| Hotline: 0983.970.780

Một địa chỉ thiên nhiên giữa lòng Hà Nội

Thứ Năm 27/04/2023 , 10:27 (GMT+7)

Chỉ vừa qua cây cầu Thanh Trì bắc ngang sông Hồng là tôi đã bỏ lại thành phố phía sau lưng để đi trong miên man của khu vườn ven triền đê lộng gió.

Nông trại hữu cơ Tuệ Viên có diện tích rộng hơn 2 ha ở phường Cự Khối, quận Long Biên như một khoảng không gian hiếm hoi của vườn xưa giữa ngột ngạt đô thị, có lũy tre bao quanh, có các loại cây ăn quả quen thuộc, có những luống rau màu xanh mướt mát. Trải nghiệm một bữa ở đây với đĩa đu đủ ăn lá, đĩa cá kho, đĩa trứng bác ngải cứu, bát sung dầm tương, bát canh rau mồng tơi mà hậu vị cứ đọng mãi trong tôi.  

Chị Nguyễn Thanh Phương-phụ trách kinh doanh kể, hành trình của Tuệ Viên bắt đầu từ năm 2008, khi thành viên sáng lập một tập đoàn đầu tư lớn của Việt Nam rời vị trí để khoác lên mình tấm áo nông dân. Lúc bấy giờ nông nghiệp hữu cơ vẫn là một khái niệm xa lạ trong xã hội: Thứ nhất không biết hữu cơ là gì; thứ hai nghĩ đó là phương pháp canh tác lạc hậu, kiểu ông bà mình ngày xưa chứ không có yếu tố khoa học; thứ ba không tin bởi họ đã bị lừa nhiều về “thực phẩm bẩn” đội lốt “thực phẩm sạch”.

Niềm vui của người làm nông nghiệp an toàn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Niềm vui của người làm nông nghiệp an toàn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Về canh tác, ban đầu Tuệ Viên gặp rất nhiều khó khăn bởi khu vực này vốn là cái lò gạch cũ đã bị hớt hết lớp màu, bởi nền tảng đất, nước, không khí đã không còn sạch, bởi khan hiếm các giống bản địa. Thêm vào đó, kinh nghiệm sản xuất của nông dân bị mai một, có nữa cũng là chắp vá. Rất hiếm người biết nhìn đọt măng mọc ở giữa bụi để biết năm đó sẽ có bão lũ to. Rất hiếm người biết nhìn cây xoan ra những chúm lá chân chó để biết đông đã hết rét, mạ ra đồng sẽ an toàn.

Tuệ Viên đi tiên phong hữu cơ trong hoàn cảnh sản phẩm bán chậm, lại chưa cấp giấy chứng nhận để tạo dựng niềm tin. Không chỉ xã hội mà ngay cả người thân của các thành viên trong nông trại cũng định kiến về chuyện con em mình đi học bao nhiêu năm mà lại về làm nông, cuốc xới.  

Tuệ Viên là một trong những thương hiệu rau hữu cơ đầu tiên ở Hà Nội đưa vào các hệ thống siêu thị. Dần dần, truyền thông vào cuộc bằng cách tuyên truyền nhiều hơn về nông nghiệp hữu cơ, Nhà nước vào cuộc bằng những chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp hữu cơ nên chặng đường ấy mới bớt chông gai nhưng cũng chẳng phải là đã trải sẵn hoa hồng.

Những luống rau xanh mướt ở Tuệ Viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những luống rau xanh mướt ở Tuệ Viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

7-8 năm trước, khi cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của tác giả Nhật Fukuoka được dịch ra tiếng Việt, rất nhiều bạn trẻ đã hồ hởi rời thành phố về quê để làm nông thuận tự nhiên, cũng là một cách để chữa lành những tổn thương thầm kín trong tâm hồn phố thị. Người sáng lập Tuệ Viên thấy họ không được trang bị tâm thế, không có đủ vật lực thì dễ thất bại nên khởi xướng ra chương trình tình nguyện viên, đón những ai muốn học về nông nghiệp hữu cơ đến nuôi ăn ở, có người tới 10 tháng.

Tổng cộng cả ngàn tình nguyện viên gồm sinh viên các trường nông nghiệp lẫn những bạn trẻ tự do đã đến nhưng chỉ có một người lập vườn khi về. Thế mới biết hữu cơ là một chặng đường dấn thân đầy quả cảm. Khởi đầu là rau, sau đó chế trà, xà phòng, nước rửa bát, nước xúc miệng, dầu gội đầu đến năm 2019 thì Tuệ Viên cho ra đời dòng sản phẩm “Tôi là thảo mộc”.

Sản xuất theo chuỗi, từ đầu vào tự làm phân bón hữu cơ, vi sinh đến xuất bán sản phẩm tươi, chế biến và du lịch. Có hai nhóm nguyên liệu chính của dòng sản phẩm “Tôi là thảo mộc”, thứ nhất như lá ổi, bồ kết, bồ hòn phải mua, còn các loại khác thì tự trồng. Riêng về lá ổi, Tuệ Viên đang liên kết với 9 hộ nông dân VietGAP của phường Cự Khối.

Hai nhân viên của Tuệ Viên (trái) đang hướng dẫn nông dân cách tỉa cành ổi, thu lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai nhân viên của Tuệ Viên (trái) đang hướng dẫn nông dân cách tỉa cành ổi, thu lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Nông dân khi chuyển đổi sang canh tác bền vững có nhiều nỗi sợ như sợ năng suất sụt giảm, sợ chi phí tăng, sợ giá bán ra thấp. Chúng tôi thuyết phục họ làm theo bằng việc dẫn chứng ra những số liệu của cơ quan chức năng về tình hình bệnh ung thư  tại Việt Nam, bằng những ví dụ về các trường hợp bệnh ung thư ngay tại cộng đồng của chính họ. Thay vì nông dân trước chỉ bán quả ổi, giờ bán cả quả lẫn lá lúc tỉa cành.

Từ lá ổi chúng tôi chế ra nước rửa bát an toàn. Từ 13 loại thảo mộc theo công thức truyền thống chúng tôi chế ra dầu gội đầu giúp giảm rụng tóc. Nhưng nó không phải là thần dược bởi phải chăm tóc từ gốc. Nếu người dùng vẫn thức khuya, vẫn ăn nhiều đồ béo, hóa chất, lười tập luyện thì không mấy tác dụng.

Hiện sản lượng dầu gội mỗi tháng trên dưới 1.000 chai, nước rửa bát hơn 1.200 chai, can, ngoài nhãn mác của Tuệ Viên, chúng tôi còn cấp cho các đơn vị khác làm thương mại. Về rau, chúng tôi hiện chỉ đủ để duy trì cho gần 50 khách lẻ, đặt theo tuần, sản lượng mỗi lần 50-70 kg gồm các loại rau lá, gia vị được gói bằng chính các loại lá trong vườn”, chị Phương chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.