| Hotline: 0983.970.780

Một ngôi mộ chung, hai linh hồn bất tử: Toan lay hồn nước dậy

Thứ Năm 05/02/2015 , 06:19 (GMT+7)

Một ngôi mộ chung, hai linh hồn bất tử là câu chuyện bi tráng hai chí sĩ yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nguyễn Đức Công (tức Hoàng Trọng Mậu) và Nguyễn Thức Đường (tức Trần Hữu Lực). 

Cả hai cùng quê huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cùng tham gia Đông Du (1908) và cùng bị thực dân Pháp bắt giam tại Hỏa Lò, rồi xử bắn tại Bạch Mai - Hà Nội đầu năm 1916.

15-14-04_hong-trong-mu
Nguyễn Đức Công (1874-1916)

Năm 1926, mười năm sau ngày ngã xuống của hai nghĩa sĩ cùng chung ngôi mộ, trong lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ca ngợi Nguyễn Đức Công và Nguyễn Thức Đường: “Đó mới thật là anh hùng”.

Người kỳ lạ của nước Việt Nam

Nguyễn Đức Công còn có tên gọi khác là Hoàng Trọng Mậu, tự là Báu Thụ, sinh năm 1874, thuộc đời thứ 5 dòng họ Nguyễn Đức - có truyền thống yêu nước cách mạng và truyền thống khoa bảng tại xóm Xuân Á, xã Cẩm Trường, nay là xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Là con trai thứ tư trong gia đình, vốn là người thông minh trác lạc, Hán văn rất hay, thi hạch cấp tỉnh từng hai lần đỗ đầu xứ nên được nhân dân gọi là ông Đầu xứ Công.

Nếu cứ đi theo con đường khoa cử, hẳn sẽ đỗ đạt cao nhưng trước cảnh đất nước nô lệ, Nguyễn Đức Công không màng đến quan chức mà chỉ tâm niệm tìm đường cứu nguy cho dân tộc sớm thoát khỏi lầm than.

Ông từng than rằng: “Đường đường một đấng nam nhi, sinh gặp nạn nước mà cứ vùi đầu vào bút hư mực hỏng để trọn đời là một hủ Nho ư?”. Sách Việt Nam nghĩa liệt sử của Đặng Đoàn Bằng do Phan Bội Châu tu đính, đã ca ngợi Nguyễn Đức Công là “một kỳ nam tử” - một người kỳ lạ của nước Việt Nam.

Cho đến tháng 2/1908, khi Kỳ Ngoại Hầu Cường Để từ Nhật Bản gửi thư về chọn học sinh sang Nhật du học, được Ngư Hải Đặng Thái Thân đem thư của Cường Để cho xem, Nguyễn Đức Công rất mừng và nói: “Đấy là chí của tôi...”.

Thấy con đường cứu nước đã hé mở ở tương lai, Nguyễn Đức Công năm ấy 34 tuổi, từ biệt gia đình, lên đường, để lại vợ và 5 người con còn nhỏ dại, trong đó người con trai út mới 2 tuổi (sau này là nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Đức Bính). Chỉ những người có chí lớn, ôm hoài vọng cứu nước thương dân mới dám hy sinh hạnh phúc riêng của gia đình để ra đi như vậy.

Toan lay hồn nước dậy

Tháng 4/1908, Nguyễn Đức Công sang đến Nhật Bản. Tại đây, ông được giới thiệu vào học ở Đồng Văn thư viện và tham gia Công Hiến hội với cương vị Ủy viên Bộ Văn thư chuyên giữ các giấy tờ đi lại và lưu trữ phát hành văn kiện.

Lúc đó, lưu học sinh nước ta đi Đông Du ở Nhật có đến hơn 80 người, Nguyễn Đức Công lớn tuổi nhất nhưng lại chăm chỉ học tập nhất với động cơ nhanh chóng thành tài để sớm về nước.

Trong dịp này, Phan Bội Châu viết sách "Việt Nam quốc sử khảo", Nguyễn Đức Công viết lời phê bình với những lời lẽ thống thiết: “Vậy có nên cùng nhau một phen khua tỉnh dậy, muôn miệng cùng hô vang, hãy coi nhẹ tính mệnh mà giữ vững cương thường, làm tròn trách nhiệm con người, hãy tôi luyện can trường, để đẩy lùi súng đạn, thề chết không đổi dời, khôi phục sơn hà, bảo tồn chủng tộc, tẩy sạch nhơ nô lệ trước đây, hoàn toàn làm chủ nhân đất nước”.

Câu thơ tuyệt mệnh

Sau khi Cách mạng Tân Hợi thắng lợi ở Trung Hoa, đầu tháng 3/1912, Nguyễn Đức Công lúc này mang tên Hoàng Trọng Mậu đã tham gia sáng lập Việt Nam quang phục hội. Là một trong những yếu nhân của Hội, Hoàng Trọng Mậu được cử làm Ủy viên trưởng phụ trách quân vụ - một trong 3 Bộ của Việt Nam quang phục hội. Ông được ủy nhiệm viết lời tuyên cáo của Việt Nam quang phục hội và cùng Nguyễn Thức Đường - Trần Hữu Lực viết thư gửi đồng bào Nghệ Tĩnh.

Sách "Phan Bội Châu niên biểu" còn cho biết thêm, Hoàng Trọng Mậu là người viết sách "Quang Phục quân phương lược", gồm 5 chương, trong đó hai chương đầu do Phan Bội Châu viết, ba chương cuối do Hoàng Trọng Mậu viết. Ngoài ra, Hoàng Trọng Mậu còn tham gia định Quốc kỳ Ngũ tinh liên châu và Quân kỳ bạch tinh; kiểm phát Quân dụng phiếu của Việt Nam quang phục hội.

Năm 1915, thất bại trong trận đánh đồn Tà Lùng nhằm cắt đường giao thông giữa Cao Bằng và Lạng Sơn, Hoàng Trọng Mậu chủ trương rút sang Thái Lan lo toan việc tài chính cho những hoạt động tiếp sau. Trên đường từ Ung Châu đến Hương Cảng để đợi tàu đi Thái Lan, ông bị mật thám Pháp và cảnh sát Anh bắt giữ. Sau đó, chúng giải ông về giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Theo tàu liệu lưu trữ của Nha Liêm phóng Đông Dương, sau khi vua Duy Tân được hộ vệ trốn ra khỏi thành Huế, mật thám đã khám xét được nhiều tờ hịch văn, văn bằng phong cho các tướng lĩnh.

Trong đó, Hoàng Trọng Mậu là một yếu nhân về quân sự của Việt Nam quang phục hội được phong là “Chỉ huy tối cao” do chính vua Duy Tân viết và đề ngày 5/5/1915. Ngày 22/3 năm Duy Tân thứ 9, nhà vua viết: “Trẫm phong cho ông Nguyễn Đức Công làm “Tả quân chính đạo, thống lãnh toàn thể các đạo quân cánh trái”.

Bị giam cầm trong tù Hỏa Lò hơn 7 tháng, Nguyễn Đức Công - Hoàng Trọng Mậu đã viết thư gửi Toàn quyền Đông Dương và làm bài thơ “Cảm tác”: “Từ biệt quê nhà chẳng nhớ năm/ Ngổn ngang tâm sự rối tơ tằm/ Đoái trông Kiếm Nhị buồn tanh sắc/ Mơ tưởng Lam Hồng lạnh ngắt tăm/ Chết quách đã đành không đất sạch/ Sống về cũng chỉ một trời căm/ Năm canh hồn mộng thành thân cuốc/ Ngậm máu đi về khóc cõi Nam”.

Tra tấn, dụ dỗ vẫn không lay chuyển được tấm lòng người nghĩa sĩ yêu nước, thực dân Pháp đã đem Nguyễn Đức Công ra xử bắn ngày 24/1/1916 (tức 20 tháng Chạp năm Ất Mão) khi 42 tuổi.

Trước lúc bị bắn, ông đã đọc câu đối tuyệt mệnh: “Ái quốc hà cô? Duy hữu tinh thần lưu bất tử/ Xuất sư vị tiệp, thả tương tâm sự thác lai sinh”. (Yêu nước tội gì? Chỉ có tinh thần là chẳng chết/ Ra quân chưa thắng, xin đem tâm sự gửi mai sau”.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm