xẻ xong, những chiếc xe cải tiến lặc lè gỗ trên thùng đang “bò” ra….

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Và, đúng như lời S. nói, quá vất vả! Nhiều lần tôi phải ngồi bệt giữa lưng chừng dốc vài phút vì đôi chân cứng đơ, không thể nhấc lên nổi. Ấy vậy mà, lâm tặc cũng đã kịp làm “sạch” các loại gỗ quí.

NHỮNG ĐIỀU ĐỌNG LẠI

Trở về sau chuyến đi, chúng tôi hăm hở ngồi viết. Ngay sau đó, loạt bài đăng tải đã gây chấn động ở Ninh Loan, Đà Loan, và các vùng lân cận của huyện Đức Trọng. Có thể nói, đây là một đòn quá mạnh hất đổ “bát vàng” của những “làng" lâm tặc, bao năm nay vẫn “yên ổn” phá rừng. Chúng không tin là có phóng viên “tận đẩu tận đâu” đến mà rành đường, lại “đủ gan” vào sâu, vào tận nơi như thế.


PV đang ghi lại hình ảnh những vạt rừng thông bị cháy nham nhở

Bên cạnh đó, chúng tôi đã có sơ suất là một chi tiết, dù rất nhỏ, trong bài viết, nhưng cũng khiến chúng đoán ra ai là người đã dẫn chúng tôi vào rừng. Và, điều gì phải đến cũng đến, dù chỉ mới nghi ngờ thôi, chúng đã liên tục “bắn” tin đe dọa lấy mạng nhằm uy hiếp tinh thần họ.

Quá lo sợ, những người dẫn đường cho chúng tôi đã phải lánh vào rừng, rồi nửa đêm, cắt rừng đi xuống Biên Hòa, TP.HCM trú tạm. Trước tình thế này, chúng tôi đã nỗ lực liên hệ với cơ quan công an địa phương đề nghị họ can thiệp. Cuối cùng, chúng tôi tạm “thở phào” khi biết lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Công an huyện Đức Trọng làm rõ, bảo vệ người dân.

Ngay sau khi loạt bài phá rừng đăng tải, một đoàn công tác liên ngành gồm công an, kiểm lâm các cấp và chính quyền địa phương đã về các xã Ninh Loan, Đà Loan (Đức Trọng) “quần” suốt một tuần. Họ đã phát hiện cả trăm khối gỗ quí giấu trong rừng, nhưng là gỗ “vô chủ”. Chỉ có thế. Chẳng có lâm tặc nào bị phát hiện, gần 40 chiếc xe cải tiến (không thể đăng ký vì sai kết cấu) vẫn bình yên vô sự vì đã được giấu kỹ trong nhà.

Một dấu hỏi lớn trong tôi sau chuyến đi là: Muốn vào rừng Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng), hay Bắc Bình của Bình Thuận mang gỗ ra, bắt buộc phải đi con đường “độc đạo” qua Ninh Loan, Đà Loan. Trên tuyến đường này, trạm kiểm lâm, bảo vệ rừng, công an xã, UBND xã đều có. Vậy những chiếc xe cải tiến ầm ầm chạy vào rừng lúc 9-10 giờ sáng rồi lặc lè chở đầy gỗ quay ra lúc 5-6 giờ sáng hôm sau ngay trước mắt mà không ai biết?

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.