| Hotline: 0983.970.780

Một dự án sân golf mất lòng dân

Thứ Ba 17/04/2012 , 09:52 (GMT+7)

Đó là dự án sân golf ở xã Hải Long, huyện Như Thanh - Thanh Hóa do Cty CP du lịch và bảo tồn sinh thái Bến En làm chủ đầu tư.

* Giá đền bù mỗi m2 đất chỉ mấy nghìn!

Năm 2002, chính quyền xã Hải Long, huyện Như Thanh - Thanh Hóa vận động nhân dân vào khu vực vùng đệm vườn quốc gia Bến En theo hình thức giãn dân nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình. Song vận động mãi vẫn chỉ có 38 hộ khăn gói cùng nồi niêu, xoong chảo, trâu bò, lợn gà đi vào nơi ở mới để làm ăn. Toàn bộ số hộ này sinh hoạt trong thôn có tên gọi là Tân Long.

Mười năm nay, các gia đình đã xây dựng nhà cửa, khai hoang làm đất trồng cây, chăn nuôi phát triển kinh tế đúng như lời kêu gọi của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chừng ấy thời gian, cuộc sống của số gia đình này tương đối ổn định và đang có nhiều dự định cho việc đầu tư thêm để nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích sẵn có. Song khi ước mơ làm giàu của nhiều người đang dần nhen nhóm để đưa ra thực hiện thì đầu năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành QĐ phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc kết hợp bảo tồn Vườn quốc gia Bến En, huyện Như Thanh.

Sau đó hơn một năm, UBND tỉnh tiếp tục công bố QĐ phê duyệt quy hoạch chi tiết khu dân cư và tái định cư phục vụ GPMB DA này. Đã 2 năm trời, nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện được một hạng mục nào thì Chủ tịch UBND huyện Như Thanh lại tiếp tục có tờ trình gửi UBND tỉnh với lời đề nghị hết sức tha thiết xin được bổ sung quy hoạch mà tỉnh đã phê duyệt trước đó để cho nhà đầu tư thực hiện việc xây dựng sân golf Hải Long ở vùng đệm VQG Bến En.

Trong khi chưa nhận được ý kiến của UBND tỉnh và biết chắc rằng, việc xây dựng sân golf phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép thì phía huyện Như Thanh đã chỉ đạo cho xã cùng nhà đầu tư thực hiện việc thỏa thuận giá bồi thường đất ở, đất sản xuất để sớm GPMB thực hiện cho bằng được ý đồ DN, trong đó có hạng mục xây dựng sân golf. Động thái này gặp phải sự phản ứng của người dân. Một mặt, người dân cho rằng xây dựng sân golf lúc này là chưa phù hợp với tình hình. Mặt khác là giá bồi thường quá bèo bọt nên người dân lo ngại đến cuộc sống của họ sau khi ra ở nơi TĐC.

Anh Lương Đức Huỳnh (SN 1981) ở thôn Đồng Xuân, xã Hải Long trước đây nghe lời kêu gọi của chính quyền, đã vui vẻ nộp các loại thuế và phí để vào nơi ở mới. Anh Huỳnh bảo: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu đất sản xuất nên mình mới quyết định đi lập nghiệp. Mình là người đầu tiên của làng vào đây. Lúc đầu, vùng này còn hoang sơ lắm. Sau một thời gian, toàn thể số hộ vào đây không quản nắng mưa, cùng với con trâu, cái cày đã khai hoang, tạo nên những vùng đất để trồng cây. Chủ yếu mía và hoa màu. Một ít trồng rau. Nói chung mấy năm đầu thì khó khăn, vất vả lắm nhưng sau cũng ổn định dần”. 

Anh Lương Đức Hoài, thôn Tân long, xã Hải Long (Như Thanh- Thanh Hóa) thẫn thờ bên ruộng mía gia đình không được đầu tư vì vướng phải DA sân golf

Theo lời anh Huỳnh và nhiều bà con nơi đây như anh Hoài, anh Táo ở cùng thôn Tân Long thì ngày đầu vào, các hộ được cấp 450 m2 đất làm nhà ở. Diện tích này, các hộ phải đóng một khoản tiền là 800.000 đồng cho UBND xã. Ngoài ra, một khẩu được giao 750 m2 đất sản xuất. Có đất, người dân vừa làm nhà, vừa tiến hành sản xuất. Phía Cty CP mía đường Nông Cống đã đầu tư giống, phân bón, vốn chăm sóc để người dân có điều kiện khai hoang, trồng, chăm sóc hàng trăm ha mía.

Thời gian dần trôi, cây mía cũng như tình người đều bén duyên với đất và khí hậu nơi đây. Mía ngày một phát triển. Thế rồi cả NM và người dân gắn bó mật thiết với nhau để phát triển kinh tế, đời sống người dân từng bước ổn định. Năm nào cũng vậy, NM đường Nông Cống đều đầu tư giống, phân bón cho dân Tân Long trồng mía. Vậy mà, vụ mía năm nay, phía NM không thể đưa giống, phân bón vào cho nhân dân. Hỏi ra mới biết là huyện Như Thanh có chủ trương di dời toàn bộ số hộ dân này ra khu TĐC để lấy đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf (dù DA sân golf này chưa được Thủ tướng phê duyệt).

Thế là, NM không thể tiếp tục đầu tư cho người trồng mía. Còn người dân thì đứng nhìn mía lưu gốc ngày một èo ọt, cỏ mọc tốt hơn cả mía. Người dân không có việc làm, nhà cửa cũng không thể xây dựng mới hay sửa chữa. Nhân dân muốn trồng thêm cây, làm cái chuồng nuôi thêm con lợn, con gà cũng không được.

Làm việc với ông Lương Hồng Sỹ - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Như Thanh được ông cho biết: “Phía huyện và xã đứng ra làm trung gian cho nhà đầu tư là Cty CP du lịch và bảo tồn sinh thái Bến En thực hiện việc thỏa thuận giá bồi thường với người dân trên cơ sở mức giá quy định của tỉnh về các hạng đất, vùng đất”. Cũng theo ông Sỹ thì mức giá mà nhà đầu tư đưa ra có 4 mức, bao gồm: loại 1 là 12.800đ/m2; loại 2 là 6.400đ/m2; loại 3 là 4.800đ/m2; loại 4 là 3.200đ/m2. Tuy nhiên, tiếp xúc với người dân, PV ghi nhận họ không đồng ý với việc làm sân golf, càng không chấp nhận với mức giá bồi thường bèo bọt ấy. 

Nhà văn hóa thôn Tân Long, kinh phí phần lớn do nhân dân đóng góp xây dựng nên hiện đang được nhà đầu tư dùng để đựng vật liệu xây dựng

Anh Lương Văn Táo (SN 1975) nói: “Chúng tôi đã vào đây theo tiếng gọi với mong muốn có tư liệu để sản xuất, kiếm cho vợ con miếng cơm manh áo hàng ngày bằng việc lao động của một người nông dân thực thụ. Cuộc sống bắt đầu ổn định thì lại bị chính quyền thu hồi đất cho DN làm sân golf. Tôi không hiểu cái định hướng phát triển bền vững của chính quyền sở tại với người dân nghèo chúng tôi ở đây như thế nào nữa. Từ một vùng đất hoang sơ, nay hàng trăm con người khai thông, tạo nên những vị trí sản xuất thuận lợi thì lại bị thu hồi giao cho DN. Tôi thấy quá bất công”.

Đồng quan điểm với anh Táo, anh Hoài hàng xóm cho hay: “Nếu với mức giá bồi thường mà cấp trên đưa ra, chúng tôi thấy rất đáng lo ngại cho cuộc sống gia đình khi ra nơi ở mới. Liệu với chừng ấy tiền bồi thường có đủ cho chúng tôi làm nhà, sinh hoạt hàng ngày khi không có việc làm, không có đất để sản xuất? Cuộc sống người dân TĐC ở xã Thanh Kỳ cách xã tôi có mấy cây số đã là bài học xương máu cho các cấp chính quyền trong việc dồn dân đến những nơi ở thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất”.

Chúng tôi cho rằng, trong khi Thủ tướng chưa có ý kiến về việc này thì huyện Như Thanh cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân yên tâm sinh sống, tiếp tục tăng gia sản xuất chứ không thể để xảy ra tình trạng như hiện nay được.

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.