| Hotline: 0983.970.780

Một năm vượt qua thách thức ngoạn mục của ngành nông nghiệp

Thứ Tư 04/01/2017 , 06:40 (GMT+7)

Vượt lên tất cả khó khăn, từ chỗ 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm nhưng những tháng cuối năm, nông nghiệp đã tăng trưởng dương trở lại. Mức tăng trưởng toàn ngành đạt 1,2%. Song với nỗ lực, năng động sáng tạo của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm cao của toàn ngành NN-PTNT...

Chưa năm nào ngành nông nghiệp phải đối mặt khó khăn như 2016. Thiên tai bão, lũ hoành hành cho đến tận những ngày cuối năm. Rét hại ở phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề cho Nam Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL suốt thời gian dài. Thảm họa môi trường biển miền Trung còn đó những hậu quả thê thảm…

Vượt lên tất cả, từ chỗ 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm nhưng những tháng cuối năm nông nghiệp đã tăng trưởng dương trở lại. Mức tăng trưởng toàn ngành đạt 1,2%. Từ nguyên nhân, thành quả, bài học rút ra, đâu sẽ là tiền đề cho năm 2017?

Số báo đầu năm, NNVN có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh vấn đề này.

nh-donh124742945
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh
 

Một năm khó khăn

Thưa Thứ trưởng, thường vào thời điểm cuối năm bận rộn này, lãnh đạo các Bộ ngành ngồi lại tập trung phân tích đánh giá một năm hoạt động, thế nhưng với Bộ NN-PTNT, từ Bộ trưởng, các Thứ trưởng, lãnh đạo các Cục, vẫn phải đi chống lũ, “cắm chốt” ở Nam Trung bộ cùng chính quyền và nhân dân các tỉnh bàn giải pháp khôi phục sản xuất? 

10 năm liền, sản lượng lúa năm nào cũng tăng đều 1 triệu tấn/năm. Vậy mà năm 2016, không những không tăng thêm mà còn mất đi 1 triệu tấn lúa. Bởi hạn hán, xâm nhập mặn lấn sâu và kéo dài khiến cho sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề.

Thực tế ấy cho thấy trọn một năm qua ngành nông nghiệp đối mặt với biết bao khó khăn. Có thời điểm tưởng không gượng dậy được bởi thiên tai liên tiếp, dồn dập, dị thường. Nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm 0,18%.

Đầu năm rét đậm rét hại ở phía Bắc; hạn khốc liệt ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên; hạn, xâm nhập mặn sâu và lâu chưa từng thấy ở ĐBSCL. Bão lũ dồn dập. Các cơn bão đổ bộ phía Bắc rất khó dự đoán gây thiệt hại lớn cho vụ mùa, nuôi trồng thủy sản, nhà cửa, cơ sở hạ tầng; bão lũ ở miền Trung cũng bất thường chưa từng thấy, điển hình mưa lũ muộn tận cuối tháng 12 gây thiệt hại lớn về người, tài sản, sản xuất... 

Thông thường miền Trung cứ sau 23/10 âm lịch là có thể yên tâm, nhưng năm nay tại thời điểm này vẫn xảy ra mưa rất lớn, gây lũ lụt diện rộng. Chỉ tính riêng tỉnh Bình Định, các đợt mưa lũ đã khiến 39 người thiệt mạng, mất tích, 10 người bị thương; 5.000 ha rau màu, 1,3 triệu cây mai vàng đón Tết bị nước lũ nhấn chìm; hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, chết chóc… Bỗng chốc nông dân vùng lũ kiệt quệ, mất Tết.

lequocdonh2124743529
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt để khôi phục SX tại Bình Định
 

“Trước, trong và sau khi các vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, sự cố môi trường… Bộ NN-PTNT từ đồng chí Bộ trưởng đến các Thứ trưởng đều trực tiếp xuống các địa phương, cùng cấp ủy, chính quyền và người dân, tìm giải pháp khắc phục, bổ cứu sản xuất. Nhiều biện pháp được đưa ra và thực hiện ngay tại bờ đê, chân ruộng”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh.

Nhân dân ven biển các tỉnh miền Trung, nhất là từ Hà Tĩnh vào TT-Huế chịu ảnh hưởng nặng nề sự cố môi trường. Thảm họa này không chỉ khiến cho hàng vạn ngư dân, tiểu thương chao đảo mà nó sẽ còn để lại một hệ lụy lớn lâu dài.

Song với nỗ lực, năng động sáng tạo của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm cao của toàn ngành NN-PTNT nên SXNN các tháng cuối năm khởi sắc trở lại.
 

Phục hồi ngoạn mục

Sự vượt qua thách thức này đúng là kỳ tích. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV diễn ra trong tháng 10 và 11/2016 vừa qua Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng vậy, biểu dương và rất quan tâm. Những ngày cuối năm Thủ tướng vẫn đi cùng Bộ trưởng NN-PTNT trực tiếp vào chỉ đạo khắc phục lũ lụt tại Nam Trung bộ. Nỗ lực toàn ngành rất đáng ghi nhận. Xin Thứ trưởng nói rõ thêm những nỗ lực đó và đâu là đột phá của ngành trong năm 2016?

Nửa đầu năm hạn, mặn gây thiệt hại lớn, vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL giảm gần 1 triệu tấn. Có tỉnh như Bến Tre, do hạn và mặn xâm nhập sâu gây hại, sản lượng lúa của tỉnh giảm đến 41%.

Đầu năm khó khăn là vậy nhưng sau đó sự phục hồi rất nhanh. Vụ đông xuân cùng hè thu ở miền Trung, rồi vụ thu đông ở ĐBSCL, được mùa lớn. Các loại cây ăn quả và cây công nghiệp được chăm sóc, quản lý dịch bệnh tốt, đạt năng suất cao lại bán được giá. Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thuận lợi, ít dịch bệnh, nhiều quy trình nuôi mới áp dụng có hiệu quả. Điển hình nuôi tôm ở ĐBSCL những tháng cuối năm thắng lợi rất lớn.

Biến đổi khí hậu đến nhanh và tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp hơn các kịch bản được dự báo: Hạn hán, xâm nhập mặn nặng nhất trong vòng 100 năm qua và trong thời gian dài tại các tỉnh ĐBSCL và miền Trung, Tây Nguyên; 6 tháng đầu năm, có 13 tỉnh công bố thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn; 4 cơn bão ảnh hưởng và gây thiệt hại cho 33 tỉnh/thành phố, trong đó cơn bão số 1 đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp 4 tỉnh vùng ĐBSH.

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đến cuối năm đạt tới trên 32 tỷ USD, tăng 5,4% so với 2015. Nhiều mặt hàng vượt trội như rau quả tăng trưởng gần 30%, đạt khoảng 2,4 tỷ USD (trong đó vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn là ĐBSCL vẫn đóng góp đến 50% tổng giá trị). Lần đầu tiên xuất khẩu rau quả vượt qua lúa gạo.

Xuất khẩu tiêu, điều, cà phê đạt kỷ lục mới: Tiêu XK cả năm đạt 180.000 tấn, tăng 35%; về giá trị, tính đến giữa tháng 11/2016 đã đạt 1,327 tỷ USD, vượt cả năm 2015 (1,259 tỷ USD). Điều chạm mốc 3 tỷ USD, vượt xa 2015 (2,397 tỷ USD). Cà phê: vượt 3 tỷ USD. Cao su cũng bật dậy, khả năng XK đạt 1,66 tỷ USD.  

Chăn nuôi tăng trưởng khá; là năm đột phá về cơ cấu giống, đánh sập chất cấm. Trên cả nước không xảy ra dịch lớn ở gia súc, gia cầm. Thủy sản xuất khẩu đạt 7 tỷ USD, riêng tôm đạt 3,2 tỷ USD, cá tra đạt trên 1,7 tỷ USD.

Thực tế trên khẳng định nông nghiệp 2016 đã vượt qua thách thức, đạt những thành công nhất định.

Tôi cho rằng, lộ trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã có bước đi thích hợp, hướng đi rõ ràng, cụ thể. Đơn cử thị trường và xúc tiến thương mại với các đối tác nước ngoài đã có những giải pháp quyết liệt, tích cực hơn.

Chúng ta đã tham gia đàm phán nhiều đối tác, tháo gỡ được nhiều hàng rào kỹ thuật ở những thị trường cực kỳ khó tính để rồi quả vải, nhãn đã có mặt ở Mỹ; xoài và hàng loạt trái cây khác có mặt ở Nhật Bản, EU… Bộ đang có lộ trình cho việc thành lập Cục phát triển thị trường nông sản để làm đầu mối đàm phán, xuất khẩu hàng nông sản hiệu quả hơn nữa.
 

Tiếp tục đàm phán, mở rộng thị trường

Từ nguyên nhân, thành quả, bài học rút ra, đâu sẽ là tiền đề cho năm 2017 thưa Thứ trưởng?

Tôi cho rằng, tích tụ đất đai và đầu tư khoa học công nghệ là chiến lược phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm một mô hình trồng rau công nghệ cao
 

Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các Bộ, các địa phương nỗ lực triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành. Kết quả, ngành đã lấy lại đà tăng trưởng. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đạt 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so năm 2015; thặng dư thương mại khoảng 7,5 tỷ USD. Trong năm đã không xảy ra tình trạng tồn đọng hàng hóa nông, lâm, thủy sản.

Đó là một lộ trình đúng đắn để thu hút cộng đồng doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Hướng đi này, đã có hàng loạt doanh nghiệp lớn ngoài ngành hối thúc đầu tư mạnh vào nông nghiệp như Vingroup, Him Lam, Vinamilk, TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai, FLC, Viettel, Hòa Phát…; các doanh nghiệp trong ngành cũng tự “lớn mạnh” lên nhiều, không quanh quẩn chỉ là sản xuất giống, điển hình như Cty CP Giống cây trồng Trung ương vừa mới đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nam, rồi Cty CP Mía đường Lam Sơn, Cty CP Giống cây trồng Thái Bình, Tập đoàn Lộc Trời..., họ thật sự vươn lên mạnh mẽ.

Chính sự vào cuộc của các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp trong ngành vươn lên, đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất giúp chúng ta làm tốt hơn công tác VSATTP và bao tiêu sản phẩm, khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong cơ cấu lại ngành, chúng ta cần xác định nguồn lực không nhiều thì phải tính toán, lựa chọn đột phá cho từng mặt hàng để đầu tư tăng trưởng. Đầu tư chương trình giống. Trong thâm canh phải có quy trình chuẩn. Nhằm vào hai hướng, nâng cao năng suất, chất lượng nhưng giá thành phải giảm hơn. Như sản xuất lúa, đạt đỉnh năng suất 6 – 8 tấn/ha rồi thì phải làm thế nào cơ giới hóa để giảm giá thành, tăng chất lượng, tăng sức cạnh tranh.

Về đàm phán, chúng ta đã có những thành công nhất định. Trong chuyến tháp tùng Thủ tướng thăm Trung Quốc, chúng ta đã đàm phán với họ thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản theo đường chính ngạch. Cách làm này sẽ giúp chúng ta chủ động khi chở hàng lên cửa khẩu không phải lo lắng xuất lúc nào, ở đâu nữa. Phía Trung Quốc ủng hộ ta.

Với Nhật Bản và một số đối tác khác, khi đàm phán chúng ta vừa tuân thủ thông lệ quốc tế vừa song hành. Việt Nam xuất khẩu xoài sang Nhật Bản và nhập táo về Việt Nam. Mỹ, Úc, New Zealand, Đài Loan cùng các nước khác cũng vậy. Ta xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế của chúng ta thì cũng có thể nhập về những mặt hàng ít lợi thế, không sản xuất được, để đạt lợi ích cao nhất.

Với đà này cùng những cách làm mới mẻ, tin rằng nông nghiệp năm 2017 hứa hẹn tăng trưởng khá với nhiều lợi thế được phát huy, dư địa được khai thác hiệu quả.

Vấn đề là ở chỗ tuyệt đối không chủ quan trong bất kỳ tình huống nào; lưu ý thời tiết bất thường; chủ động các phương án đối phó, phòng chống thiên tai; tăng cường dự báo, cảnh báo; trong chỉ đạo, điều hành phải hết sức sâu sát, bám địa bàn, tập trung cao độ. Tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

WinCommerce hướng đến mục tiêu 4.000 cửa hàng vào cuối 2024

Ngày 25/4/2024 tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024.

Bình luận mới nhất