| Hotline: 0983.970.780

Một Cty phân bón lừa trắng trợn nông dân

Thứ Hai 05/11/2012 , 10:07 (GMT+7)

Đây là Cty chuyên SX phân vi sinh, phân bón lá thành lập từ năm 2010 nhưng nằm ngoài tầm quản lý của cơ quan chức năng...

Sản phẩm phân bón lá “cao cấp” BioGrain mẫu mã rất hoành tráng nhưng thật chất là lậu, bởi không qua khảo nghiệm, không đăng ký vào danh mục phân bón lá được phép sử dụng tại VN

Đây là Cty chuyên SX phân vi sinh, phân bón lá thành lập từ năm 2010 nhưng nằm ngoài tầm quản lý của cơ quan chức năng nên tha hồ SX “lậu” để đưa xuống vùng sâu, vùng xa nhằm lừa bịp nông dân.

Ông Đào Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch HND xã Tân Hòa, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cho biết, gần đây, nông dân trong xã mua phân bón từ một vài đại lý ở ấp Đông Hưng, thị trấn Tân Hiệp phản ảnh về trường hợp 1 sản phẩm có tên là BioSupercasi, không hiểu là phân hay thuốc nhưng được quảng cáo là một dạng phân bón qua gốc loại 10 kg nhưng lại là “thuốc dạng bột” dùng để trộn với phân rắc cho lúa với liều lượng sử dụng 1kg cho 1.000m2 làm “siêu ra rễ”. Tuy nhiên, khi bón cho cây lúa thấy có hiện tượng vàng lá so với ruộng không dùng sản phẩm này.

Ông Trần Văn Thời ở thị trấn Tân Hiệp cho biết, tháng 9 vừa rồi, qua giới thiệu của đại lý, ông mua 1 thùng 10 kg BioSupercasi (giống như thùng sơn) mang về trộn với phân NPK để bón cho lúa với giá tiền là 55 ngàn/kg, sau đó nhận thấy cây lúa có hiện tượng vàng lá. “Tui nghi ngờ chất lượng sản phẩm nên quay lại hỏi đại lý, ở đó bảo chai phân to đùng in tên nhà SX, bao bì sản phẩm rõ ràng đẹp đẽ thế này thì còn lăn tăn chất lượng cái gì nữa” (!?).

Ông Thời đưa chúng tôi xem bao bì, trên đó ghi của Cty Biomekong ở Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Không chỉ vậy, người dân ở vùng trồng thanh long huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang còn phản ảnh thêm trường hợp sản phẩm phân bón lá BioGrain với đầy đủ thành phần N, P, K cùng các nguyên tố vi lượng khác như Fe, Cu, Zn... cũng của Cty Biomekong, chai nhựa có dung tích 500 ml với giá bán 140 ngàn, mẫu mã bao bì sặc sỡ, được quảng cáo là “phân bón cao cấp” làm “thúc ra hoa, tăng đậu trái” (thực chất là phân bón lá - PV) chuyên dùng cây ăn trái được chuyển giao trực tiếp từ công nghệ Nhật Bản nên in luôn cả lá cờ Nhật. Tuy nhiên, trong thực tế cũng không thấy hiệu quả như quảng cáo.

Dựa trên bao bì sản phẩm do nông dân cung cấp, chúng tôi vất vả lắm mới tìm đến địa chỉ công ty (đồng thời là nơi SX ghi trên bao bì -PV) mới té ngửa bởi đó là nhà riêng (số 25/2D) của ông Giám đốc Trần Hồng Ruyên, bên trên có gắn biển hiệu rất nhỏ, chú ý mới thấy “Cty CP Sinh học Mekong”.

 Ông Dũng, phó ấp Xuân Thới Đông 1 cho biết, hơn 1 năm trước không hiểu lý do gì mà ông Ruyên có “kéo” bảng hiệu xuống. Nhưng không lâu sau đó ông lại dựng bảng hiệu lên cho đến bây giờ. “Nói thật, ông Ruyên làm gì thì ngay cả chính quyền địa phương cũng không ai biết. Ban ngày nhà ông đóng cửa, buổi tối ông mới có mặt nên làm gì có chuyện ở đây SX phân bón. Nếu có thì chúng tôi đã biết ngay” - ông Dũng khẳng định.

Thận trọng hơn, chúng tôi tiếp tục liên hệ với đại diện Cục Trồng trọt phía Nam nhờ xác minh 2 sản phẩm “phân bón cao cấp” BioSupercasi và BioGrain có nằm trong danh mục đăng ký được phép của Nhà nước lưu hành trên thị trường hay không?

Qua ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục Trồng trọt, ngày 22 và 29/10, chúng tôi kết nối được với Phòng Sử dụng đất và phân bón của Cục Trồng trọt ở Hà Nội. Thật bất ngờ, sau khi tra cứu danh sách các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón lá được cấp phép, ông Cao Việt Hưng, Phó phòng này cho biết cả hai sản phẩm nói trên đều không có nằm trong danh mục được cấp phép lưu hành. Nói cách khác, Cty Biomekong của ông Ruyên đã và đang bán sản phẩm phân bón bất hợp pháp, hoàn toàn không qua khảo nghiệm, lừa bịp bà con nông dân bằng bao bì đẹp, quảng cáo nổ không có thật với giá tiền trên trời.

Nên nhớ, qui trình đăng ký một sản phẩm (SP) phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón lá thường kéo dài mất trên 1 năm, trong đó kinh phí khảo nghiệm tốn kém không dưới 30 triệu đồng/sản phẩm. Trước hết, DN nộp đơn đăng ký ở Cục Trồng trọt (Hà Nội), ở đó họ “ok” thì DN mới ký hợp đồng với đơn vị khảo nghiệm, sau đó ra Hà Nội trình bày trước hội đồng. Được chấp nhận thì Cục Trồng trọt mới cấp phép lưu hành.

“Cty Biomekong đã vi phạm nghiêm trọng điều 17, Nghị định 113 năm 2003 của Chính phủ, đó là phân bón lá bắt buộc phải được khảo nghiệm để đưa vào danh mục phân bón được phép SX, kinh doanh và sử dụng ở VN. Do vậy, có thể coi Cty này đã SX và lưu hành phân bón lá giả. Ngoài ra, điều 25 của Nghị định cũng qui định thêm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các qui định của Nghị định về SX, mua bán, vận chuyển, cung ứng dịch vụ phân bón thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường” (LS Trần Văn Đức - Trưởng VP LS Cần Giờ, TP.HCM).

Thế nhưng, vì chạy theo lợi nhuận cùng với sự tiếp tay của một số đại lý “đen” mà Cty Biomekong đã cố ý làm trái các qui định của pháp luật. Thế nên, một sản phẩm phân bón đưa ra thị trường không chỉ cố tình ghi sai địa chỉ SX mà còn không nằm trong danh mục thì chất lượng thế nào chắc ai cũng rõ, tất nhiên hậu quả người nông dân gánh chịu.

Điều đáng nói là, Cty Biomekong còn sống “nhăn răng” ra đó, nhưng trong danh sách quản lý các đơn vị SX kinh doanh phân bón các loại gồm đến 188 DN của Phòng NN thuộc Sở NN-PTNT TP.HCM lại không có tên công ty này.

Một đại diện Phòng NN cho hay, Sở chỉ quản lý những đơn vị còn trao đổi báo cáo thống kê qua đường công văn, còn những công ty nào không trao đổi, tức đã “chết”, nghĩa là không còn hoạt động nữa.

Tương tự, ông Lý Sâm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hóc Môn cũng cho biết cái tên Cty Biomekong nghe lạ quá, ông “không biết” và chắc là “không có trên địa bàn huyện”. Rõ ràng, chính vì sự thờ ơ, quan liêu của các cơ quan chức năng nên Cty Biomekong mới có “cửa” hoạt động, để cho ra đời các sản phẩm phân vi sinh, phân bón lá không chỉ được quảng cáo như một loại “thần dược” cây trồng mà nó còn công khai lậu trên thị trường từ nhiều năm nay mà không ai biết.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.