| Hotline: 0983.970.780

Một nông dân chế tạo máy xử lý rác thải

Thứ Tư 20/02/2013 , 10:57 (GMT+7)

Sau gần 2 năm, cuối năm 2011, máy xử lý rác thải của anh Nguyên ra đời trong niềm vui “không thể tả hết” (lời anh nói), trong sự khâm phục của bạn bè, người thân.

Đó là anh Ngô Thái Nguyên (SN 1966) ở xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Năm 1987, như bao chàng trai vùng ven biển, anh sớm lấy vợ, sinh con và yên ổn với nghề may vá. Nhưng cuộc sống khó khăn, thấy nghề may không đảm bảo nuôi vợ con, anh bỏ nghề và chuyển sang nghề cơ khí và buôn bán đồ điện.

Từ ý tưởng

Cuộc sống gia đình bình lặng cứ thế trôi đi. Đến năm 1995, anh Nguyên chuyển sang nghề thiết kế nội thất, trang trí hoa viên, cây cảnh. Với bàn tay khéo léo, sự tỉ mẩn trong công việc, anh được nhiều người trong, ngoài huyện tìm đến. Việc kinh doanh này đem lại thu nhập ổn định, giúp gia đình anh có của ăn của để và nuôi 4 người con ăn học.

Hải Bình quê anh cũng giống như bao vùng quê biển, người dân quanh năm suốt tháng bám biển kiếm kế sinh nhai. Từ biển, nguồn lợi thủy sản cho họ cuộc sống ấm no. Tuy nhiên, cũng do điều kiện đất chật, người đông, việc chế biến, đánh bắt được đầu tư mở rộng nên lượng rác thải ngày một tăng.

Mặt khác, việc thu gom, xử lý rác thải không triệt để, cứ từ chỗ nọ gom đổ chỗ kia càng khiến tình trạng ô nhiễm nặng nề. Hằng ngày, phải chứng kiến môi trường sống, môi trường biển bị ô nhiễm, anh Nguyên không khỏi xót xa. Trong đầu anh chợt nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy xử lý rác thải. Suy nghĩ này cứ ám ảnh, nung nấu và thôi thúc, buộc anh bắt tay vào việc.


Anh Nguyên “khùng” và “sáng chế” máy xử lý rác thải

Với ý tưởng đó, cùng với suy nghĩ: Vợ là người hiểu mình nhất; anh đem chuyện chế tạo máy xử lý rác thải ra chia sẻ và bàn với vợ. Ngay lập tức, bị vợ anh gạt phắt. Anh lại chia sẻ với một vài người bạn thân, bị bạn trố mắt nhìn anh như thể nhìn người ngoài hành tinh. Có người bạn thân chân thành khuyên: “Người ta là kỹ sư chế tạo máy, được đào tạo, học hành bài bản nhưng cả đời mấy ai phát minh, sáng chế ra nguyên một chiếc máy công nghiệp đâu. Đừng phí công vô ích. Rác thải, ô nhiễm đã có nhà nước lo…”.

Mặc vợ không đồng tình, mặc bạn bè can ngăn, đầu năm 2010, anh Nguyên bắt tay vào thực hiện ý tưởng bị cho là “khùng” này. Anh bỏ bê việc chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh, cả ngày lẫn đêm cặm cụi nghiên cứu, kẻ vẽ mô hình máy. Nhiều bữa anh quên ăn uống, cứ loay hoay với những thanh sắt gỉ, những chiếc ốc vít…

Các xưởng cơ khí trong làng ngoài xã, đâu đâu anh cũng đã đến. Anh thu gom từng mẩu sắt vụn, những vật liệu thải thấy phù hợp để chế tạo máy. Có những chi tiết, bộ phận, anh kiên trì tìm kiếm hàng tháng trời, rồi cải tạo, gọt giũa sao cho vừa để lắp ráp với các bộ phận khác. Cái tên Nguyên “khùng” cũng được gán cho anh từ đây.

Có những lúc, khó khăn khiến anh chán nản. Anh chia sẻ: “Từ hai bàn tay trắng, không qua trường lớp cơ khí chế tạo, chỉ có tình yêu quê hương và sự đam mê nên vô cùng khó khăn. Cộng thêm việc vợ con có lúc cằn nhằn, khó chịu với việc mình làm nên nhiều lúc cũng nản lắm. Khi ấy, tôi bỏ mặc công việc, ra bãi biển lộng gió thả hồn mình vào đấy. Nhưng trên bãi biển trong xanh ngày nào giờ toàn là túi ni lông, rác thải… tôi lại quyết tâm phải thành công”.

Đến "đứa con" ra đời

Sau gần 2 năm, cuối năm 2011, máy xử lý rác thải của anh ra đời trong niềm vui “không thể tả hết” (lời anh nói), trong sự khâm phục của bạn bè, người thân.

Tận mắt chứng kiến anh vận hành máy, mới tin khả năng của con người là vô cùng. Anh Nguyên giải thích về chức năng hoạt động của máy: “Rác tổng hợp được đưa vào bồn chứa nước có lắp mô tơ khuấy trộn rác. Những loại rác nhẹ như túi nilon, giấy, bao bì…khi khuấy trong bồn nước, chúng sẽ nổi lên và được hất lên băng chuyền tải về máy.

Các loại rác nặng, như gạch, đá, sắt, thép… sẽ lắng xuống đáy bồn và trượt theo máng đi ra mặt sàng. Còn những loại rác như củ, quả, phân trâu, bò… lắng lại dưới đáy bồn, được đẩy về hầm biogas. Khi hệ thống máy hoạt động, rác từ bồn nước đưa theo băng chuyền tải về thùng máy, chúng được băm bằng một hệ thống dao cắt thô, sau đó đẩy sang buồng dao cắt tinh rồi đùn ra ngoài.

Sau khi qua hai hệ thống dao hỗn hợp của chiếc máy này, tất cả các loại rác vô cơ sẽ được băm vụn… Các loại rác sau khi đã qua máy xử lý, băm vụn được anh Nguyên dùng nó trộn với đất rồi ủ làm phân để trồng cây. Thậm chí, anh cũng đã dùng rác đã xử lý trộn với xi măng, đá mạt rồi ép làm gạch xây dựng.

Hoàn thành, anh đưa máy vào chạy thử với công suất 1,5 KW bằng đường điện dân sinh. Tuy máy có hoạt động và cũng phân loại, băm nhỏ được rác thải, nhưng vì điện yếu nên máy thường xảy ra trục trặc. Không lùi bước, anh quyết định đầu tư và nâng công suất máy lên 4,5 KW, với nguồn điện 3 pha. Theo tính toán của anh, máy hoạt động 6 giờ/ngày sẽ xử lý được khoảng 8 - 9 m3 rác tổng hợp. Sau khi số rác ấy đã được máy xử lý, chỉ còn lại 1/4 khối lượng rác vụn hữu ích.

Sau khi nâng cấp và điều chỉnh một số chi tiết, anh đưa vào chạy thử nghiệm trước chứng kiến của đông đảo người dân địa phương. Động cơ chạy rất tốt, hoạt động như một cỗ máy chuyên nghiệp.


Rác thải sau khi đã qua xử lý

Nỗi niềm sáng chế

"Do máy được làm từ nguyên liệu thô sơ, thậm chí là rác thải, được anh Nguyên sửa chữa, chế tạo lại nên mô hình còn nhiều điểm chưa phù hợp. Chúng tôi rất quan tâm đến mô hình này, đồng thời đề nghị Sở KH-CN Thanh Hóa, các ngành chức năng quan tâm, thẩm định. Nếu máy được SX và sử dụng rộng rãi, sẽ góp phần hỗ trợ các địa phương hoàn thành tiêu chí về môi trường trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM", ông Thủy chia sẻ.

Gần một năm nay, kể từ khi chiếc máy hoàn thiện, đã có nhiều đoàn, nhiều cơ quan, ban, ngành chức năng trong và ngoài tỉnh quan tâm, tới tham quan chiếc máy xử lý rác thải.

Được biết, mới đây Công ty Chế biến rác thải Duy Anh (địa chỉ tại xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã ra tham quan, bước đầu ký kết hợp đồng với anh Nguyên SX máy xử lý rác thải. Thời gian thực hiện bắt đầu từ quý I/2013. Theo anh Nguyên, kinh phí SX chiếc máy thực nghiệm ban đầu hết 72 triệu đồng. Nếu SX máy có công suất lớn hơn, khoảng 15 m3 rác thải/ngày có giá thành từ 250 - 300 triệu đồng; công suất 25 m3/ngày giá khoảng 400 - 500 triệu đồng.

Khi được hỏi, anh có mong muốn gì đối với sáng tạo của mình, anh Nguyên chùng giọng: “Tôi hy vọng chiếc máy phát huy hiệu quả, giải quyết được vấn nạn rác thải gây ô nhiễm môi trường ở quê tôi và được áp dụng ở nhiều địa phương khác. Mong rằng sáng tạo này được các cơ quan chức năng quan tâm, để được tạo điều kiện công nhận và đăng ký độc quyền sáng chế. Từ đó được vay vốn, mặt bằng xây dựng nhà xưởng SX máy và xử lý rác…”.

Đem câu chuyện anh Nguyên “khùng” sáng chế máy xử lý rác thải trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia. Được ông Thủy cho biết, xã Hải Bình đã làm văn bản báo cáo về mô hình này lên huyện. Đích thân ông và một số lãnh đạo huyện đã về tham quan và không thể phủ nhận tính ưu việt của máy xử lý rác thải tự chế của anh Nguyên.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.