| Hotline: 0983.970.780

Một doanh nghiệp bội tín, xù nợ nông dân

Thứ Ba 12/08/2014 , 08:41 (GMT+7)

Cty CP Đầu tư phát triển STEVIA Á Châu (Cty Á Châu), đơn vị ký hợp đồng trồng và thu mua ớt bội tín rồi xù nợ nông dân Thanh Khê. Ngoài Thanh Khê, DN này còn từ chối thu mua ớt, bí, nợ nông dân khá nhiều tiền tại nhiều địa phương khác trên địa bàn Nghệ An./ Nghệ An: Ớt đỏ đồng, dân đỏ lòng

* Xã ép dân trồng ớt?!

Người dân xã Thanh Khê (huyện Thanh Chương, Nghệ An) phản ánh, vụ xuân 2014, UBND xã Thanh Khê ép người dân trồng ớt. Hộ nào không trồng ngoài việc bị phạt, UBND xã còn từ chối giao dịch hành chính.

Ép dân trồng ớt

Một người dân trú tại xóm 6 (xin giấu tên) cho biết: “Từ trước đến nay, đất bãi bồi của xã Thanh Khê đều giành để trồng lạc, cho năng suất cao, dễ bán. Không hiểu sao, năm nay bỗng dưng xã ép dân phải trồng ớt?

Nhà tôi có 4 suất đất phải chuyển sang trồng ớt và đã nhập cho Cty Á Châu được 60 kg nhưng họ mới trả được 82 nghìn đồng. Từ đó đến nay, họ chẳng ngó ngàng gì đến nữa, mấy hôm trước, chúng tôi đem ớt đi nhập nhưng công ty không đến nên phải đem đổ. Không biết số tiền còn lại ai trả, giờ chúng tôi biết hỏi ai?”.

Theo nhiều hộ dân, do không chịu làm theo chủ trương của xã, họ đã bị cán bộ xã từ chối giao dịch hành chính. Anh Nguyễn Văn Trường, một hộ nghèo tại xóm 8 bức xúc: “Cán bộ xóm báo với dân, nếu không làm theo chủ trương của xã, thì vừa bị phạt 300.000 đồng/sào vừa bị xã từ chối giao dịch bằng con dấu, nên tôi phải lên xã nhận cây giống về trồng nhưng bị chết gần hết đành phá bỏ trồng lạc.

Hôm lên xã xin công chứng Giấy chứng nhận hộ nghèo để giảm tiền ăn trưa cho con học trường mầm non, cán bộ xã không giải quyết với lý do không chấp hành trồng ớt”.

Điều khiến người dân Thanh Khê không chịu chuyển đổi mô hình từ cây lạc sang ớt là do lạc trồng trên bãi bồi có hiệu quả kinh tế nhất. Trước đó (năm 2012), cây ớt đã được trồng thí điểm tại xóm 2 và xóm 9 nhưng không có đầu ra.

Tiếp xúc với phóng viên, các hộ dân đều thừa nhận, chủ trương này được đưa ra họp dân, bàn bạc để chuyển đổi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bề ngoài thì có vẻ dân chủ, nhưng trên thực tế bà con chưa nhất trí chủ trương, còn xã dùng con dấu ép dân phải làm.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, nguyên xóm trưởng xóm 7 xác nhận, việc cán bộ xóm và chính quyền xã ép dân trồng ớt là có thật. “Cây ớt không được người dân Thanh Khê đón nhận nhưng không hiểu động cơ nào khiến xã “tổng động viên” cả 10 xóm phải trồng?

 Người dân không muốn làm nhưng sợ phạt tiền, sợ bị ngừng giao dịch hành chính nên đã làm đối phó. Theo tôi, muốn cây ớt cho hiệu quả kinh tế cao phải đảm bảo đầu ra ổn định dân mới dám làm”.

Ngược lại, ông Bùi Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Thanh Khê khẳng định dân rất phấn khởi vì cây ớt cho thu nhập cao (!?).

Khi phóng viên dẫn ý kiến phản đối của một vài trường hợp, vị Chủ tịch xã phân bua: “Xã ký văn bản ghi nhớ về việc trồng 18 ha ớt với Cty Á Châu, các xóm đều ký hợp đồng triển khai trồng và công ty thu mua 100% sản phẩm nhưng trên thực tế cả xã chỉ trồng được 10 ha do không đủ cây giống.

Không có chuyện xã ép dân trồng ớt, nhưng chúng tôi có chỉ đạo các xóm trước khi triển khai trồng phải kiên quyết xử lý những hộ nhận cây về trồng đối phó hoặc không trồng. Xã cũng chưa xử phạt trường hợp nào và cũng không có chuyện từ chối giao dịch hành chính bằng con dấu đối với công dân (?!)”.

Bội tín và xù nợ

Nhiều hộ dân tại xã Thanh Khê phản ánh, họ lên nhập ớt cho Cty Á Châu nhưng bị chê ỏng chê eo, loại quá nhiều. Sản phẩm bán được đã ít, dân còn bị doanh nghiệp thanh toán nhỏ giọt. Không lấy được tiền, chán nản, nhiều hộ bỏ mặc cánh đồng ớt cho trâu, bò gặm cỏ.

17-08-58_1-17
Không được thu mua, cây ớt bị người dân Thanh Khê bỏ bê

Thông tin từ UBND xã Thanh Khê cho biết, đến thời điểm cuối tháng 7/2014, Cty Á Châu mới thu mua cho dân được 43 tấn ớt, tương đương 250 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty mới thanh toán 60 triệu đồng, từ đó đến nay không thấy công ty đả động gì đến việc trả tiền cho người dân nữa.

Văn phòng đại diện Báo NNVN khu vực Bắc Trung bộ cũng nhận được phản ánh của người lao động trong Cty Á Châu về tình trạng công ty này đang nợ họ khoản tiền BHXH. Thông tin từ BHXH Nghệ An cho biết, tính đến hết tháng 7/2014, công ty đang nợ BHXH 19 tháng với tổng số tiền 171 triệu đồng.

Ông Nguyễn Khắc Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Khê bức xúc: “Chúng tôi đã hứa với dân là đến ngày 31/7 công ty sẽ lên thanh toán tiền nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín. Gọi cho ông Dũng (Phan Thế Dũng - Giám đốc công ty), lúc thì ông ấy bảo đang chuẩn bị đi công tác Xiêng Khoảng (Lào), khi về sẽ thanh toán, nhiều lúc gọi mãi không nghe máy.

Ngày 4/8/2014 chúng tôi phải lặn lội tìm đến trụ sở công ty tại địa chỉ 582 đường Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh thì văn phòng đóng cửa, bên trong vật dụng đã được chuyển đi đâu hết. Hiện giờ, người dân Thanh Khê rất bức xúc, thường xuyên lên xã đòi tiền khiến chúng tôi rất đau đầu”.

Được biết, vụ xuân 2014, Cty Á Châu cũng đã triển khai mô hình trồng ớt, bí đỏ tại nhiều địa phương trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm nhưng khi thu mua thì công ty lại o ép người dân về giá cả, chất lượng sản phẩm.

Điều đang bị người dân phản ứng dữ dội chính là sau khi đưa sản phẩm về, đơn vị này “chạy làng” và nợ dân những khoản tiền lớn...

Ông Phạm Đức Thọ, xóm U, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, cho biết, vụ xuân 2014, Cty Á Châu ký hợp đồng trồng 5 ha ớt, 3 ha bí đỏ với 53 hộ dân trong xóm. Thời gian đầu, công ty thu mua ớt với giá 6 nghìn đồng/kg, nhưng dần dần chỉ còn 1,5 nghìn đồng/kg.

Công ty chỉ thanh toán sòng phẳng được 2 đợt đầu, còn 7 đợt tiếp theo, họ cứ khất lần và hiện đang nợ của người dân 60 triệu đồng tiền bí đỏ, 140 triệu đồng tiền ớt…; gia đình ông Thọ bị nợ tới trên 16 triệu đồng.

“Thời điểm thu mua cuối cùng là giữa tháng 5 nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận hết tiền bán ớt, bí. Với người nông dân, đó là số tiền lớn. Làm ăn kiểu này thì từ nay về sau chúng tôi xin cạch” – ông Thọ bức xúc.

Tại xã Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn), Cty Á Châu cũng triển khai trồng 6,9 ha bí đỏ. Sau khi thu mua được 10 tấn và đang nợ dân 30 triệu đồng, công ty “lặn mất tăm” khiến trên 50 tấn bí đỏ của người dân không biết bán cho ai hiện đã bị hư hỏng hết. Tương tự, việc Cty Á Châu bội tín với nông dân còn diễn ra tại các xã Hùng Tiến (Nam Đàn), Tây Thành, Nam Thành (Yên Thành)…

Trước bức xúc của dân, chúng tôi nhiều lần liên lạc với ông Phan Thế Dũng, Giám đốc Cty Á Châu, tất cả chỉ là câu trả lời: đang đi công tác, không thể tiếp xúc với báo chí.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.