| Hotline: 0983.970.780

Một đêm, tiền tỷ trôi sông...

Thứ Ba 27/07/2010 , 12:41 (GMT+7)

Trong vô vàn thất bại trong sản xuất nông nghiệp có lẽ mất mát do thiên tai là ác nghiệt, cay đắng nhất. Trường hợp sau đây là một điển hình cho thấy làm nông nghiệp cực kỳ rủi ro...

Chị Bùi Thị Giang: “Cơn lũ quét bất ngờ làm bay luôn hệ thống nuôi ba ba...”

Trong vô vàn thất bại trong sản xuất nông nghiệp có lẽ mất mát do thiên tai là ác nghiệt, cay đắng nhất. Trường hợp sau đây là một điển hình cho thấy làm nông nghiệp cực kỳ rủi ro...

Cách đây mấy năm, gia đình chị Bùi Thị Giang (tiểu khu 13, phường Bắc Nghĩa - TP Đồng Hới - Quảng Bình) đầu tư xây dựng trang trại trên vùng đất rộng hơn 2 ha cạnh con sông Mỹ Cương, cách hồ chứa nước Phú Vinh không xa.

Trước đó, chị Giang cũng đã khăn gói quả mướp "tầm sư học đạo” ở những trang trại ăn nên làm ra ở tỉnh bạn. Lĩnh hội nhưng kinh nghiệm quý trở về bắt tay xây dựng mô hình trang trại. Với số tiền dành dụm và vay mượn bà con, ngân hàng, chị đầu tư vào mô hình chăn nuôi lợn, gà... Ngay năm 2005, vụ đầu tiên trang trại đã trúng lớn với lượng thịt hơi xuất chuồng cao, giá cao. Kế đó, chị mạnh dạn đầu tư nuôi tăng thêm 500 lợn thịt siêu nạc và đưa tổng đàn gà lên 4.000 con. Chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trung bình mỗi năm xuất 3 lứa lợn, mỗi lứa gần 40 tấn thịt cùng hàng với gà đã thu lãi trên 500-600 triệu đồng mỗi năm.

Thừa thắng xông lên, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm những thành công ban đầu, chị Giang mở rộng trang trại theo hướng đa nghề. Tận dụng diện tích còn lại, chị đầu tư đào trên 5.000m2 ao hồ thả cá và một hệ thống 6 hồ xây bằng gạch bloc nuôi ba ba. Lúc này, trang trại của chị Giang được đánh giá là điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của cả tỉnh với mức thu nhập hàng năm vài tỷ đồng. Nhiều tổ chức, đơn vị và lãnh đạo thành phố đã đến thăm, học tập kinh nghiệm... Sau gần 2 năm đầu tư nuôi ba ba, chị Giang bắt đầu tính toán xuất lứa ba ba thương phẩm đầu tiên thì tai họa như tự trên trời rơi xuống mà không hề có sự báo động nào trước.

Chị Giang như còn bàng hoàng nhớ lại: “Lúc đó là rạng ngày 8/11/2008, mưa lớn đổ xuống trên địa bàn. Tuy nhiên, các phường Bắc Nghĩa, Đồng Sơn được ví như vùng cao của thành phố nên cũng không ai lo sợ gì. Bất ngờ, lũ lên nhanh như cướp chợ, phút chốc đã tràn qua tất cả, cuốn đi tất cả...”. Ang Hoàng Văn Dương (chồng chị Giang) tiếp lời: “Lúc đó khoảng 4 giờ sáng, đang nằm nghe tiếng nước réo, tôi đi ra sông Mỹ Cương xem thì thấy nước mấp mé chân bụi tre, Khoảng một giờ đồng hồ thì nước tống về nhanh như chớp, chốc đã tràn hết vườn tược rồi ngập lên gần cả mét nước...”.

Thấy nước lên quá mạnh, chị Giang gọi điện thoại báo cho lãnh đạo phường Bắc Nghĩa xin hỗ trợ. Chỉ hơn một giờ đồng hồ sau, nước đã tràn qua trang trại và dâng lên rất mạnh. Lực lượng xung kích của phường huy động được khoảng 30 người và 3 xe ô tô tải đến để chuyển số lợn, ba ba, cá, gà lên vùng cao nhưng cũng không được vì nước đã chặn hết lối vào. Trong đêm, nước réo ầm ầm, ô tô pha đèn cũng không thể tìm thấy đường đi vào trang trại, chỉ cần sẩy bánh là nguy hiểm ập đến liền. Lúc đó, hơn 20 lao động trong trang trại cùng vợ chồng chị Giang vật lộn với lũ để cứu đàn lợn. Gỗ ván được huy động để kê sạp. Cứ kê được tấm nào là đẩy mấy con lợn lên đứng trên đó cho khỏi bị ngập nước. Nhưng cũng được non 100 con lợn được “cứu hộ” thì hết ván và lúc đó lũ cũng đã dâng ngập khắp trang trại ở độ sâu trên 1m nước. Nước xiết cuốn đi đàn lợn, gà trong đêm, chỉ nghe trong tiếng nước réo là tiếng lợn rống, gà quác đến đau lòng... Tại thời điểm đó, được tin báo, lãnh đạo thành phố Đồng Hới lên tận trang trại để kiểm tra tình hình nhưng cũng không thể vào được khu vực trang trại mà chỉ đứng nhìn từ xa vì lũ đã chia cắt.

Rạng sáng nhìn rõ mặt người thì vợ chồng chị Giang như lả đi vì nhìn cảnh trang trại xác xơ sau cơn lũ. Khu chăn nuôi gà trống hoác cả 4 phía, trên tấm lưới B40 ngăn chắn bị lũ xô nghiêng chờ sập xuống. Cả trại gà khoảng 3.000 con (mỗi con xấp xỉ 1 kg) trôi sạch chỉ còn lại hơn chục con chết dính vào tấm lưới chắn. Phía hồ cá chỉ còn lại mặt nước ngầu đỏ. Hệ thống hồ nuôi ba ba được xây kè, tường kiên cố bị lũ xé toác một đoạn hơn chục mét. Trên 3.000 con ba ba (được 23 tháng tuổi) cũng bị lũ cuốn trôi sạch trơn.

Phía trái trang trại, mấy dãy chuồng lợn gần như im ắng. Gần 700 con lợn thịt mỗi con xấp xỉ 80 cân chuẩn bị tháng sau xuất chuồng phần bị trôi, phần bị nhấn trong nước lũ nên nằm thở thoi thóp và bắt đầu bỏ ăn... Theo con số mà gia đình chị Giang tính toán sơ bộ thì thiệt hại do lũ quét cũng xấp xỉ 2 tỷ đồng. Nếu như tính đến thời điểm xuất lợn, gà, cá, ba ba... thì thiệt hại còn lớn hơn nhiều.

Ông Phan Văn Phả, Chủ tịch UBND phường Bắc Nghĩa khi nói về cơn lũ bất thường của năm 2008 còn nhấn mạnh: “Chưa bao giờ vùng cao như Bắc Nghĩa lại bị lũ quét. Hơn nửa số hộ dân bị ngập sâu trong biển nước; 5 trang trại chăn nuôi tổng hợp gần như bị mất trắng; 35 ha ao hồ nuôi cá bị ngập... Tổng số thiệt hại lên nhiều tỷ đồng. Trong đó thiệt hại lớn nhất ở trang trại chị Giang. Lũ này rất bất ngờ vì bình thường thì nước ở hạ lưu sông Long Đại, Lệ Kỳ... đổ về dâng lên cũng chỉ mấp mé bờ sông Mỹ Cương mà thôi. Nhưng vì nước xả lũ từ hồ Phú Vinh về mạnh quá, kết hợp với nước dâng của các con sông kia nên tạo cơn lũ nằm ngoài sự phòng tránh...”.

Sau lũ, tinh thần vợ chồng chị Giang bắt đầu oải vì... nợ. Khoản nợ gần 5 tỷ đầu tư trang trại của ngân hàng cũng bắt đầu đến kỳ trả vốn. Đàn lợn thì phải bán tống bán tháo. Không kỳ nèo giá cả, cứ có ai đến hỏi mua và họ đưa ra giá nào chị Giang cũng gật đầu đồng ý. Nếu không để lại thì chỉ có nước đem đi chôn. Thôi thì cố vét vát được đồng nào hay đồng đó. Nợ thì phải trả, chị Giang chạy đôn đáo, ngược xuôi, thậm chí cả vay nóng để trả ngân hàng, rồi vay nợ để trả vay nóng. Vòng vay trả, trả vay xoay vợ chồng chị như đèn kéo quân. Thương chị gặp tai họa bất ngờ, bà con họ hàng người không có tiền thì cho chị “mượn” sổ đỏ thế chấp ngân hàng mà vay để trả nợ. “Xác định làm ăn thì phải có nợ. Nhưng nợ nằm trong tầm kiểm soát của mình thì không vấn đề gì. Chẳng hạn như năm đó, tôi không bị mất vố đau đó thì cuối năm có thể thu được gần 3 tỷ đồng, trong đó lãi sẽ trên 500 triệu đồng và vốn thu hồi được 2,5 tỷ đồng. Phần lãi thì trả ngân hàng và tiền vốn giữ được tiếp tục đầu tư kinh doanh thì không có gì phải sợ...” - chị Giang tâm sự tiếp.

Tiếp theo những tháng ngày khốn khó, hai vợ chồng trần lưng ra làm đủ các việc; trồng chuối vườn, mua cây cảnh về tạo dáng bán lại cho người có nhu cầu và có được đồng nào lại tạo vốn... nuôi lợn. Anh em làm công cũng thông cảm cho khó khăn của chị Giang nên cũng không đòi hỏi chế độ. Họ cho nợ lương chừng 4-5 tháng, khi chị xuất lứa lợn có tiền mới thanh toán chuyện công sá. Bây giờ, ao cá và hồ nuôi ba ba vẫn còn nguyên như “phế tích” của cơn lũ năm nào. Chị Giang tâm sự: “Tôi cố tập trung vực dậy khu nuôi lợn trước đã. Hiện đã có được đàn lợn thịt 300 con và 120 lợn nái rồi. Thôi cứ từ từ làm lại. Chả lẽ ông Trời lại hành hạ mình thêm lần nữa hay sao...”.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm