Mấy trăm năm trước người Việt đã vào đây với bầu rượu và túi thơ như thi tướng Huỳnh Văn Nghệ thao thức “Từ độ mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Vâng, hành trình đi với Truyện Kiều, sau đó người phương Nam có thêm Lục Vân Tiên trong tình thế thuộc Pháp. Dấu ấn của người Pháp là không thể phủ nhận, điều mà học giả Sơn Nam cả quyết, rằng nhờ thế mà chúng ta có văn minh miệt vườn.
Ảnh minh họa |
Miền Bắc cũng tao nhã truyền thống và đậm đà dấu ấn Pháp dù chế độ bảo hộ. Biến đổi xã hội phải hàng thập niên mới nhận rõ, như nắn một con đường, vòng vèo nhưng chắc là không thể gấp khúc. Những trí thức hoài niệm kể rằng, sau 1954 khá lâu, Hà Nội vẫn dáng kiều thơm, mọi thứ vẫn ngăn nắp, nền nã. Sau đó thì gồng mình vì chiến tranh hay là do chủ thuyết giai cấp lao động lên ngôi mà xã hội nghèo nhanh và xập xệ cũng nhanh. Miền Nam lốc xoáy chiến cuộc rõ hơn, nông thôn tan tác, chỉ có nông dân vùng ven đô thị mới trụ được nhưng làn sóng người tản cư đã xáo trộn dữ dội những nơi đã từng có văn minh miệt vườn. Đi cùng với đói, nghèo, thất nghiệp, quân dịch, góa bụa… là rượu chè bài bạc, gái điếm và cả ma túy.
Kết thúc chiến tranh. Miền Bắc kiệt quệ trong khi nông thôn miền Nam đã gượng dậy từ sau Hiệp định Paris và kinh tế đô thị có phần tươm tất. Chủ trương thống nhất triệt để cho hai miền đồng phục và không bao lâu thì cuộc chiến ở hai đầu biên địa làm cho mọi thứ trở nên bi thảm. Chừng như đã bắt đầu giống nhau ở mánh khóe tồn tại bằng đi đêm, kết nối, thì thầm khi những nhóm đàn ông ngồi lại với nhau tìm cách “cứu mình trước khi trời cứu”. Chuyện nuôi heo ở thành phố, heo sống cùng với người, heo được quý hơn những thành viên người trong gia đình có hàng ngàn chi tiết khiến cười đau cả ruột. Nhưng kinh tế dựa vào heo không ăn thua, phải “đánh lớn”, phải mua quan bán chức, phải biến chính trường thành thương trường trước khi thương trường chính thức được thừa nhận.
Có lẽ từ khi đó, từ hậu chiến và rồi lại cuộc chiến và rồi lại là hậu chiến và cấm vận ngặt nghèo, người Việt không di tản được đã bắt đầu không tao nhã với rượu. Ngày trước hiếu hỉ, ông cha từng ly nhỏ (ở Bắc gọi là chén) nâng ngang mày, không có chuyện nài và ép. Càng không có chuyện rượu uống trong ly to hay trong bát (trừ những người khẩn hoang và thương hồ những nơi chim kêu vượn hú). Nhà nông hai miền dù thổ nhưỡng có khác nhưng vẫn là bờ giậu, bụi tre, hương cau, rơm rạ… cuộc sống ấy có cay cực âm thầm nhưng nhất định giấy rách phải giữ lấy lề, tình làng nghĩa xóm thanh cảnh, mực thước.
Chế độ bao cấp và hợp tác hóa cáo chung. Nhưng con người cũng bắt đầu với kinh tế nhá nhem, vô kỷ vô pháp, hoặc bất chấp thành nếp quen, bất chấp mới có ăn có để, khư khư chữ sạch là kém, là dại. Vẫn kiểu đưa chuyện kết nối thậm thụt ra khỏi nhà mình, không để các bà vợ và các con chứng kiến. Từ nhậu xuất xứ miền Nam và được khoái chí cả ở miền Bắc. Thanh niên vào đời, cũng nhìn vào cha anh mà bia rượu. Cũng không biết từ bao giờ quán bia ngập ngụa vỉa hè, rượu đế thành thứ dành cho dân mạt rệp, rượu phải hàng hiệu, hàng xịn. Và cũng không biết từ bao giờ, của hối lộ hoặc của mừng nhau, quà cho nhau, nhất thiết phải có rượu mới được coi là đủ kính mến.
Gần như mọi nhà đều giống nhau tình trạng đàn ông bận nhậu để làm ăn, thư giãn. Rồi nhậu có “tay vịn”, nhậu có đủ các công đoạn từ A đến Z. Đa số phụ nữ chịu đựng để đàn ông “làm kinh tế” trong quán xá, trong phòng karaoke, thậm chí ở bãi đáp là nhà nghỉ hay khách sạn nào đó. Nhưng phải có phụ nữ không phải gái làng chơi, tức phụ nữ “sạch” làm tay vịn thì bữa nhậu mới đẳng cấp. Thế là xuất hiện các cô gái và cả những người đàn bà “ta nhậu vì chồng ta cũng nhậu”. Chừng ba thập niên thôi, xã hội đã như chúng ta đang thấy, một xã hội lún chìm, buông thả, trượt dài như là vô phương cứu vãn.
Ngày nay ở đám nào có đông người là ở đó có hò hét. Đúng ra là vô, trăm phần trăm cạn ly, nhưng chữ cũng ngả ngốn hư hốt. Ban đầu du khách ngoại quốc ngạc nhiên, sau thì họ nghĩ văn hóa Việt Nam là vậy. Xin thưa, đó là sự biến tướng của tha hóa chứ chẳng có văn hóa tiếp nối gì ở đây. Riêng tôi, tôi cực kỳ dị ứng với kiểu "một hai ba dô" ấy. Giữa tiệc cưới ở khách sạn văn minh, giữa đám giỗ trang trọng, thậm chí giữa đám tang sụt sùi, cái tiếng ấy, cái tràng "một hai ba dô" ấy quá phản cảm, nó biến chúng ta thành đám bặm trợn, xô bồ. Bạn có cảm thấy như tôi không, hay là tôi cực đoan, hoặc lạc lõng, cổ hủ quá?