| Hotline: 0983.970.780

Một lần đi... buôn lậu

Thứ Sáu 22/06/2018 , 07:05 (GMT+7)

Xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là địa bàn buôn lậu trâu bò từ Lào về khá sôi động...

Hoạt động buôn lậu gia súc sống, không đóng thuế, dễ lây lan dịch bệnh, và đặc biệt có nguy cơ bóp chết ngành chăn nuôi nội địa. Thế là đầu năm 2015, tôi quyết xách ba lô lên đường, đóng vai một đầu nậu buôn trâu, bò...
 

Vượt biên đông như... trảy hội

Những năm 2014 - 2015, giá trâu bò ở Việt Nam “lên đỉnh”, hoạt động buôn lậu trâu bò từ Lào về nước qua đường tiểu ngạch huyện Kỳ Sơn làm ăn phát đạt. Cuối tháng 3/2015, hai anh bạn người Mông đồng ý dẫn tôi theo đường tiểu ngạch, sang nước bạn Lào tìm hiểu ngọn ngành.

07-25-34_tru_bo_lo_trn_ve_viet_nm_quduong_tieu_ngch_ti_x_nm_cn
Trâu bò Lào tràn về Việt Nam qua đường tiểu ngạch tại xã Nậm Cắn

Cuối tháng 3, trời Kỳ Sơn đã nắng như đổ lửa. Quãng đường từ thị trấn Mường Xén lên cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (xã Nậm Cắn) chưa đến 30km nhưng qua rất nhiều đèo dốc, quanh co đi hết hơn 1 giờ đồng hồ. Đến chân bản Tiền Tiêu đã xế chiều, chúng tôi gửi xe ở nhà người thân của hai anh bạn.

Từ đây, men theo những lối đi đầy phân và mùi khét của nước tiểu trâu bò, chúng tôi tiến sâu vào rừng. Nhìn đường đi, tôi thầm nghĩ tối nay sẽ được mục sở thị hoạt động buôn lậu trâu bò trên cung đường này. Đêm khuya, khi những cánh rừng bặt tiếng chim kêu vẫn không thấy động tĩnh gì. Sau khi nướng một ít măng đắng ăn qua bữa, chúng tôi đành quay về trung tâm xã nghỉ.

Ngày thứ 2, mọi việc vẫn diễn ra theo kịch bản cũ. Nhưng đến 10 giờ đêm, khi ánh trăng vằng vặc xuyên qua tầng cây rậm soi rõ lối đi thì từ phía bên kia dốc núi bắt đầu có những vật thể chuyển động về phía nội địa. Quả ông trời không phụ công người. Nhưng khi tôi đến gần mới vỡ lẽ, hai bố con người Mông đang dắt đôi bò vàng bị lạc trong rừng về nhà.

Trong giấc mơ đêm chớm hè ở vùng biên viễn, tôi thấy mình đứng trong bụi cây rậm, cẩn trọng ghi lại hình ảnh những đàn trâu bò lao từ rừng ra, phía sau có người dắt. Họ đi vội vã, dẫm bàn chân lên cả những đống phân trâu bò khét lẹt. Công việc cứ ám ảnh, đã len vào tận giấc ngủ của tôi, chập chờn ma mị.

Sáng hôm sau, khi hai anh bạn người Mông quyết định "bỏ rơi", tôi vẫn một mình quay trở lại bản Tiền Tiêu để “phục kích”. Tầm 5 giờ sáng, khi đã chọn được một “điểm ngắm” an toàn, kín đáo, tôi “ém mình” ghi hình. Đúng như dự tính, lúc đầu chỉ dăm bảy con trâu, bò dắt lẻ tẻ qua bản Tiền Tiêu, xuống QL7 đi về cuối bản. Nhưng khi mặt trời lên bằng ngọn sào thì từng đoàn trâu bò được dắt, đuổi đổ dồn về phía quốc lộ đông như... trẩy hội.
 

Phóng viên đi… buôn lậu

Sau khi đã “no” thông tin và hình ảnh, giữa trưa nắng gay gắt, tôi quay về thị trấn Mường Xén để sao chép lại toàn bộ tài liệu cho an toàn. Trước đó, lân la với mấy tay “buôn ngồi”, tôi được biết số trâu bò trên sẽ không thể vận chuyển ra khỏi xã nếu không được UBND xã Nậm Cắn hợp thức hóa thành trâu bò nhà.

07-25-34_luc_luong_chuc_nng_nghe_n_xcnhn_tinh_trng_buon_lu_tru_bo_ti_nm_cn
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An xác nhận tình trạng buôn lậu trâu bò tại Nậm Cắn
Lúc này, những hình ảnh trọn vẹn cho một video đã cơ bản đủ, tôi quyết định rời khỏi chỗ ẩn nấp, đi theo những đoàn người. Họ cho biết, đi dắt thuê trâu bò từ Lào về Việt Nam với giá 50 - 70 nghìn đồng/con và sẽ nhận tiền khi trâu bò được nhốt vào khu tập trung của các đầu nậu.

Trong vai lái buôn lần đầu đi tìm hàng, áo quần xộc xệch, vai mang ba lô, tôi lên trụ sở UBND xã xin “làm thủ tục”. Gần 3 giờ chiều, ông Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn ngồi trên chiếc xe bán tải đến trụ sở UBND xã làm việc. Đi theo ông Nhìa lên phòng, tôi kể khổ: “Lần đầu em lên đây tìm hàng, lỡ chuyển nhiều tiền nhưng sáng nay họ mới dắt về được 6 con bò. Nhờ anh giúp làm hồ sơ đưa về xuôi…”.

Khoan thai ngồi vào ghế, quan sát bộ dạng của tôi hồi lâu, ngó nghiêng với tinh thần cảnh giác cao độ, cuối cùng dường như tỏ vẻ thông cảm, ông Nhìa dần cởi mở, trải lòng mình: “Vợ ta cũng buôn bò từ Lào về Việt Nam, mỗi năm cũng chuyển về vài nghìn con. Xe ta đi, bệnh viện mở bên Lào cũng nhờ tiền buôn bán của vợ ta chứ lương chủ tịch xã đủ ăn thôi”.

Nói rồi, ông Nhìa bật máy tính in ra tờ giấy bán trâu bò rồi vừa ký, ghi tên, địa chỉ người bán, vừa ký xác nhận, đưa cho tôi: “Xuống nộp lệ phí bến bãi bốc hàng rồi đóng dấu là đi được”.

Tôi cầm tờ giấy trên tay, mừng như mở cờ, đưa ông Nhìa tiền bồi dưỡng, xuống nộp lệ phí, phi thẳng xe về thị trấn Mường Xén. Đi trên QL7, thi thoảng lại thấy những bãi tập kết trâu bò Lào chờ đưa vào nội địa, những chuyến xe nối đuôi nhau về xuôi mà không hề thấy cơ quan chức năng, dù bản Tiền Tiêu cách Chi cục Hải quan Nậm Cắn, đồn biên phòng chưa đến 1km.

 Vẫn trong vai buôn bò, tôi xuôi xuống chợ Đại Sơn (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương), một trong những chợ trâu bò lớn nhất Đông Nam Á. Mỗi phiên chợ có hàng chục nghìn con trâu bò, bê nghé. Lái buôn cho biết, trâu bò Lào thường được nuôi thả trong rừng, rất khó tiếp cận nên khi bán, họ dùng dây thừng buộc vào mõm, vòng qua đầu, cũng là cách phân biệt trâu bò nhập nội và trâu bò Việt Nam.

07-25-34_tc_gi_phong_su_tru_bo_lu_trnbien_ngoi_nghi_su_qung_duong_rung
Tác giả phóng sự “Trâu bò lậu tràn biên” ngồi nghỉ sau quãng đường rừng

Thu mua ở Lào giá rẻ nhưng khi đến chợ Đại Sơn, trâu bò Lào lại đắt giá nhất, thường gấp rưỡi trâu bò Việt và Thái Lan. Ở Đại Sơn có rất nhiều lái buôn thu gom trâu bò về bán lại, mỗi con lãi khoảng 700 nghìn đến 1 triệu đồng. Khi đã vào được chợ Đại Sơn thì tất đều là trâu bò nội, được cán bộ thú y tại chợ làm thủ tục xuất đi khắp cả nước.

Ba ngày sau chuyến đi, phóng sự 3 kỳ “Trâu bò lậu tràn biên” đăng trên Báo NNVN. Sau đó không lâu, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia vào cuộc. Tại buổi làm việc, cơ quan chức năng Nghệ An nhận định tình hình buôn lậu trâu bò diễn ra như báo nêu là có thật. Đoàn cũng đã trực tiếp làm việc với huyện Kỳ Sơn và UBND xã Nậm Cắn để nắm tình hình.

Mặc dù ông Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch UBND xã chối bỏ việc tiếp tay cho tình trạng này nhưng cũng buộc phải thừa nhận việc dắt lậu trâu bò từ Lào về Việt Nam là có; số bò của dân nuôi chưa được 10% lượng trâu bò xuất đi từ xã Nậm Cắn…

Đoàn công tác 389 Quốc gia đề nghị địa phương thống kê, kiểm soát lượng trâu bò, dê, ngựa hiện có trên địa bàn, nhất là các xã biên giới; đồng thời cơ quan thú y phải kiểm tra lâm sàng, bấm số tai cho số trâu bò mua, bán ngay tại từng xã để kiểm soát, đấu tranh tốt hơn với tình trạng buôn lậu. Đoàn công tác cũng yêu cầu thú y, bộ đội biên phòng, hải quan chấn chỉnh lại đội ngũ công chức, viên chức tại cửa khẩu Nậm Cắn...

07-25-34_su_phong_su_tru_bo_lu_trn_bien_vn_phong_389_quoc_gi_d_vo_cuoc
Sau loạt phóng sự “Trâu bò lậu tràn biên”, Văn phòng 389 Quốc gia đã vào cuộc
Cùng với giá trâu bò ở Việt Nam vài năm trở lại đây “xuống đáy” và sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu trâu bò qua đường tiểu ngạch tại xã Nậm Cắn đến nay đã lắng xuống.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.