| Hotline: 0983.970.780

Một năm OCOP Quảng Ninh

Thứ Ba 30/12/2014 , 08:20 (GMT+7)

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” do UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt từ ngày 23/10/2013 được coi là dấu mốc quan trọng khởi động triển khai Chương trình trên địa bàn toàn tỉnh. 

Sau năm đầu tiên triển khai, chương trình đã đạt những kết quả tích cực.

Khơi thông nhận thức

Đề án (One commune one product - OCOP) tỉnh Quảng Ninh đã xác định bước đi đầu tiên là phải làm tốt khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thực hiện. Làm thế nào để chủ thể SX từ người dân đến các HTX, DN biết đến chương trình, mục đích ý nghĩa của nó để tham gia.

Theo đó, tỉnh tập trung chỉ đạo và 13/14 địa phương đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình với trên 1.100 lượt cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, thôn và các HTX, DN vừa và nhỏ. Hệ thống truyền thông vào cuộc tích cực.

Ngoài ra, đoàn công tác cấp tỉnh còn được cử sang Thái Lan mục sở thị Chương trình OTOP để hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và cách thức triển khai, đây là cách khơi thông nhận thức quan trọng đối với đội ngũ chỉ đạo, triển khai chương trình của tỉnh và huyện.

Công tác tuyên truyền không chỉ trong hội nghị, trên các phương tiện truyền thông mà trực tiếp tại các buổi tư vấn tại chỗ đối với các chủ thể SX, nó đã tác động mạnh đến tư tưởng, nhận thức của cán bộ và DN, HTX, chủ trang trại, hộ gia đình hiểu rằng, Chương trình OCOP là một chương trình “làm ăn kinh tế”, SX theo chuỗi giá trị có sự chỉ đạo, hỗ trợ của Nhà nước.

Chương trình OCOP còn là nội dung trọng tâm trong phát triển SX hàng hóa, tạo thêm sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, thương hiệu cho tỉnh Quảng Ninh, thông qua đó tăng thu nhập, giải quyết việc làm, phát huy được lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương.

Để chương trình đạt hiệu quả, ngay trong quý I/2014, Ban Điều hành OCOP tỉnh với 3 tiểu ban giúp việc (Tiểu ban Phát triển sản phẩm; Tiểu ban Maketing và xúc tiến thương mại; Tiểu ban Đào tạo và truyền thông) và Ban Điều hành OCOP các địa phương đã được thành lập.

Huyện Bình Liêu và Ba Chẽ còn thành lập bộ phận chuyên trách do Bí thư Huyện ủy chỉ đạo trực tiếp, bước đầu đã hình thành nên đội ngũ cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách.

Công cụ quản lý “xương sống” của Chương trình là Bộ tài liệu Hướng dẫn triển khai đã được ban hành gồm chu trình triển khai, hệ thống mẫu biểu đăng ký ý tưởng sản phẩm, phương án SX kinh doanh, mẫu biểu cách thức thẩm định phương án SX kinh doanh, thẩm định các tổ chức kinh tế tham gia chương trình. Bộ tài liệu Hướng dẫn triển khai được đội ngũ tư vấn, chuyên gia trực tiếp của Chương trình nghiên cứu, tổng hợp từ thực tiễn trong môi trường SX kinh doanh của Việt Nam kết hợp với kinh nghiệm của Chương trình OTOP Thái Lan, Đài Loan, Philippines, OVOP Kenya, Malawi,..

Tổ chức để chủ thể quản lý chương trình (UBND cấp huyện) đến chủ thể SX đăng ký sản phẩm, dịch vụ trên diện rộng toàn tỉnh, bước đầu đã có 65 sản phẩm, nhóm sản phẩm được đăng ký, trên cơ sở đó, phối hợp tư vấn triển khai điều tra và phân tích chuỗi giá trị của các sản phẩm, qua sàng lọc năm 2014 xác định tập trung triển khai 30 sản phẩm, nhóm sản phẩm ở 5 nhóm (trừ nhóm vải và may mặc).

Nhiều sản phẩm đã được tích cực SX, song không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, như: gà Tiên Yên; trứng vịt biển, củ cải Đầm Hà; nếp cái hoa vàng Đông Triều; ba kích, miến dong Bình Liêu; hải sản khô Vân Đồn; mực ống Cô Tô; hoa Hoành Bồ...

Tập trung phát triển DN, HTX để SX sản phẩm, đây là khâu quan trọng và khó khăn nhất vì trình độ, vì tính hợp tác liên kết theo mong muốn của Chương trình OCOP là HTX và DN cộng đồng, vì nguồn lực của nhân dân còn hạn chế và rất khó khăn trong việc lựa chọn nhân sự đứng đầu các tổ chức kinh tế này. Qua rất nhiều nỗ lực tư vấn, hỗ trợ hồ sơ thủ tục, đến nay đã thành lập được 3 Cty cộng đồng, 8 HTX theo Luật HTX năm 2012, sáu tổ hợp tác và tái cấu trúc, chuyển đổi thủ tục 4 HTX.

Chương trình OCOP Quảng Ninh đã đưa ra hệ thống ngành hàng OCOP theo 6 nhóm: Thực phẩm - ẩm thực (Food); Đồ uống (Drink); Thảo dược (Herbal); Vải và may mặc (Fabric); Lưu niệm - trang trí - nội thất (Decor) và Dịch vụ (Service). Ngoài ra, Ban điều hành còn tổ chức thiết kế và triển khai đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu OCOP, bộ nhận diện Chương trình OCOP để làm cơ sở bảo hộ toàn bộ sản phẩm, dịch vụ của chương trình.

Bên cạnh đó một số DN đã chủ động, tự nguyện xin đăng ký tham gia Chương trình như Cty Gốm sứ Quang Vinh, Cty CP Giống cây trồng Đông Triều, Cty Cổ phần sữa An Sinh Đông Triều...

Vượt qua khó khăn

Trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP, bài học kinh nghiệm được rút ra là, triển khai Chương trình không nóng vội, tuân thủ quy luật phát triển kinh tế tự thân, phải có tổ chức kinh tế làm chủ thể mọi công việc trong lập dự án, SX sản phẩm, chịu trách nhiệm về tính pháp lý của sản phẩm, tổ chức quảng bá, thương mại và bán hàng...

Triển khai Chương trình OCOP, bản chất là hỗ trợ phát triển SX, là việc khó, nhiều địa phương thiếu tích cực, tư duy nhiệm kỳ. Giải pháp đề ra là tiếp tục tăng cường truyền thông và công khai minh bạch chương trình, chu trình thực hiện thường niên; thường xuyên kiểm điểm tiến độ triển khai thực hiện chương trình hằng tháng, quý; gắn trách nhiệm cụ thể từng khâu, từng nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ được phân công.

Ngoài ra, theo đánh giá, chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện, lãnh đạo chủ chốt các DN, HTX là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công chương trình. Giải pháp được đề ra là tiếp tục triển khai sâu, rộng hơn nữa Bộ tài liệu Hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP, đưa đội ngũ cán bộ thực hiện, các DN, HTX đi đúng theo chu trình OCOP. Song song với tập huấn, cần triển triển khai đào tạo kiến thức về quản lý kinh tế, quản trị SX kinh doanh để đội ngũ này có đủ kiến thức, năng lực lãnh đạo, quản trị.

SXNN công nghệ cao đang là xu thế phát triển tất yếu khách quan, các nhóm sản phẩm OCOP về thực phẩm - ẩm thực, đồ uống, thảo dược... không nằm ngoài sự phát triển đó. Chương trình OCOP sẽ định hướng và hỗ trợ tích cực các DN, HTX đổi mới, tăng cường đầu tư KHCN nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, nguyên vật liệu SX.

Nhìn lại năm đầu tiên của chương trình, mặc dù kết quả còn khiêm tốn song là bước khởi đầu rất quan trọng cho cả quá trình triển khai. Các bài học kinh nghiệm và nhận định được những khó khăn, thách thức và đề ra được các giải pháp thực hiện sẽ giúp cho Chương trình OCOP phát triển theo đúng mục tiêu đã đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh theo hướng tăng trưởng xanh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm