| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 06/10/2017 , 07:36 (GMT+7)

07:36 - 06/10/2017

Một dự án bê bối, bức xúc, bực bội…

Cần phải làm rõ ai, lý do gì đẩy chúng ta vào cảnh “theo lao” hôm nay. Với số tiền 1,2 tỉ đồng/ngày, chậm ngày nào, chúng ta mất đứt một cây cầu hoặc một ngôi trường hay tương đương với 300 tấn thóc (giá khoảng 4tr VND/tấn).

Nếu như bình chọn một dự án giao thông bê bối nhất, bức xúc nhất, bực bội nhất…, chắc không ít người không cần phải nghĩ ngợi nhiều mà thốt lên ngay: Đường sắt trên cao Hà Nội.

Lý do, đây là dự án tiến độ liên tục bị lùi không biết bao giờ, vốn bị đội lên như không có giới hạn và sự cơ cực của người tham gia giao thông nơi có tuyến đường này đi qua không biết bao giờ chấm dứt.

Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), bắt đầu từ tháng 10/2017, Dự án Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống.

Tuy nhiên, chiều 28/9, tại cuộc họp báo của Bộ GTVT, trả lời câu hỏi của PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Dự kiến của chúng tôi là tháng 10 chạy thử, nhưng đến thời điểm này không đạt được. Chúng tôi sẽ rà soát và làm việc lại với Tổng thầu để báo cáo Chính phủ". Được biết, đây không phải là lần đầu (và có lẽ chưa chắc đã là lần cuối cùng) tiến độ dự án bị lùi.

Về vốn, Dự án ban đầu (2008) có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD (gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua 4%), vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Tuy nhiên đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án bị đội lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Hiện, mỗi ngày dự án phải trả lãi ít nhất 1,2 tỉ đồng chưa tính vốn đối ứng 198,42 triệu USD từ ngân sách.

Không chỉ đội vốn, chậm tiến độ, có thể nói nhiều năm qua, Dự án Đường sắt trên cao là nỗi ám ảnh đối với những nơi có tuyến đường này đi qua. Không chỉ gây nên cảnh ùn tắc, ô nhiễm, tuyến đường này còn là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn, trong đó có cả những cái chết thương tâm.

Đó là vào ngày 06/11/2014, một thanh thép bất ngờ rơi từ dầm cầu đang thi công xuống đường làm một người chết, ba người bị thương.

Ngày 10/05/2015, thanh dầm thép dài chục mét nặng cả tấn của dự án Tuyến số 3: Nhổn - Ga Hà Nội bất ngờ tuột khỏi cần cẩu, rơi xuống đường, đè nát tấm tôn rào chắn ngăn cách giữa công trường và đường lưu thông, may không có thiệt hại về người.

Ngày 12/05/2015, một chiếc cần cẩu đang phục vụ thi công dự án Tuyến số 3 - Nhổn - Ga Hà Nội bất ngờ đổ sụp làm một phụ nữ mang thai 8 tháng đi xe máy gần đó bị ngã do dây văng trúng.

Ngày 25/8/2015, một thanh sắt chữ I dài 2.5m rơi trúng nóc ô tô 4 chỗ đang lưu thông phía dưới và ngày 17/10/2016, một công nhân của công trường tử vong vì ngã xuống đường…

Đây có thể được coi là một dự án 5 B (bê bối, bức xúc, bực bội) và 4 T (trì trệ, tai tiếng). Song, theo người viết bài này, chỉ còn một cách là tập trung giải quyết dứt điểm dự án này bởi không còn cách nào khác, đành “đâm lao thì phải theo lao”.

Tuy nhiên, cần phải làm rõ ai, lý do gì đẩy chúng ta vào cảnh “theo lao” hôm nay. Với số tiền 1,2 tỉ đồng/ngày, chậm ngày nào, chúng ta mất đứt một cây cầu hoặc một ngôi trường hay tương đương với 300 tấn thóc (giá khoảng 4tr VND/tấn).

Còn với số tiền 315 triệu USD đội vốn thì biết là bao nhiêu cây cầu, ngôi trường hay tấn thóc?

Tiền dân, xót lắm!

 

Bình luận mới nhất